Vào một ngày tháng 7, Ngọc Ánh quyết định hủy kế hoạch trở lại Canada học tiếp sau đại học dù đã lên kế hoạch trước đó. Ánh muốn ở lại làm gì đó giúp mọi người trong dịch bệnh, dù khi ấy cô thực sự chưa biết sẽ làm gì.

1 Du Hoc Sinh Viet Huy Ke Hoach Tro Lai Canada Hoc Tiep De Cung Que Huong Chong Dich

Đội xe giao cơm Phản ứng nhanh hỗ trợ nhóm “Việt Nam ơi cố lên” giao cơm đến Bệnh viện An Bình – TP.HCM – Ảnh: BTC2

TP.HCM đang trải qua đợt dịch COVID-19 lớn nhất, rất nhiều cảnh đời cực nhọc bươn chải khi mọi cơ hội mưu sinh đã mất vì dịch bệnh. Thấu hiểu những ngày đầu cơ cực của cha mẹ khi rời quê hương lên TP.HCM lập nghiệp, Ánh thực sự đồng cảm với những người lao động nghèo xung quanh trong những ngày dịch bệnh căng thẳng.

“Chúng ta cần phải làm ngay!”

Mang suy nghĩ đó bàn với Jerome Ly, doanh nhân người Pháp đang sống và làm việc tại TP.HCM và là một người bạn thân thiết từ lâu, Ánh cảm động khi nhận được chia sẻ rất lớn từ anh. Thậm chí Jerome còn quyết liệt hơn khi cho rằng họ phải hành động ngay chứ không nên “chờ thêm vài ngày” xem tình hình áp dụng chỉ thị 16 tại TP.HCM thế nào (từ 9-7) như ý nghĩ ban đầu của Ánh.

“Anh ấy bảo nếu chúng tôi không nhanh chóng làm gì đó, sẽ có thêm nhiều người nữa gặp khó khăn”, Ánh nhớ lại trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ. “Tình cảm của Jerome, một người nước ngoài, với những người Việt Nam trong khó khăn khiến tôi cảm động, đó cũng là nguồn động viên để tôi vững tin hơn với kế hoạch hỗ trợ cộng đồng của mình”, cô nói.

Họ suy nghĩ và cân nhắc nhiều phương án hỗ trợ, cuối cùng chọn cách tặng các suất ăn cho những người nghèo, người ở khu cách ly, phong tỏa và lực lượng tuyến đầu. Đôi bạn đặt tên cho dự án của họ là “Việt Nam ơi cố lên”! (VNOCL).

Nói là làm, chỉ một ngày sau đó, Ánh và Jerome đã tổ chức bếp ăn nấu được 1.000 suất, một kết quả mà sau này nhớ lại chính Ánh cũng ngạc nhiên không biết vì sao họ làm được nhanh đến vậy.

“Chúng tôi bắt đầu với một bước nhỏ và khiêm tốn, không có kỳ vọng to tát nào, chỉ muốn làm sao giúp được càng nhiều người càng tốt”, Jerome Ly nói về những ngày đầu tiên khởi động chương trình.

“Nhưng rồi chẳng bao lâu sau đó, chương trình được mở rộng và thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, của cả truyền thông cũng như các hiệp hội thương mại. Nhiều người đã tìm tới chúng tôi đề nghị tham gia. Chúng tôi cũng đã vất vả hơn nhưng vẫn đang cố gắng mỗi ngày”, doanh nhân người Pháp đồng thời là nhà đồng sáng lập Công ty Savyu nói.

Dù đã giữ cương vị quản lý nhân sự tại nhiều tổ chức lớn, song đây là lần đầu tiên Jerome thực sự tham gia một dự án hỗ trợ cộng đồng như VNOCL.

“Tôi vẫn đang học mỗi ngày và hy vọng có thể giúp được nhiều người hơn nữa, đem tới họ một chút niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống”, Jerome nói.

Bất kể sự khiêm nhường của Jerome, với kinh nghiệm quản lý hơn 15 năm tại nhiều công ty ở châu Âu, châu Á và ở Brazil, người bạn này đã là cánh tay hỗ trợ đắc lực cho Ánh.

“KPI” là số người được ăn no mỗi ngày

Jerome đã giúp cô giải quyết một cách khoa học, hợp lý các vấn đề phức tạp của logistics, chuỗi cung ứng nguyên liệu, nhân lực, liên lạc và công nghệ để dự án của họ vận hành suôn sẻ và giúp được ngày càng nhiều người hơn.

Về phần mình, dù chưa từng làm một dự án cộng đồng tương tự trước đây, nhưng với kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực được đào tạo là kinh tế, Ánh cũng đảm nhiệm xuất sắc các vai trò là đầu mối tổ chức kết nối giữa VNOCL với bên “cho” (những nguồn tài trợ) và bên “nhận” (những người cần giúp đỡ).

Ngay từ những ngày đầu, Ánh đã rất chú trọng tới sự minh bạch tài chính trong hoạt động dự án. Chi tiết “tới từng xu” là những gì thể hiện trong các bảng thống kê chi tiêu của VNOCL.

Ngay từ khi chương trình khởi động, ngoài khoản ngân sách hỗ trợ, Công ty THHH Mazars Việt Nam (thuộc Tập đoàn Mazars của Pháp chuyên cung cấp các dịch vụ kế toán, kiểm toán quốc tế) đã hỗ trợ miễn phí VNOCL việc kiểm toán thu chi của dự án để đảm bảo tất cả đều minh bạch. Các khoản đóng góp đều được cập nhật hằng ngày online để mọi người cùng theo dõi.

Vào thời điểm này, khi VNOCL đã phục vụ cộng đồng gần một tháng rưỡi với trung bình hơn 3.000 suất ăn mỗi ngày, VNOCL đã có 3 kế toán kiểm kê hoạt động thu chi. Gần đây, không chỉ hỗ trợ suất ăn miễn phí, VNOCL đã tham gia hỗ trợ trang thiết bị y tế với việc trao tặng 1.300 khẩu trang N95 9001 có van cho Bệnh viện Chợ Rẫy.

“Mình không đặt ra một chỉ tiêu nào kiểu như KPI mỗi ngày”, Ánh chia sẻ, nhắc tới KPI là chỉ số thường dùng để đo lường, đánh giá hiệu quả thực hiện công việc của mỗi nhân viên, cá nhân và toàn doanh nghiệp. “Với mình, mục tiêu mỗi ngày chỉ là làm sao hôm đó giúp được nhiều người nhất, có thêm nhiều người được ăn no”, cô nói.

Bận rộn với công việc điều phối và để phòng ngừa lây nhiễm cho cha mẹ, dù ở cùng thành phố nhưng Ánh không dám về nhà những ngày này. Lần gặp cha mẹ hiếm hoi gần đây là khi cô tới điểm tiêm vắc xin COVID-19. Ánh vui khi nghe mẹ khen “mẹ mừng vì thấy con đã trưởng thành nhiều hơn”.

Jerome Ly và Ngọc Ánh cho biết những gì họ có thể làm được tới lúc này là nhờ sự chung tay của rất nhiều người. Bên cạnh đội ngũ khoảng 100 người gồm bạn bè, tình nguyện viên lo các bếp ăn, còn là sự đóng góp của các tổ chức hiệp hội như Phòng Thương mại và công nghiệp Pháp tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nhân Hong Kong tại Việt Nam.

Rất nhiều bạn bè của họ, trong đó có cả các lãnh đạo doanh nghiệp, sẵn sàng trở thành “shipper” cho VNOCL, dùng xe riêng để vận chuyển đồ ăn mỗi ngày.

Theo chia sẻ của Jerome, ngay từ đầu toàn thể cộng đồng người Pháp tại Việt Nam cũng như các cộng đồng quốc tế lớn khác đã ủng hộ nhiệt tình dự án của họ.

“Tôi nghĩ lúc này tất cả họ đều đang ủng hộ Việt Nam”, anh nói. “Tất cả chúng tôi đều yêu Việt Nam và muốn giúp đỡ nhiều nhất có thể. Nhiều người nước ngoài ở Việt Nam đã liên hệ chúng tôi và đề nghị hỗ trợ. Điều này thực sự ý nghĩa và ấm lòng”, Jerome nói thêm.

Nguồn: tuoitre.vn