Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từng ghi dấu ấn nhờ loạt phim về nông thôn như Đất và Người, Ma làng, Gió làng Kình... Đây là những bộ phim này từng gây tiếng vang lớn khi lên sóng, được nhiều thế hệ khán giả yêu mến.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần sinh năm 1948 tại Hà Nội, quê gốc ở Văn Giang, Hưng Yên. Ông là con út trong gia đình có 6 anh chị em. Ông mồ côi bố khi mới 3 tuổi. Con trai ông là đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng, được biết đến với Người thổi tù và hàng tổng và 5S online.
Ông thuộc lớp sinh viên khóa 1 của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. NSND Nguyễn Hữu Phần là một trong số ít đạo diễn thành công ở cả điện ảnh lẫn truyền hình.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần trên trường quay.
Ông có sự nghiệp sáng chói kéo dài nhiều thập niên với các tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả như: Em còn nhớ hay em đã quên, Lẽ nào anh lại quên, Những mảnh đời của Huệ...
Năm 2000, ông nhận lời các nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến, Khuất Quang Thuỵ và Đạo diễn Phạm Thanh Phong rủ làm phim Đất và người, kịch bản được chuyển thể từ tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường.
Gây "bão" ngay khi phát sóng cuối năm 2002, Đất và Người sau đó được phát đi phát lại nhiều lần trên các kênh truyền hình và đến nay vẫn được nhiều người yêu thích.
Thậm chí, một fanpage của hội những người yêu thích bộ phim này đã được lập nên và cập nhật thường xuyên từng câu thoại của các nhân vật.
Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2015. Ngoài làm đạo diễn ông còn là giảng viên dạy lớp đạo diễn Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng vừa có bài chia sẻ dài về kỷ niệm với đạo diễn Đất và Người trên trang cá nhân, bà bày tỏ: "Chúng tôi, những người bạn lâu năm của anh thường gọi anh với cái tên giản dị: 'Phần' hoặc 'Phần Ma Làng'.
Quen biết, rồi thân nhau từ gần 40 năm trước, khi chúng tôi cùng đầu quân về Hãng Phim truyện Việt Nam, tức số 4 Thụy Khuê với bao nhiêu hy vọng và khát vọng. Nhưng thời kỳ sôi động của 4 Thụy Khuê qua nhanh, nhóm 'người mới' nhanh chóng chia lìa”.