Ông Hoàng Đình Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thọ Xuân – Yên Định cho biết, đền Lê Hoàn nằm ở làng Trung Lập hàng trăm năm tuổi, nơi đã sinh ra vị khai quốc của Triều Tiền Lê hiển hách trong lịch sử dân tộc - Lê Đại Hành Hoàng đế.
Hiện nơi đây vẫn còn một ngôi đền thờ vua (đền thờ Lê Hoàn) nằm ở cuối làng được mệnh danh là một trong những ngôi đền cổ bậc nhất xứ Thanh và được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.
Đền thờ Lê Hoàn được coi là ngôi đền cổ nhất xứ Thanh.
Theo sử sách, Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (941) tại trang Kẻ Xốp, huyện Di Phong Châu Ái (nay là làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) trong một gia đình nông dân nghèo. Cha là Lê Mịch, mẹ là Đặng Thị.
Năm lên 6 tuổi, Lê Hoàn mồ côi cả cha lẫn mẹ, làm con nuôi cụ Lê Đột ở trang Kẻ Mía (nay là làng Phong Mỹ, xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Lớn lên, Lê Hoàn tòng quân phò giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, lập nhiều công trạng và được phong Thập đạo Tướng quân. Ông một lòng phò tá góp phần cùng Vua Đinh vỗ yên trăm họ, đất nước thái bình.
Mùa Đông tháng 10 năm Kỷ Mão (979), vua Đinh Tiên Hoàng và con trai cả Nam Việt Vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại. Lê Hoàn được cử làm nhiếp chính, giúp ấu chúa nhà Đinh giữ yên biên cương xã tắc, dẹp tan nội phản, được Thái hậu Dương Vân Nga trao áo long bào.
Qua bao thời gian ngôi đền vẫn còn nguyên vẹn về giá trị văn hóa.
Năm Canh Thìn 980 Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Thiên Phúc. Vua đánh tan quân Tống, giữ yên bờ cõi, chinh phạt Chiêm Thành từng bước khẳng định chủ quyền đất nước dân tộc, cho đúc tiền Thiên Phú chú trọng đến việc phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giao thông, thương mại.
Sau đó, Lê Hoàn mất ngày 8 tháng 3 năm Ất Tỵ (1005) tại Cố Đô Hoa Lư - tỉnh Ninh Bình. Sau khi vua Lê Đại Hành mất, để tưởng nhớ công lao của Người, nhân dân đã lập đền thờ ngay trên mảnh đất mẹ con Lê Hoàn đã ở.
Đĩa ngọc phát sáng và đôi đũa thử độc
Đĩa ngọc phát sáng được nhân dân gọi là báu vật.
Theo ông Hoàng Hùng, trải qua bao biến cố của lịch sử, ngôi đền đã nhiều lần trùng tu tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên được kiến trúc cổ kính xưa.
Đền thờ vua Lê có phong cách kiến trúc hình chữ Công mái xối theo kiểu đền thờ truyền thống của người Việt Mường cổ, hệ vì kèo đặc trưng gồm giá chiêng, chồng rường, con nhị, theo lối dầm đỡ chống nóc... tạo sự liên kết vững chắc cho ngôi đền cùng những bức chạm thủng, chạm nổi, thể hiện tư duy thẩm mỹ cao của người xưa.
Đôi đũa thử độc của nhà vua.
Đặc biệt, đền còn bảo tồn được những tài liệu, hiện vật cổ, như: bia ký, sắc phong, lệnh chỉ, câu đối, hoành phi, hương án, khám thờ, tượng pháp, gốm sứ thời Lý, Trần, thời Minh, đôi đũa thử độc của vua và chiếc đĩa đá tương truyền là của vua Tống tặng vua Lê.
Trên đĩa ngọc có hai con triện của hai nước. Trong lòng đĩa có hai dòng chữ “Giang Nam nhất phiến tuyết/ Trác khí vạn niên trân”, dịch là “Một phiến đá trắng ở Giang Nam, mài gọt nên vật quý vạn năm”.
Bộ đồ vật này đang được cất giữ cẩn thận.
Theo ông Hùng, trước kia những vật này được để trong đền. Đĩa ngọc được để trang trọng trên bàn thờ, đĩa có màu trong suốt, buổi tối đĩa này phát sáng. Do người dân địa phương không biết giá trị của nó nên để tàn hương rụng xuống, lâu năm giờ bị xám lại.
Đối với đôi đũa thử độc của vua, đến bây giờ chỉ biết nó là đôi đũa bằng kim loại và được cất trong một hộp đũa riêng khắc chạm hoa văn tinh xảo. Đôi đũa này tương truyền là đôi đũa thử độc, mỗi khi vua ăn đều được các cận thần dùng đũa gắp vào thức ăn trước, nếu có độc đầu đũa sẽ bị đen lại ngay lập tức.
Trong đền thờ hiện nay đang còn lưu giữ rất nhiều đồ vật.
Theo ông Hùng, khoảng 20 chục năm trước rộ lên việc săn tìm cổ vật, người ở khắp nơi về đền thờ Lê Hoàn lén lút tìm cách lấy đi những đồ vật trong đền. Trước thực trạng đó, người dân địa phương đã phải mua két sắt và đưa những đồ vật này về nhà dân quản lý.
“Đối với các cổ vật trên, hiện tại đã có rất nhiều các nhà khoa học, sử học, nghiên cứu đã về đây tìm hiểu. Để cho ra được kết quả đôi đũa làm bằng chất liệu gì, đĩa ngọc ra làm sao thì vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Hiện người dân địa phương chúng tôi vẫn gọi đĩa ngọc và đôi đũa thử độc của vua là báu vật”, ông Hùng chia sẻ.
Lê Dương
Nguồn: vietnamnet.vn