Xe xích lô chở khách tại Malacca - Ảnh: SOUTHEAST ASIA GLOBE
Không tìm được khu vực hoạt động đi kèm với sự rệu rã tích tụ từ nhiều thập kỷ qua khiến "ngành công nghiệp xích lô" ở Singapore bị bỏ lại trong quá khứ của hòn đảo.
Tuy nhiên, một chuyên gia du lịch lại cho rằng họ vẫn còn cơ hội để hồi sinh xích lô, tương tự như cách thành phố Malacca hay Macau (Trung Quốc) đã và đang làm.
Xích lô thành dĩ vãng ở Singapore
Theo Đài Channel News Asia (CAN) của Singapore, xe xích lô ở Singapore có khởi nguồn từ xe kéo Nhật Bản và xuất hiện lần đầu ở quốc đảo sư tử vào những năm 1880 nhưng khi đó xe kéo vẫn còn thô sơ và chưa phổ biến.
Đến năm 1947, đế quốc Nhật Bản cấm xe kéo. Từ đây nhiều người kéo xe chuyển sang chạy xích lô, mở ra kỷ nguyên huy hoàng của loại xe ba bánh này.
Những chiếc xích lô thời kỳ này mang nhiều hình dạng và kích cỡ, được chế tạo từ các vật liệu thô sơ ở địa phương. Đến những năm 1946 và 1948, chính quyền thành phố Singapore đã đặt tiêu chuẩn mới để đồng bộ kích thước của xích lô.
Nhưng khi xe ô tô, taxi bùng nổ khiến những chiếc xích lô ở lại với dĩ vãng. Ô tô và taxi được xem như một mối đe dọa trực tiếp đến "ngành công nghiệp xích lô" vì giá cả xe ô tô ngày càng phải chăng hơn và vì ô tô an toàn hơn.
Ngoài ra, quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa nhanh chóng vượt bậc của Singapore đã bỏ xích lô nằm lại với quá khứ. Trong tiến trình đô thị hóa Singapore, giới chức hòn đảo đã xóa bỏ các khu ổ chuột khiến những người lái xe xích lô mất đi lượng "khách ruột". Đài CNA mô tả xích lô đã rơi vào tình trạng "hấp hối" vào những năm 1970 và dần ít xuất hiện trên đường phố Singapore.
Kể từ giữa tháng 4 vừa qua, Trishaw Uncle - nhà cung cấp xích lô cuối cùng tại Singapore và nơi chuyên cung cấp các tour du lịch bằng xích lô - đã quyết định ngừng ký hợp đồng hoạt động với Ủy ban Du lịch Singapore (STB).
Nguyên nhân khiến Trishaw Uncle không tiếp tục ký hợp đồng đến từ việc STB yêu cầu công ty này phải trả lại mặt bằng kinh doanh để họ tái sử dụng với mục đích khác.
STB giải thích việc lấy lại mặt bằng đang cho Trishaw Uncle thuê nằm trong kế hoạch phát triển đường bộ khu vực phố Queen, khiến khu phố này không còn thuận lợi để tổ chức các tour tham quan bằng xích lô.
Bà Tieu Xin Yue, quản lý Trishaw Uncle, tiết lộ họ đã đề xuất một số địa điểm khác như Chinatown, Marina Bay và Gardens by the Bay sau khi nhận được yêu cầu ngừng hoạt động tại phố Queen, nhưng đều bị STB bác bỏ.
Xích lô ở Singapore đã kết thúc hành trình như thế. Dù vậy, phía Trishaw Uncle vẫn luôn ấp ủ hy vọng mang xích lô trở lại đường phố Singapore trong tương lai gần.
Tỏa sáng ở Malacca
Đài CNA dẫn lời một chuyên gia du lịch của Singapore cho biết ở các thành phố khác như Malacca, xe xích lô vẫn phát triển theo thời gian và vẫn là biểu tượng văn hóa được yêu mến.
Xích lô du nhập vào Malaysia vào khoảng năm 1935 và từng là phương tiện giao thông phổ biến ở thành phố thủ phủ George Town của bang Penang, Malaysia vào những năm 1950.
Theo dòng chảy của thời gian, xích lô cũng dần ít hiện diện trên đường phố Penang hơn để nhường chỗ cho ô tô, xe máy. Tuy nhiên, khác với số phận hẩm hiu của xích lô ở Singapore và Macau, xích lô ở Malaysia lại được người dân địa phương tìm cách sáng tạo để có thể hòa nhập với đời sống và văn hóa hiện đại của thành phố.
Trang tin Southeast Asia Globe viết rằng ngày nay, xe xích lô và những "người anh em họ hàng" của phương tiện này đều trở nên bất tử trong văn hóa nghệ thuật đường phố George Town.
Những chiếc xích lô cũ không còn được sử dụng để chở khách được trưng bày, điển hình như chiếc xích lô nổi tiếng ở biệt thự Cheong Fatt Tze (biệt thự của tài phiệt gốc Hoa Trương Bật Sĩ).
Những người "phu lái xích lô" hoàn toàn có thể đảm nhận vai trò hướng dẫn viên du lịch bởi họ nắm rõ các khách sạn chính ở George Town trong lòng bàn tay, và thường chủ động sắp xếp lịch trình tham quan qua các di tích lớn của thành phố cho du khách.
Những tài xế xích lô còn khéo léo khoác lên "con ngựa chiến" của mình lớp áo đủ màu sắc, gắn thêm hoa cỏ, trùm những tấm vải có màu sắc nổi bật nhằm thu hút du khách.
Bà Ines, một du khách đến từ thành phố Quebec (Canada), cho biết bà thích đi tham quan bằng xích lô bởi chúng mang lại một góc nhìn khác biệt hẳn, và hoạt động này cũng giúp duy trì một nét truyền thống xưa cũ.
"Hấp hối" ở Macau
Tuy vẫn chưa đến ngõ cụt như Singapore nhưng "ngành công nghiệp xích lô" ở Macau cũng đang nằm trong tình trạng "hấp hối".
Xe xích lô du nhập vào Macau năm 1948 và nhanh chóng trở thành phương tiện giao thông chính, theo trang Macao News. Ở thời kỳ đỉnh cao, Macau ghi nhận hơn 1.000 người lái xe xích lô trên khắp thành phố. Tuy nhiên, theo ông Leong Sun Lok, một phu lái xích lô có thâm niên ở Malaysia, hiện chỉ còn khoảng 20 người chạy xích lô.
Ngày nay chỉ có du khách là chọn xích lô nhằm trải nghiệm văn hóa địa phương nhưng dần dần taxi vẫn được ưu tiên hơn bởi giá cả phải chăng.
Tuy nhiên, ông Leong vẫn lạc quan cho rằng xích lô có tiềm năng trở thành biểu tượng văn hóa và sáng tạo, cũng như vai trò nhất định trong nhiệm vụ tô điểm cho Macau.
"Trước hết, chúng ta nên điện khí hóa xe xích lô để khiến phương tiện này trở nên hiện đại hơn. Đồng thời, chính phủ phải tạo điều kiện cho phép những người lái xe xích lô được tự do nâng cấp phương tiện của họ để bắt kịp với xu hướng phát triển của thế giới", ông Leong trình bày.
UYÊN PHƯƠNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online