Thật đau xót khi ngày càng có nhiều nhà dưỡng lão mọc lên, và ngày càng nhiều đứa con bất hiếu viện đủ lý do của cuộc sống hiện đại để chưa cha mẹ già vào đó.

Ngày càng nhiều người cao tuổi mà tôi quen biết rời nhà vào viện dưỡng lão.

Hoàn cảnh kinh tế của họ khác nhau, điểm chung là họ đã bước vào giai đoạn không thể tự chăm sóc bản thân chu đáo trong khi con cái không có thời gian lo cho bố mẹ, nên chọn cách dùng tiền để người khác thay mình thực hiện nhiệm vụ phụng dưỡng đấng sinh thành.

Trong khi nghe họ tâm sự về chủ đề đó, tôi chợt nhận ra, không biết từ bao giờ, dịch vụ nhà dưỡng lão ở Việt Nam phát triển đến chóng mặt. Những bài viết nhan đề "Top 20 nhà dưỡng lão tốt nhất Hà Nội" mà chúng ta dễ dàng tìm thấy sau một thao tác tìm kiếm đủ cho thấy chỉ riêng ở Thủ đô, số cơ sở dịch vụ loại này đã nhiều đến mức nào.

Điều này đồng nghĩa với việc, có rất nhiều cụ già phải rời tổ ấm để tiếp nhận sự chăm sóc của những người xa lạ, những người lo miếng ăn giấc ngủ và đời sống tinh thần cho họ để nhận thù lao chứ không phải vì tình thân. 

Những ông bác, bà thím mà tôi quen đang ở viện dưỡng lão đều nói về điều này với sự thông cảm hoàn toàn cho con cháu:

"Chúng nó bận quá chứ chẳng phải không quan tâm mình. Mà vào đây cũng vui, có nhiều người cùng lứa tuổi để trò chuyện".

Thế nhưng giọng nói của họ không giấu được nỗ lực biện minh cho con, thuyết phục người khác và cả chính mình. Nỗ lực đó cho thấy nỗi niềm sâu kín mà họ muốn giấu: Khát khao được ở bên những người ruột thịt trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, sau mấy chục năm cống hiến cho thế hệ sau.

1 De Cha Me Gia Vao Nha Duong Lao La Bat Hieu

Ngày nay, những người buộc lòng đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão có thể vin vào nhiều thứ để biện minh cho hành động của mình: Áp lực công việc bây giờ căng thẳng hơn xưa nên sự bận rộn cũng cao hơn, nhà dưỡng lão bây giờ cũng có điều kiện tốt, bố mẹ mình vào đó được ăn no mặc ấm, được theo dõi và chăm sóc sức khỏe kịp thời...

Thế nhưng với người già, nhu cầu ăn mặc rất thấp, điều họ muốn nhất là tình cảm, là sự gần gũi con cháu, là nụ cười, vòng tay ôm ấm áp của người thân. Điều đó, làm sao những người xa lạ có thể mang lại? 

Nếu bạn đang có ý định đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão, hãy trung thực trả lời câu hỏi này:

Đó có phải là cuộc sống mà bạn mong muốn mấy chục năm sau không? Sau cả cuộc đời rút cạn tinh lực nuôi con trưởng thành, cho con mái ấm, để đến lúc sức tàn lực kiệt, bạn có vui lòng bị, hoặc tự "trục xuất" ra khỏi tổ ấm đó để ngày ngày sống giữa những người không quen biết, sinh hoạt theo lịch được định sẵn?

Khi buồn giận, tủi thân, bạn muốn tâm sự, hoặc làm mình làm mẩy đôi chút với con cháu mình trong ngồi nhà mà bạn làm chủ, hoặc phần nào đó làm chủ, hay chỉ đành nuốt vào trong, làm ra vẻ không có việc gì bởi bên trái, bên phải, trước mặt, sau lưng đều là người bạn không thể dỗi hờn, nhõng nhẽo?

Người già cũng như trẻ con, vì thế họ cần có người lắng nghe, có người chiều ý, có người dỗ dành và nịnh nọt - bằng tình yêu và sự quan tâm. Dù dối lòng cỡ nào, chúng ta cũng phải thừa nhận là không có điều đó ở viện dưỡng lão. Nơi đó dù nhộn nhịp đến mấy, cha mẹ chúng ta cũng sẽ chỉ là những cái bóng cô đơn giữa chốn đông người.

Vì vậy, thật buồn khi ngày càng có nhiều nhà dưỡng lão mọc lên, ngày càng có nhiều người đưa cha mẹ vào đó. Bận rộn ư? Chúng ta bận rộn suốt cuộc đời, bận nhất là lúc có con nhỏ, nhưng vẫn thu xếp được phải không?

Tại sao chúng ta có thể thu xếp thời gian để chăm con mà không thể dành một phần khoảng thời gian đó cho bố mẹ già? Câu trả lời vẫn chỉ nằm ở tấm lòng mà thôi. Tôi có thể khẳng định, những đứa con để bố mẹ già phải vào viện dưỡng lão đều là bất hiếu, dù có biện minh thế nào cũng không thể chối bỏ sự thật đó.

(*) Ý kiến độc giả không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của VTC News.

TRẦN VINH

Nguồn: vtc.vn