Chị Ngô Thị Ngà (bên trái ảnh) – người từng nhặt được 11 cây vàng ở bãi rác. Ảnh: Nguyễn Nhung
“Lộc trời” trong những túi rác hôi thối
14 năm về trước, chị Ngô Thị Ngà (trú tại thôn Đô Tân, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) từng là tâm điểm của báo chí cũng như trong các câu chuyện của hàng xóm, láng giềng. Chuyện là trong một lần đi bới rác, chị nhặt được 11 cây vàng và trở nên nổi tiếng bất đắc dĩ. Câu chuyện ấy cho đến ngày nay, nhiều người vẫn còn nhắc lại.
Chị Ngà sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã vùng núi Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn). Năm 1998, chị lấy chồng và ra ở riêng. Cuộc sống ở vùng quê nghèo chỉ có làm ruộng là chính nên thiếu thốn đủ bề.
Hồi ấy, người dân ngoài làm nông ra còn đi bới rác kiếm thêm thu nhập. Bãi rác “khổng lồ” nằm trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ trở thành nơi kiếm sống của hàng trăm người.
Năm 2000, chị Ngà mang bầu đứa con gái đầu lòng nhưng vẫn hằng ngày đạp xe theo chân những người hàng xóm lên bãi rác Nam Sơn bới rác. Chị cặm cụi từ tờ mờ sáng đến tối, bới tìm đủ thứ rác, từ sắt, nhôm, nhựa, thậm chí là củi, rau cho heo… mang về phân loại bán. Thu nhập bình quân mỗi ngày được khoảng 100.000 - 150.000 đồng.
Cái nghề bới rác hồi ấy rất thịnh hành vì mang lại thu nhập cho nhiều người và nhiều người cũng được “lộc trời” từ bên trong đống rác hôi thối. Bãi đông, người nhộn nhịp, người ta còn dựng lán trại, mở hàng quán bán nước, chè thuốc, bánh trái… trên đỉnh bãi rác cho người bới rác nghỉ giải lao.
Cái ngày mà đến giờ chị Ngà vẫn nhớ như in, đó là ngày 25/12 âm lịch, giáp Tết Nguyên đán năm 2009. Lúc ấy, chị cùng với hàng trăm người bới rác đang phải căng mình tranh thủ làm vì bãi rác sắp đóng cửa hết tuần, cũng vừa là cố để kiếm tiền sắm Tết, thì chị phát hiện một túi bóng màu xanh, trong đó có chứa đầy giẻ rách.
Chị Ngà xé túi bóng thì thấy một miếng vàng rơi ra. Dỡ tiếp vải, chị lại thấy tiếp 10 miếng vàng giống nhau. Tất cả đều in rõ chữ SJC 9999.
Chị ngỡ ngàng, chưa tin đó là vàng thật liền đem 1 miếng vào lán trại hỏi một người có kinh nghiệm. Người này cầm dao gọt thử thì nói rằng đó là vàng thật. Sau đó, chị Ngà cho 11 cây vàng vào túi bóng, để trong bì rau lợn mang về nhà.
Tin chị Ngà nhặt được vàng nhanh chóng lan truyền khắp trong xóm ngoài làng, anh em họ hàng kéo đến chật sân chúc mừng. Chị Ngà liền mổ lợn, làm 20 mâm cỗ thết đãi họ hàng, làng xóm.
Số vàng ấy sau vợ chồng chị Ngà mang ra phố Nỉ (huyện Sóc Sơn) bán. Giá vàng thời điểm năm 2009 là 27 triệu đồng một cây, chị bán hết được gần 300 triệu đồng.
Sau lần nhặt được 11 cây vàng, chị Ngà còn vài lần nhặt được “lộc trời”. Lần ít thì được 100.000 – 200.000 đồng còn sót lại trong phong bì, lần nhiều thì 5 triệu, thậm chí có lần chị còn nhặt được cả tiền nước ngoài mệnh giá 200 USD.
Vận đen liên tục ập đến với gia đình
Những ngày cuối tháng 4/2023, PV đã có cuộc trao đổi với chị Ngà về cuộc sống hiện tại của chị và quãng thời gian 14 năm sau khi nhặt được vàng.
Ngôi nhà cấp 4 của vợ chồng chị Ngà – anh Hưng
Chị Ngà bộc bạch: “Người ta bảo “nhặt được bạc thì sang, nhặt được vàng thì lụi”, nhiều lúc tôi ngẫm cũng thấy đúng chú ạ. Bao nhiêu điều không may cứ xảy đến với tôi”.
Theo lời chị Ngà, sau khi bán vàng được gần 300 triệu đồng, vợ chồng chị quyết định làm ăn lớn. Do nhà gần sông nên vợ chồng chị đầu tư số tiền gần 300 triệu mua tàu hút cát. Thế nhưng mới chỉ làm được vài tháng, công việc đã không thuận lợi, thường xuyên xảy ra trục trặc nên anh chị bán lại tàu cho một người quen. May mắn là cũng thu hồi được gần bằng số vốn ban đầu.
Khoảng năm 2010-2011, anh Lưu Văn Hưng (chồng chị Ngà) thường xuyên ốm đau, bệnh tật phải đi viện. Khắp các bệnh viện, từ bệnh viện C Thái Nguyên đến BV Bạch Mai, BV Việt Đức… ở Hà Nội anh đều có mặt để khám và điều trị.
Chi phí 2 lần mổ tụy cho anh Hưng đã tiêu tốn của gia đình khoảng 200 triệu đồng. Chưa kể đến những lần tái khám, thuốc thang điều trị, thuốc bổ… số tiền bán vàng cứ vơi dần đi.
Tìm niềm tin nơi tâm linh, chị Ngà sắm sửa lễ tạ với mong muốn giải vận đen cho gia đình. Chị tâm sự: “Nhưng xét cho cùng, nếu không nhặt được vàng thì có lẽ gia đình tôi đã nợ một số tiền lớn vì phải chữa bệnh cho chồng”.
Công cuộc kiếm sống ở ngoài bãi rác ngày càng khắc nghiệt và khó khăn hơn, thêm phần hôi hám, bẩn thỉu nên từ năm 2015 chị Ngà nghỉ. Chị đi làm công nhân nhiều nơi, lúc thì ở Mê Linh (Hà Nội), lúc thì ở Bắc Ninh. Sau đó, từ 2016 đến nay, chị làm tạp vụ nhà bếp ở khu công nghiệp Samsung Thái Nguyên.
Hằng ngày, chị Ngà đi từ sáng sớm đến tối muộn mới về. Lương của chị dao động từ 5-7 triệu đồng, tùy vào tăng ca nhiều hay ít. Số tiền ít ỏi ấy đủ để chị trang trải cuộc sống gia đình, đóng tiền học cho con và thuốc thang cho chồng. Chồng chị từ ngày mổ, sức khỏe kém dần đi nên ở nhà làm nông là chủ yếu.
Ngôi nhà cấp 4 của 2 vợ chồng chị hàng chục năm qua cứ cũ dần theo thời gian, hỏng đâu sửa đó.
Một mình chị Ngà bao năm qua gồng gánh, làm trụ cột gia đình và nuôi 3 con ăn học. Đến nay, 2 con gái đầu của chị đã yên bề gia thất; cậu con trai út đang học lớp 9 là niềm hy vọng cũng là động lực để chị Ngà tiếp tục cố gắng.