“Khủng hoảng Sputnik”
Không có gì sai và phóng đại về mối đe dọa của Liên Xô, cả về quân sự và ý thức hệ trong nhận thức đương đại của Mỹ qua vệ tinh nhân tạo Sputnik. Ngay sau khi Sputnik được phóng thành công lên quỹ đạo Trái Đất thấp, Mỹ và Phương Tây rơi vào cái được gọi là cuộc “Khủng hoảng Sputnik”.
Những thành tựu không gian ban đầu của Liên Xô được nhiều người trên toàn cầu coi là một bằng chứng về tính ưu việt, hiệu quả của mô hình chính phủ và cấu trúc xã hội của Nhà nước Xô viết.
Chỉ riêng trên tờ New York Times, “Sputnik 1” đã được đề cập trong các bài báo trung bình 11 lần/ngày trong khoảng thời gian từ ngày 6/10 đến 31/10/1957 - nỗi sợ hãi của Mỹ đối với Liên Xô trong không gian.
Với mỗi chiến thắng sau đó về công nghệ, Liên Xô không chỉ chứng minh những gì có thể làm được thông qua cách tiếp cận kinh tế và chính sách, mà còn chứng minh điều mà chủ nghĩa tư bản của Mỹ không thể làm…, hoặc ít nhất, không thể làm được nhanh chóng.
Nỗi sợ hãi những người cộng sản không chỉ chiến thắng về mặt tinh thần mà còn cả về trái tim và khối óc bao trùm và đã trực tiếp dẫn đến việc thành lập Cơ quan nghiên cứu Hàng không Vũ trụ (NASA), đầu tư các nguồn lực cho tên lửa và khoa học quỹ đạo, tài trợ mạnh cho cả các chương trình quốc phòng, nâng cao uy tín nhằm bù đắp những lợi thế của Liên Xô đang trở nên hiển hiện trên nhiều lĩnh vực.
Tên lửa đẩy N1 của Liên Xô; Nguồn: spacethatneverwas.tumblr.com
Tháng 11/1957, Liên Xô trở thành quốc gia đầu tiên đưa động vật sống là chó Laika lên quỹ đạo trên Sputnik 2.
Tháng sau, Mỹ lần đầu tiên thực hiện nỗ lực đưa một vệ tinh Vanguard TV3 (Phương tiện Thử nghiệm 3) của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân lên quỹ đạo, nhưng tên lửa chỉ bay khỏi bệ phóng khoảng 4 feet trước khi đổ sập trở lại và phát nổ.
Tuy nhiên, vào tháng sau, Mỹ đã vào vũ trụ với Explorer 1, và cuối năm đó, NASA thay thế Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Hàng không (NACA) với sứ mệnh đưa Mỹ hướng tới vị thế tối cao về không gian.
Năm 1959, tên lửa Luna 1 của Liên Xô bị lỗi về mặt kỹ thuật đã bay xa hơn các nền tảng trước nó, thoát khỏi quỹ đạo của Mặt Trăng và cuối cùng đi vào quỹ đạo Mặt Trời, nhưng cuối năm đó, tàu vũ trụ Luna 2 của Liên Xô lần đầu tiên đến bề mặt Mặt Trăng.
Chẳng bao lâu sau, Luna 3 gửi hình ảnh bề mặt Mặt Trăng từ quỹ đạo và đến năm 1960, Liên Xô là những người đầu tiên gửi động vật (hai con chó Belka và Strelka) và thực vật vào không gian và đưa trở lại mà vẫn sống. Và chỉ một năm sau, Liên Xô đã đưa một con người thực là nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin vào không gian.
Lập kế hoạch “khám phá” tàu vũ trụ
Năm 1959, để quảng bá, Liên Xô quyết định chọn một số công nghệ, phương tiện và thiết bị đại diện cho những tiến bộ vượt bậc của Liên Xô cho một cuộc triển lãm lưu động. Cơ hội để xem xét kỹ hơn viên ngọc quý nhất của triển lãm - một tàu vũ trụ Lunic rất giống với Luna 2, được đặt trong một tầng trên tên lửa được sửa đổi đã đến.
Khi đến gần nhất có thể, một vài đặc vụ mặc thường phục đã rất ngạc nhiên khi thấy phi thuyền được giấu sau những đường cắt bằng kính trong vỏ tên lửa thật. Các báo cáo được giải mật cho biết, một số người há hốc miệng, nhướn mày, quá xốc khi biết sự việc, và tin đến tai Langley (biệt danh Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ - CIA).
Ngay lập tức, các phương án và kế hoạch để “khám phá” Lunic kỹ hơn bắt đầu được vạch ra. Nhưng tại địa điểm trưng bày, các binh sĩ bảo vệ con tàu mọi lúc, cả trong giờ và ngoài giờ, khi các viện bảo tàng và phòng triển lãm đóng cửa; việc tiếp cận để thu thập thông tin Lunic trong khi nó đang được trưng bày thực tế là không thể, vì vậy CIA đã chuyển sự chú ý của họ đến cách Lunic được vận chuyển từ nơi trưng bày này sang nơi trưng bày khác.
Tên lửa Vostok của Liên Xô; Nguồn: djournal.com
Trong khi tất cả các hiện vật triển lãm được vận chuyển từ thành phố này sang thành phố khác bằng tàu hỏa (có bảo vệ đi cùng), CIA đã xác định được một số lỗ hổng trong cách vận chuyển từng hiện vật từ địa điểm triển lãm đến ga xe lửa. Hiện vật đơn giản chỉ được đặt trong những chiếc thùng nhỏ gọn và chất lên xe tải chở chúng đến ga xe lửa để bốc xếp.
Quá trình vận chuyển này không được giám sát chặt chẽ bởi an ninh Liên Xô, với các vật phẩm đến tàu trong những khoảng thời gian ngẫu nhiên và ít có sự phối hợp giữa các lực lượng vận chuyển; những người bảo vệ tại các kho đường sắt thậm chí còn không được cung cấp danh sách hàng. Chính thiếu sót này của an ninh Liên Xô trên hết đã trao cho CIA cơ hội mà họ cần.
Cướp tên lửa từ đường cao tốc
Khi đêm đến, để thực hiện kế hoạch, các đặc vụ CIA mặc thường phục đi theo xe chở Lunic ra khỏi địa điểm triển lãm, không quên trông chừng an ninh Liên Xô. Đáng ngạc nhiên, mặc dù an ninh tổ chức chặt chẽ trong suốt các buổi trưng bày, chiếc xe chở một container chứa đầy bí mật quốc gia của Liên Xô thực hiện chuyến đi ngắn đến ga xe lửa hoàn toàn không có người đi kèm.
Khi chiếc xe tải đến gần rẽ về phía ga xe lửa, đặc vụ CIA chỉ việc cho xe vượt lên và hộ tống người lái xe đến một khách sạn gần đó.
Một đặc vụ nhảy vào ghế tài xế và lái chiếc xe tải vào một bãi cứu hộ gần đó đã được chọn có những bức tường cao che khuất. Đây là một trong những điệp vụ táo bạo nhất trong Chiến tranh Lạnh, và chắc chắn có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột giữa hai cường quốc hạt nhân của hành tinh ...
Trong ba mươi phút, các nhân viên CIA lượn lờ trong bóng tối xung quanh chiếc xe tải mới đánh cắp của họ, chờ đợi một dấu hiệu nào đó cho thấy người Liên Xô đã nhận thấy sự vắng mặt của Lunic.
Khi tình hình có vẻ như không có gì khả nghi, họ leo vào chiếc thùng dài 20 feet, rộng 11 feet và sâu 14 feet được đặt bên trong xe tải. Công việc của họ là tiếp cận con tàu vũ trụ Lunic, tháo rời nó và chụp ảnh những gì họ có thể, sau đó, lắp ráp lại, nhét nó trở lại bên trong thùng như cũ và chuyển nó đến ga xe lửa trước khi trời sáng, để người Liên Xô không biết bất cứ điều gì đã xảy ra.
Tác nghiệp chuyên môn
Bản thân chiếc thùng đã được sử dụng lại nhiều lần, khiến nó khá dễ dàng được mở ra mà không để lại bất kỳ dấu hiệu bị đụng chạm nào.
Tuy nhiên, không có cách nào để kéo tầng tên lửa ra khỏi thùng, nhóm điệp viên sớm nhận ra rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chui vào, thực hiện công việc của mình bên trong thùng gỗ. Các đặc vụ cởi giày và chia thành các nhóm, leo xuống đáy thùng bằng thang dây mà họ mang theo để tiếp cận các bí mật được lưu giữ bên trong.
CIA đóng vai trò quan trọng trong việc ăn cắp kỹ thuật tên lửa của Liên Xô; Nguồn: WATM
Ngay sau đó, kế hoạch của họ gặp trục trặc - tàu vũ trụ Lunic sẽ không khó tiếp cận qua tầng tên lửa mà nó được đặt trong đó, nhưng khi cố gắng xâm nhập, các nhân viên CIA đã tìm thấy một niêm phong nhỏ bằng nhựa có khắc logo Liên Xô.
Để đến được con tàu vũ trụ, cần phải phá vỡ niêm phong, nhưng làm như vậy gần như chắc chắn sẽ tiết lộ sự can thiệp của họ cho nhà chức trách Liên Xô. Nhanh chóng, các cuộc gọi đến các bộ phận CIA trong khu vực, và được trả lời rằng họ có thể tái tạo niêm phong và đưa đến kịp thời để lắp ráp lại và trả tên lửa vào buổi sáng.
Mặc dù động cơ đã bị loại bỏ, các giá treo cũng như thùng chứa nhiên liệu và chất oxy hóa vẫn còn, cung cấp cho CIA đủ thông tin để ngoại suy kích thước động cơ và khả năng tải trọng của tên lửa. Khi niêm phong được gỡ bỏ, bản thân Lunic đã được kéo ra, tháo rời và chụp ảnh rất chi tiết. Thông tin thu thập được không chỉ có giá trị từ góc độ thiết kế, nó còn cung cấp bối cảnh quan trọng liên quan đến chương trình tên lửa của Liên Xô.
Nhờ các phép đo và trọng lượng được ghi lại cho trọng tải, CIA sẽ có thể hiểu rõ hơn về dữ liệu đo từ xa mà họ thu thập được xung quanh mỗi vụ phóng của Liên Xô.
Đó là một chiến thắng tình báo quan trọng đối với Mỹ và sẽ tiếp tục định hình các kế hoạch và chính sách liên quan đến các nỗ lực không gian của Mỹ trong nhiều năm tới. Nhưng nhận được thông tin chỉ là một phần của công việc.
Khi ánh trăng tắt dần, các đặc vụ CIA đang làm việc với các dụng cụ cầm tay và đi tất chân đã rốt ráo lắp ráp lại Lunic và vỏ tên lửa của nó, thêm niêm phong, tháo thang dây và cố định lại phần trên của thùng.
Đến 5 giờ sáng, người lái xe ban đầu đã được trả lại chiếc xe tải và “hàng hóa” của mình, và anh ta đã chuyển nó đến ga tàu để kịp giao cho người bảo vệ đầu tiên đến làm việc lúc 7 giờ sáng.
Thông tin thu thập được từ chiến dịch đã cho Mỹ hiểu đầy đủ hơn về những gì Liên Xô có khả năng, cho phép người Mỹ lên kế hoạch cho những nỗ lực phù hợp của họ. Nước Mỹ không còn hoạt động trong sự lo lắng âm ỉ của “khủng hoảng Sputnik” mà không có dữ liệu thực tế mà họ cần để đánh giá thực chất tình hình.
Chính trong kiến thức mới được tìm thấy đó, sự thống trị không gian trong tương lai của Mỹ bắt đầu nảy mầm. Để đánh bại kẻ thù, phải biết chúng đang ở đâu và chúng có thể làm gì… và CIA đã khám phá điều đó ở phía sau một chiếc xe tải bị đánh cắp.
Chưa đầy mười năm sau, Mỹ vượt lên trước trong cuộc đua không gian khi tàu Apollo 11 hạ cánh trên Mặt Trăng ngay trước khi một tàu đổ bộ của Liên Xô đâm vào bờ bên kia. Hơn hai mươi năm sau, Liên Xô sụp đổ và Chiến tranh Lạnh chính thức kết thúc.
Theo VOV