Cụ bà Honda hàng ngày vẫn niềm nở chào khách hàng và đồng nghiệp tại cửa hàng McDonald's ở Kyushu, cho hay 90 tuổi chưa phải là lúc nghỉ ngơi.

Đúng 7h30, cụ bà Tamiko Honda cầm chổi và xẻng hót rác, bắt đầu quét dọn bên ngoài cửa hàng McDonald's ở khu phố thương mại Shimotori sầm uất tại thành phố Kumamoto, tây nam Kyushu, Nhật Bản.

Cụ thoăn thoắt dọn sạch rác trên vỉa hè, dù thừa nhận "bị đau lưng mấy ngày nay rồi".

5 ngày một tuần, cụ ngồi xe bus 20 phút từ nhà đến quán để làm ca ba tiếng từ 7h30 và chỉ nghỉ thứ 4, Chủ nhật. Cụ đã làm công việc này suốt 23 năm qua.

Theo McDonald's Nhật Bản, nhân viên lớn tuổi nhất trong khoảng 3.000 cơ sở của họ là một cụ ông 95 tuổi ở Toyama. Cụ bà Honda hiện là nhân viên nữ lớn tuổi nhất.

"Tôi luôn cảm thấy yên lòng khi cụ Honda chào tôi mỗi sáng. Chúng tôi tin tưởng cụ trong mỗi ca làm. Cụ vừa tiếp thêm năng lượng vừa là nguồn động viên với những người xung quanh", Hiromi Ushijima, 51 tuổi, quản lý cửa hàng, nói.

1 Cu Ba 90 Tuoi Khong Chiu Nghi Huu

Cụ bà Tamiko Honda quét dọn trước cửa hàng McDonald's ở Kumamoto. Ảnh: ESSEonline

Cụ Tamiko Honda từng làm điều dưỡng tại một bệnh viện ở thành phố Kumamoto trước khi về hưu theo chính sách năm 61 tuổi. Nhưng cụ không chịu nghỉ ngơi, tiếp tục làm công việc dọn dẹp cho một trường đại học địa phương đến khi đạt độ tuổi nghỉ hưu bắt buộc ở trường này là 67.

Không chấp nhận "ngồi không", cụ tiếp tục tìm việc. Khi con gái giới thiệu tin tuyển dụng của McDonald's với nội dung "chào đón mọi lứa tuổi", cụ đã nộp đơn xin việc ngay trong ngày.

"Tôi lớn lên trong thời chiến, thức ăn luôn khan hiếm. Bữa ăn của chúng tôi hồi đó chủ yếu là khoai lang và khoai sọ. Thời kỳ đói kém khiến tôi cảm nhận sâu sắc giá trị của mọi thứ", cụ chia sẻ.

Con gái cụ đã qua đời vì ung thư cách đây 12 năm. Đầu mỗi ca, cụ Honda thường ngắm ảnh con gái, trước khi xắn tay nói: "Làm việc nào!".

Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng giảm dân số và tỷ lệ sinh do văn hóa làm việc, chi phí sinh hoạt tăng, thay đổi quan điểm về hôn nhân, bình đẳng giới và sự vỡ mộng của giới trẻ về tình hình xã hội. Theo thống kê năm 2022, Nhật Bản có gần 9,13 triệu lao động trên 65 tuổi, tương đương 13,6% lực lượng lao động, tăng gấp đôi so với 30 năm trước.

Chi tiêu an sinh xã hội cũng tăng vọt khi dân số Nhật già hóa, chiếm khoảng 1/3 chi tiêu hàng năm của chính phủ. "Tôi muốn sống và làm việc hết mình khi cơ thể cho phép, tôi không muốn tạo gánh nặng cho những người xung quanh", cụ Honda nói.

2 Cu Ba 90 Tuoi Khong Chiu Nghi Huu

Cụ Honda lau dọn khu vực ăn uống tại cửa hàng McDonald's ở Kumamoto, ngày 11/9. Ảnh: Mainichi

Các công ty Nhật đang nỗ lực đưa ra những biện pháp giúp người cao tuổi có thể tiếp tục làm việc, như bãi bỏ hoặc tăng tuổi nghỉ hưu bắt buộc lên 70.

Khảo sát hồi đầu năm 2020 của chính phủ cho thấy gần 37% người cao tuổi Nhật Bản có ý định làm việc càng lâu càng tốt, gần 60% muốn làm việc đến tuổi 75 hoặc 80. Hơn 45% người cao tuổi Nhật tiếp tục đi làm do cần thu nhập, 23% vì sức khỏe, 26% vì công việc thú vị hay mong muốn kết bạn.

Do tuổi cao, thính giác, thị lực của cụ Honda đã giảm sút, nhưng cụ không có ý định nghỉ ngơi, cho rằng bản thân khỏe mạnh là nhờ công việc.

Trong thời gian giải lao, cụ thường trò chuyện cùng các đồng nghiệp trẻ, mời họ những món ăn tự làm. "Tôi chưa từng nghỉ làm vì ốm. Đến làm việc và nói chuyện cùng những người trẻ khiến tôi cảm thấy năng động", cụ nói.

"Lao động là bí quyết để mạnh khỏe. Trong cuộc sống, bạn cần giữ hy vọng", cụ Honda tuyên bố.

3 Cu Ba 90 Tuoi Khong Chiu Nghi Huu

Cụ bà Honda trả lời truyền thông bên trong cửa hàng McDonald's ở Kumamoto, hồi tháng 6. Ảnh: RKK

Đức Trung (Theo Mainichi)

Nguồn: VNEXPRESS.NET