Việc đàn ông bỏ tiền "chơi gái" như đốm lửa âm thầm cháy, có thể bùng lên bất cứ lúc nào thiêu rụi cả hạnh phúc gia đình. Biết vậy nhưng đàn ông vẫn nhắm mắt lao vào, lờ đi những tai hại của nó...

Có một thực tế là, dù chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh nơi pháp luật bảo vệ mối quan hệ một vợ một chồng, hôn nhân chung thủy là giá trị được đề cao hết mức trong mỗi gia đình, hoạt động mại dâm là phạm pháp thì vẫn không thiếu gì đàn ông, bao gồm cả đã có vợ con đề huề, đi "chơi gái".

Việc đàn ông bỏ tiền "chơi gái" như đốm lửa âm thầm cháy, có thể bùng lên bất cứ lúc nào thiêu rụi cả hạnh phúc gia đình. Biết vậy nhưng đàn ông vẫn nhắm mắt lao vào, lờ đi những tai hại của nó, chỉ vì chút vui thú nhất thời, bất chấp những hậu quả sau đó có thể là tan nát gia đình, tiêu tan sự nghiệp. Cứ như đã có một sự ngầm chấp nhận, đàn ông "hư" như vậy là chuyện thường, "đàn ông năm thê bảy thiếp mà, miễn anh ta đi đâu vẫn quay về với vợ con"...

1 Dan Ong Choi Gai   Chuyen Khong Co Gi Phai La

Ảnh minh họa: Getty Images.

Mới đây, một nữ ca sĩ nhân lúc chủ đề đàn ông ra ngoài "chơi gái" đang trở nên nóng hơn bao giờ hết trên các diễn đàn mạng xã hội, đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình: "Đàn ông không chơi gái mới là lạ... Không có gì phải sốc hết. Thế mới là đời".

Phát ngôn này nhận không ít ý kiến trái chiều. Bên cạnh những ý kiến đồng tình với cô ấy, không ít người cảm thấy rất bất ngờ. Bởi đến phụ nữ còn có suy nghĩ như thế thì trách gì đàn ông không lăng nhăng, phóng khoáng trong các mối quan hệ tình cảm, tình dục ngoài luồng.

Trong xã hội phong kiến, khi vai trò vị trí của người phụ nữ không được coi trọng. Người ta coi việc đàn ông "năm thê bảy thiếp" là việc bình thường. Và phụ nữ xưa sinh ra với tâm thế "làm thân hoa cho người ta hái". Nhưng xã hội ngày một phát triển đi lên, người phụ nữ đã được coi trọng và có vai trò vị trí ngang bằng với nam giới, không chỉ trong gia đình mà còn ngoài xã hội.

Việc ngoại tình, các mối quan hệ ngoài vợ ngoài chồng không chỉ sai về mặt hành vi đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Thế nhưng xem ra nhiều người vẫn xem việc đàn ông đi "chơi gái" là một việc hết sức bình thường, là bản năng giống loài, là một hành vi "rất đời" của cánh mày râu.

Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu phát ngôn đó là từ một người đàn ông. Bởi đàn ông ham của lạ, đàn ông ham vui, đàn ông đôi khi vì ham muốn bản năng mà coi nhẹ các giá trị đạo đức. Và tất nhiên, đàn ông thì hiểu tâm lý đàn ông hơn, muốn bao che cho nhau, bảo vệ nhau là việc hoàn toàn có thể hiểu.

Nhưng là phụ nữ, nếu coi việc đàn ông đi "chơi gái" là việc bình thường có phải là nối giáo cho giặc hay không. Mình thấy chồng hàng xóm ngoại tình thì không sao, nhưng nếu là chồng mình ngoại tình liệu có thể chấp nhận? Mình thấy đàn ông người ta đi "chơi gái" thì mặc kệ chả liên quan, nhưng nếu là chồng mình đi "chơi gái" thì có chấp nhận được không?

Tất nhiên, cuộc đời này, có những việc không muốn chấp nhận vẫn phải chấp nhận. Nhưng như vậy không có nghĩa là việc đó đúng, có thể thông cảm, có thể bình thản mà đón nhận. Đàn ông có thể không coi trọng phụ nữ. Nhưng lẽ nào phụ nữ cũng xem thường vị trí của mình, coi phụ nữ chỉ là trò tiêu khiển?

"Chơi gái" có phải chuyện thường thấy ở tất cả đàn ông không? Tôi không dám khẳng định điều này. Nhưng tôi tin không phải tất cả đàn ông đều như vậy. Trong cuộc sống này không thiếu những người đàn ông chân thành, tử tế, đứng đắn, đàng hoàng. Không thiếu những người đàn ông yêu thương vợ con, coi trọng gia đình. Họ tự trọng và tôn trọng bạn đời. Họ, dù làm gì cũng luôn đặt gia đình lên trên hết.

Về quan điểm: "Đàn ông không chơi gái mới là lạ", Th.s Trần Thị Hải Yến, Giảng viên và nhà thực hành Tâm lý lâm sàng thuộc Học viện quản lý giáo dục cho rằng:

"Xét dưới góc nhìn tâm lý xã hội Việt Nam thì quan điểm này là chưa phù hợp. Đàn ông "chơi gái" xét về mặt pháp luật là sai (nếu là mua dâm). Huống hồ, đàn ông đã có gia đình vợ con, họ làm vậy là sai với gia đình. Nếu còn là người của công chúng, người giúp truyền tải những thông điệp văn hóa xã hội đến cuộc sống thì quan điểm trên lại càng sai.

Quan điểm này có chiều hướng tiêu cực. Thứ nhất, nhận thức sai lệch về hành vi "chơi gái", dễ cổ súy cho những hành vi tương tự hoặc bất bình đẳng giới tính. Thứ hai, nó thể hiện sự chấp nhận của người phát ngôn về một việc họ cho rằng không thay đổi được. Thứ ba, nếu người phát ngôn cũng là người của công chúng thì phát ngôn ấy không chỉ mang tính cá nhân mà còn có thể trở thành định hướng dư luận không tốt.

Riêng quan điểm cá nhân về câu nói: "Đàn ông không chơi gái mới là lạ", Th.S Trần Thị Hải Yến cho rằng: "Đó là quan điểm cá nhân của mỗi người. Nhưng suy cho cùng, không có hành vi nào gây tổn thương cho người khác và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình lại được coi là bình thường cả".

Nguồn: Báo điện tử Dân trí