Thế vận hội Melbourne 1956 vấp phải sự phản đối của các nước như Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Ai Cập, Iraq, Lebanon... (Nguồn: Getty)
Chương 5 của Hiến chương Olympic nêu rõ: “Không một hành động mang màu sắc chính trị, tôn giáo hay sắc tộc nào được phép diễn ra tại Thế vận hội”.
Quy định là thế, nhưng lịch sử hơn 100 năm của Thế vận hội vẫn diễn ra không ít rắc rối xoay quanh câu chuyện địa - chính trị giữa các đoàn tham dự.
Một số Thế vận hội, chẳng hạn như Olympic Berlin năm 1936 do Đức Quốc xã tổ chức đã chứng kiến các quốc gia (bao gồm cả Mỹ và Anh) đe dọa rút lui, nhưng cuối cùng cũng quyết định tham gia. Ba kỳ Olympic vào những năm 1916, 1940 và 1944 buộc phải hủy bỏ bởi các Thế chiến I và II.
Một số quốc gia bị cấm tham gia Olympic như Đức và Nhật Bản vào năm 1948 do vai trò của các nước này trong Thế chiến II, hay Nam Phi trong kỷ nguyên Apartheid. Nga cũng bị cấm tham gia Olympic Bình Nhưỡng 2018, Olympic Tokyo 2020 do bê bối liên quan đến doping (mặc dù các vận động viên vẫn được tham gia thi đấu dưới lá cờ của Ủy ban Olympic Nga).
Các cuộc tẩy chay
Trong lịch sử có sáu lần các quốc gia chính thức tẩy chay Thế vận hội với nguyên nhân chính trị khác nhau.
Lần đầu tiên là Thế vận hội mùa Hè năm 1956 tại Melbourne, Australia. Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Sỹ rút lui để phản đối việc Liên Xô đưa quân vào Hungary. Ai Cập, Iraq và Lebanon quyết định không tham dự để phản đối cuộc khủng hoảng sau khi Anh - Israel - Pháp tấn công Ai Cập để kiểm soát kênh đào Suez.
Lần thứ hai là Olympic Tokyo tại Nhật Bản vào năm 1964. Trung Quốc, Triều Tiên và Indonesia quyết định từ chối tham gia Thế vận hội sau khi IOC tuyên bố sẽ loại các vận động viên thi đấu trong Đại hội thể thao GANEFO (viết tắt của Games Of New Emerging Forces - Đại hội thể thao của những lực lượng mới nổi) do Indonesia tổ chức năm 1963. Trước đó, cả ba quốc gia trên đã cử nhiều vận động viên tham gia tranh tài tại Jakarta.
Đây cũng là năm đầu tiên Nam Phi bị cấm tham gia Thế vận hội vì chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid. Lệnh cấm này kéo dài cho đến năm 1992.
Trong khi Thế vận hội vẫn tiếp tục được tổ chức sau nhiều lần bị tẩy chay và hủy bỏ, một số người mê tín cho rằng nó đã bị nguyền rủa và gặp vận rủi theo chu kỳ 40 năm - đặc biệt là bất cứ khi nào Nhật Bản đăng cai tổ chức. Cụ thể, Olympic Nhật Bản năm 1940 phải hủy, dù đã được dời sang Helsinki (Phần Lan). Sau đó Olympic Moscow 1980 bị 65 quốc gia tẩy chay. Gần đây nhất, Olympic Tokyo 2020 buộc phải dời thời gian tổ chức sang năm 2021 vì đại dịch Covid-19.
Căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh
Năm 1976, hơn 20 quốc gia, chủ yếu ở châu Phi, đã tẩy chay kỳ Olympic tại Montreal, Canada. Các quốc gia châu Phi tuyên bố không tham dự Olympic Montreal để phản đối việc New Zealand tổ chức một trận giao hữu rugby với Nam Phi, bất chấp các lệnh cấm.
Cuộc tẩy chay gây ra thiệt hại lên tới 1 triệu CAD do ban tổ chức phải hoàn lại tiền khách sạn và vé máy bay.
Hai kỳ Olympic năm 1980 và 1984 chứng kiến một cuộc cạnh tranh ngoại giao căng thẳng giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới khi đó: Liên Xô và Mỹ.
Năm 1980, 65 quốc gia, dẫn đầu là Mỹ dưới thời Tổng thống Jimmy Carter đã tẩy chay Thế vận hội mùa Hè tại Moscow, Nga. Đây là hành động phản đối việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan ngày 27/12/1979. Cuối cùng chỉ có 80 quốc gia tranh tài tại Thế vận hội năm đó, con số ít nhất kể từ năm 1956.
Để trả đũa, Liên Xô dẫn đầu 14 quốc gia thuộc khối phía Đông tẩy chay Olympic Los Angeles, Mỹ vào năm 1984.
Năm 1988, Cuba, Ethiopia, Nicaragua và Triều Tiên cùng nhau tẩy chay Thế vận hội mùa Hè ở Seoul, Hàn Quốc. Triều Tiên từ chối tham dự sự kiện thể thao này vì không được phép đồng tổ chức Thế vận hội với Hàn Quốc. Sau đó, cả Cuba, Ethiopia và Nicaragua cũng phản đối Thế vận hội.
Mặc dù vậy, Olympic Seoul 1988 - Thế vận hội cuối cùng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã lập kỷ lục mới về số quốc gia (159) và vận động viên (8.000).
Theo thông lệ, Ủy ban Olympic nước chủ nhà sẽ mời các lãnh đạo nước ngoài tới dự lễ khai mạc Thế vận hội. Do đó, ngoài các cuộc họp ở Liên hợp quốc và các hội nghị cấp cao, các kỳ Olympic cũng là nơi để quan chức cấp cao các nước có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện bên lề.
Mặt trận tẩy chay mới
Ngày 6/12, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo, sẽ không cử quan chức cấp cao hay phái đoàn ngoại giao nào dự Olympic mùa Đông 2022, dự kiến diễn ra từ ngày 4-20/2 tại thủ đô Bắc Kinh.
Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 sẽ diễn ra từ ngày 4 - 20/2. (Nguồn: NPR)
Sau đó, trong tuyên bố đưa ra hôm 7/12, Phó Thủ tướng New Zealand Grant Robertson khẳng định sẽ không có đại diện ngoại giao cấp lãnh đạo Bộ tham dự sự kiện trên. Tiếp đó, đại diện của các nước Anh, Australia và Canada cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Như vậy, toàn bộ thành viên của nhóm Ngũ Nhãn (Five Eyes) đều lên tiếng “tẩy chay ngoại giao” Olympic mùa Đông 2022.
Có thể thấy cuộc tẩy chay ngoại giao do Mỹ dẫn đầu là việc các quan chức cấp cao của những quốc gia kể trên sẽ không đến Trung Quốc để dự kỳ Thế vận hội lần này. Trong khi đó, các nước vẫn sẽ cho phép các đoàn thể thao tham dự và thi đấu ở các bộ môn.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, đội vận động viên Mỹ vẫn sẽ sang Bắc Kinh tranh tài tại Olympic 2022 và sẽ nhận được sự ủng hộ đầy đủ từ quê nhà.
Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia đồng minh của Mỹ đều ủng hộ việc tẩy chay. Ngày 9/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gọi động thái tẩy chay ngoại giao chỉ là hình thức và không có nhiều ý nghĩa, đồng thời nói rằng, Pháp sẽ không hành động giống các nước trên. Ông Macron cũng kêu gọi không nên chính trị hóa thể thao.
Tổng thống Moon Jae-in ngày 13/12 cũng khẳng định, Hàn Quốc không xem xét việc tẩy chay ngoại giao đại hội thể thao này. Đồng thời, Seoul cũng đã có lời chúc Olympic mùa Đông Bắc Kinh thành công và có thể đóng góp vào hòa bình và ổn định của Đông Bắc Á và toàn thế giới.
Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Trung Quốc tỏ rõ sự không hài lòng trước động thái của các nước phương Tây, đồng thời nhiều lần lên tiếng khẳng định quyết định của các nước là “những động thái mang tính chính trị”.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cho biết chưa hề có ý định mời quan chức cấp cao của các nước nêu trên tới tham dự sự kiện.
Ngoài ra, truyền thông phương Tây cũng đặt dấu hỏi, liệu Trung Quốc sẽ đưa ra những phản ứng nào. Theo đó, Mỹ sẽ tổ chức Thế vận hội vào năm 2028 tại Los Angeles và nhiều khả năng, Trung Quốc có thể sẽ tập hợp một mặt trận “tẩy chay ngoại giao” mới để trả đũa động thái của Mỹ và đồng minh.
Cứ hai năm một lần, những người đam mê thể thao toàn cầu lại có cơ hội được chứng kiến những màn trình diễn mãn nhãn từ những vận động viên đẳng cấp thế giới. Nhưng với những gì diễn ra thời gian qua, chúng ta có thể thấy rằng, Thế vận hội đâu chỉ dừng lại ở những chiến thắng hay những tấm huy chương.
Đại hội thể thao này đã dần nhuốm màu chính trị, đi ngược lại với những mục tiêu và ý nghĩa thực tế.
Năm 2014, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama cùng Phó Tổng thống Joe Biden và Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama đều không đến tham dự Thế vận hội Sochi ở Nga. Pháp và Đức cũng không cử các quan chức cấp cao. Dù khá giống, nhưng đây không được coi là một cuộc tẩy chay ngoại giao chính thức.
Nguồn: baoquocte.vn