Xin đừng khoe điểm số của các con. Xin đừng hơn thua nhau về điểm số nữa.
Thực tế, điểm số cao của các con hiện nay chưa nói lên được điều gì? Chưa chắc, những đứa trẻ học giỏi sau này đều thành công hết.
Chúng ta cứ thắc mắc tại sao thời nay nhiều "siêu nhân", nhiều cô cậu học trò điểm 10 thế? Nhưng có khi nào chúng ta thôi tự hào, thôi hi vọng về thành tích của con? Ai dám chắc là mình chưa từng khoe con dù trên mạng hay ngoài đời thực?
Yến Nguyệt
Sau khi biết điểm của con trong kỳ thi THPT quốc gia, nhiều phụ huynh đã đua nhau "tự sướng" trên Facebook. Một bà mẹ viết: "Con là niềm tự hào của bố mẹ. Điểm con thừa sức vào bất cứ trường đại học danh tiếng nào ở Hà Nội".
Một phụ huynh khác lại tỏ ra tiếc nuối: "Chán quá, môn toán của con chỉ được 7,60, môn văn 7,25 điểm thôi. May vớt vát môn tiếng Anh được 8,50. Nếu con cố gắng thêm chút nữa có phải là…".
Những ngày này, rất nhiều phụ huynh bắt đầu chia sẻ bảng điểm của con mình lên Facebook. Mục đích của họ là khoe kết quả học tập của con mình.
Nhìn những bảng điểm ấy, không ít người phải "choáng" vì độ học giỏi của các con. Rồi sau đó, phía dưới là những lời bình luận, tung hô khiến phụ huynh cũng mát mặt vì hạnh phúc.
Thực tế, phụ huynh khoe điểm số của con lên Face không có gì là xấu. Họ có quyền tự hào về thành tích của các con. Điều này hết sức bình thường. Chỉ có điều, một số phụ huynh hiện nay đang khoe con hơi quá đà. Họ đăng điểm cùng những lời chú thích rất ấn tượng.
Nhìn cảnh ấy, không ít phụ huynh ngậm ngùi, buồn bã khi con mình không được như thế. Rồi cuối cùng là đem tất cả mọi bực bội trút lên đầu những đứa trẻ.
Điểm số đang trở thành gánh nặng đối với con trẻ. (Ảnh: internet)
Hôm qua, tôi nhận được cuộc điện thoại của cô bé học trò lớp 8. Em khóc lóc kể rằng mình đang rất buồn. Em bị mẹ la mắng suốt mấy ngày nay. Lí do em không học giỏi như mẹ mong muốn. Năm nay, em bị khống chế môn tiếng Anh nên chỉ đạt khá. Thế là mẹ trách mắng em không tiếc lời.
Ảnh minh họa: Nguồn hình: sohu
Còn anh Huân có con xét tuyển học bạ vào một trường đại học dân lập tại Hà Nội, suốt chặng đường hai bố con từ quê lên Hà Nội để đóng tiền nhập học trước, anh đều livestream chi tiết trên Facebook.
Trước đó, sau kỳ thi vào lớp 10 công lập, trên mạng cũng rộ lên phong trào khoe điểm. Có người tỏ ra tiếc nuối khi điểm của con chỉ xêm xêm 8. Có người tự hào khi con đỗ trường chuyên...
"Con đỗ rồi", chị H. khoe trên mạng ngay khi vừa biết điểm. Nhiều người bình luận chúc mừng gia đình, rồi dùng những từ hoa mỹ để khen cháu. Trả lời những bình luận ấy, chị H. tỏ vẻ tự hào và không quên cập nhật thêm thành tích của con ở trường, lớp.
Một người cha khác lại khoe "con làm bài tốt", chỉ hơi vướng mắc tí ở đề văn. Ai nấy trầm trồ chúc mừng, xuýt xoa khen là "hổ phụ sinh hổ tử"...
Tôi tự hỏi: Điểm thi của con có gì mà rần rần lên khoe như vậy?
Không biết tự khi nào điểm số là niềm vui của cha mẹ và mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ để họ khoe. Khoe con học trường tốt, khoe con được du học nước ngoài, khoe con đỗ đại học với điểm số cao... Vậy trẻ sẽ được gì từ những "bản tình ca" khoe của cha mẹ mình?
Những đứa trẻ "biết người biết ta" sẽ cảm thấy e ngại, xấu hổ. Những đứa trẻ tự mãn lại ảo tưởng sức mạnh bản thân, thiếu nỗ lực phấn đấu. Hiệu ứng từ việc khoe điểm thi của con rõ ràng có hại nhiều hơn lợi.
Thế nhưng nhiều người không nhận ra điều này và luôn cho rằng Facebook của tôi thì tôi khoe, con tôi giỏi thì tôi khoe.
Nhiều người khác lại coi kỳ thi vào đại học là "thước đo" khẳng định một đứa trẻ giỏi giang và thành công trong tương lai, và những điểm 9, 10 là "bằng chứng" cho sự thành công đó.
Riêng tôi, tôi bất giác nghĩ không biết "nhân vật chính" - những đứa trẻ được khoe, sẽ vui hay buồn? Các cháu sẽ tự mãn, ảo tưởng bản thân hay sẽ cảm thấy áp lực khi cha mẹ "lên đồng" vì thành tích của con?
Những đứa trẻ ấy không phải lúc nào thành tích cũng được như ý muốn. Tại sao chúng không có quyền được sai, không có quyền được nhận những điểm số chưa đẹp?
Và các bậc phụ huynh, đến khi nào thì thôi biến những kỳ thi của con thành dịp để khoe khoang, tán dương trên mạng xã hội?
YẾN NGUYỆT
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ