Làn sóng K-pop đang tiếp tục khuấy đảo thế giới, hỗ trợ đắc lực cho Hàn Quốc quảng bá hình ảnh quốc gia và xây dựng quyền lực mềm trên trường quốc tế.

Từ đầu thế kỷ 21, văn hóa đại chúng Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc, mang lại cho quốc gia những lợi ích to lớn, cả về kinh tế lẫn chính trị. Các nhóm nhạc Hàn Quốc ngày càng trở nên nổi tiếng toàn cầu, với những cái tên nổi bật như BTS hay Blackpink.

Giới chuyên gia nhận định việc văn hóa quốc gia được quảng bá ngày càng rộng rãi đã góp phần không nhỏ giúp Hàn Quốc củng cố quyền lực mềm.

Quyền lực mềm là một thuật ngữ do nhà khoa học chính trị người Mỹ Joseph Nye đưa ra vào cuối những năm 1980, đề cập đến "khả năng đạt được kết quả mong muốn bằng cách thu hút hơn là ép buộc". Theo từ điển Oxford, quyền lực mềm liên quan đến "việc sử dụng ảnh hưởng kinh tế hay văn hóa thay vì sức mạnh quân sự".

Hàn Quốc đã tạo ra làn sóng văn hóa "Hallyu". Nhờ đó, họ không chỉ xây dựng lại hình ảnh quốc tế của mình mà còn tạo ra các tài sản chiến lược giúp nâng cao vị thế quốc gia.

"Các nhà sản xuất nội dung Hàn Quốc rất giỏi trong việc tạo ra những thứ được quan tâm rộng rãi theo cách lôi cuốn và công phu", Shin Gi-wook, giáo sư xã hội học tại Đại học Stanford kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Walter H. Shorenstein, nhận xét. "Trong giai đoạn đầu, Hallyu chủ yếu chỉ gây được tiếng vang với khán giả châu Á, nhưng hiện tại văn hóa đại chúng Hàn Quốc được khán giả toàn cầu đón nhận nồng nhiệt".

Các bộ phim Hàn Quốc gần đây nhận được nhiều sự chú ý quốc tế nhưng giới chuyên gia đánh giá cốt lõi tạo nên độ phủ sóng nhanh chóng cho văn hóa Hàn là âm nhạc, với trọng tâm là các nhóm nhạc thần tượng. "Các nghệ sĩ Hàn Quốc chinh phục khán giả nhờ khéo léo kết hợp những ca khúc mang giai điệu sôi động với vũ đạo lôi cuốn, đồng bộ một cách hoàn hảo", giáo sư Shin cho hay.

1 Han Quoc Quyen Ru The Gioi Bang K Pop

Các thành viên trong nhóm nhạc Blackpink tham dự lễ trao giải MTV Video Music Awards ở New Jersey, Mỹ, hồi tháng 8 năm ngoái. Ảnh: AP

Con đường của các ngôi sao thần tượng được lên kế hoạch một cách có hệ thống từ giai đoạn thực tập sinh và khi ra mắt, họ đã hoàn toàn làm quen với ngành công nghiệp giải trí. "Tổng hòa các yếu tố trên đã khiến âm nhạc Hàn Quốc gây chú ý với người hâm mộ khắp thế giới. Chúng khá khác biệt đối với âm nhạc phương Tây", Shin nói thêm.

Tạp chí Forbes viết ngày nay K-pop là lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc bên cạnh ôtô, công nghệ thông tin và chất bán dẫn. Ngành ôtô và công nghệ thông tin giúp nâng cao GDP nhưng quyền lực mềm của K-pop là "vô giá về mặt thương hiệu".

"Quyền lực mềm có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, mở cửa thị trường. Xây dựng thương hiệu thay đổi cách mọi người nghĩ về bạn. K-pop, phim ảnh và chương trình truyền hình thực sự đã làm cho Hàn Quốc trở nên thú vị hơn với công chúng toàn cầu", Economist nhận xét. "Xây dựng quyền lực mềm rõ ràng là một ngành kinh doanh lớn của Hàn Quốc".

Lợi ích kinh tế mà làn sóng Hallyu mang lại là điều không phải bàn cãi. Theo Touring Data, nền tảng theo dõi doanh thu phòng vé độc lập, 40 đêm thuộc chuyến lưu diễn quanh thế giới Born Pink World Tour bắt đầu từ cuối năm ngoái của Blackpink đạt doanh thu khoảng 163,8 triệu USD, với hơn 900.000 vé tiêu thụ. Trung bình mỗi đêm diễn, nhóm nhạc này thu về hơn 4 triệu USD với khoảng 22.600 khán giả.

Năm 2021, nhóm BTS bán được khoảng 1,35 triệu vé cho một buổi biểu diễn trực tuyến, thu về 71 triệu USD từ người xem ở 135 quốc gia. Năm 2019, BTS ước tính tạo ra 4,65 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc, tương đương 0,3% GDP Hàn Quốc trong năm đó, theo Statista.

Theo công ty nghiên cứu Allie Market Industry, thị trường sự kiện K-pop toàn cầu được định giá 8,1 tỷ USD vào năm 2021, chưa tính đến 220 triệu USD xuất khẩu album. Đến năm 2031, thị trường sự kiện K-pop quốc tế được ước tính tăng lên 20 tỷ USD, tương đương với GDP Hàn Quốc năm 1974.

K-pop cũng giúp kích cầu du lịch. Một cuộc khảo sát năm 2019 từ Tổ chức Du lịch Hàn Quốc ghi nhận lượng khách nước ngoài đến Hàn Quốc liên quan đến Hallyu chiếm khoảng 7,4% con số tổng, tương đương hơn một triệu khách. Họ tiêu khoảng hơn 1,1 triệu USD ở nước này, trong đó có chi phí mua các sản phẩm liên quan đến nghệ sĩ.

Xuất khẩu các sản phẩm thời trang và mỹ phẩm Hàn Quốc được thúc đẩy đáng kể khi những người hâm mộ cuồng nhiệt K-pop học theo vẻ ngoài của nghệ sĩ họ yêu thích. Ngành mỹ phẩm Hàn Quốc đạt giá trị gần 16 tỷ USD và dự kiến đạt 21,5 tỷ USD vào năm 2027.

Hiểu rõ được ý nghĩa quan trọng của K-pop, chính phủ Hàn Quốc đóng vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ các tài năng sáng tạo nghệ thuật.

Khi lo ngại về tình trạng chảy máu chất xám ở Hàn Quốc lan rộng trong cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1998, Bộ Thể thao và Văn hóa ra đời với nhiệm vụ cụ thể là hỗ trợ âm nhạc, cùng với thời trang và phim ảnh phát triển. Sau đó, ý định biến Hàn Quốc trở thành một siêu cường văn hóa nhanh chóng được đón nhận.

Năm 2022, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc ưu tiên giành 585 triệu USD cho phát triển văn hóa, tăng 43% so với ngân sách năm 2021.

Theo trang World Financial Review, "các chính sách văn hóa đầy tham vọng đã phát huy hiệu quả, hơn cả những gì mà một chính trị gia nhìn xa trông rộng nhất của Hàn Quốc trong thập niên 90 có thể tưởng tượng".

Một báo cáo gần đây của Bộ Văn hóa và Thể thao hứa hẹn nhà nước sẽ liên tục quảng bá các nội dung giải trí với tham vọng nâng ngành công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc lên top 4 toàn cầu. Theo Cơ quan Sáng tạo Nội dung Hàn Quốc (KOCCA), Hàn Quốc đứng thứ 7 trên thế giới về thị phần trong ngành công nghiệp nội dung, sau Mỹ, Trung, Nhật, Đức, Anh, Pháp.

2 Han Quoc Quyen Ru The Gioi Bang K Pop

Jungkook trên sân khấu lễ khai mạc World Cup cuối năm ngoái. Ảnh: Reuters

Chính phủ Hàn Quốc đã tận dụng mức độ nổi tiếng của các ngôi sao giải trí để thúc đẩy chương trình nghị sự. Trong nhiệm kỳ của mình, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng đưa các ca sĩ đến cuộc gặp với tổng thống Mỹ Donald Trump và tổ chức một buổi hòa nhạc hữu nghị bên cạnh hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tất cả nhằm thu hút nhiều chú ý hơn tới những sự kiện ngoại giao.

Năm 2018, chính phủ Hàn Quốc đưa nhóm nhạc nữ Red Velvet và ca sĩ Baek Ji-young đến biểu diễn tại buổi hòa nhạc ở Bình Nhưỡng nhằm ca ngợi hội nghị thượng đỉnh giữa ông Moon Jae-in với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Sự kiện thu hút người hâm mộ trên khắp thế giới theo dõi. Các video từ buổi hòa nhạc thu hút hơn 3 triệu lượt xem trên YouTube.

Nghệ sĩ trở thành cầu nối để người hâm mộ nước ngoài tiếp xúc văn hóa Hàn Quốc. Các ngôi sao đôi khi thưởng thức các món ăn hay dùng những nhạc cụ, quần áo truyền thống khi biểu diễn và trong cuộc sống hàng ngày, từ đó thu hút người hâm mộ tìm hiểu và sử dụng theo.

Một nhà thiết kế nhỏ bán hanbok cách tân của Hàn Quốc đã nhận được hàng nghìn đơn đặt hàng từ nước ngoài sau khi thành viên BTS Jungkook diện trang phục. Công ty chủ quản của BTS và Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc đã cùng nhau tạo ra sách giáo khoa về nhóm nhạc này dành cho người hâm mộ quốc tế học tiếng Hàn.

Sự nổi tiếng của nghệ sĩ K-pop cũng giúp Hàn Quốc tăng hiện diện tại những sự kiện quốc tế. Thành viên Jungkook của nhóm BTS là người thể hiện ca khúc chủ đề Dreamers cho World Cup 2022. Nhóm BTS cũng nhiều lần xuất hiện tại các sự kiện của Liên Hợp Quốc để gửi thông điệp đến giới trẻ.

Một minh chứng mạnh mẽ cho sức lan tỏa của K-pop là nhóm Super Junior hồi tháng 5 trở thành nghệ sĩ đầu tiên được chọn làm đại sứ du lịch Arab Saudi. Nhóm nhạc sẽ quảng bá văn hóa và các sự kiện của Arab Saudi trên khắp thế giới.

Super Junior đã tổ chức concert vào năm 2019 tại Arab Saudi, trở thành nhóm nhạc châu Á đầu tiên làm vậy. Hồi tháng ba, nhóm ra mắt chương trình giải trí du lịch tại Arab Saudi, do Cơ quan Du lịch Arab Saudi tài trợ với tựa đề Hiệp sĩ của những cây đèn.

3 Han Quoc Quyen Ru The Gioi Bang K Pop

Nhóm Super Junior và các quan chức du lịch Arab Saudi tại Seoul hồi tháng 5. Ảnh: SM Entertainment

Ngày nay, K-pop là biểu tượng cho tốc độ phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc để vươn tới thịnh vượng, trở thành nền kinh tế có tính cạnh tranh cao. Nhưng nó cũng có những vấn đề của riêng mình.

Những năm gần đây, hàng loạt vụ tự tử hay những rối loạn tâm lý mà nghệ sĩ gặp phải do áp lực quá lớn đã làm xấu đi phần nào hình ảnh lấp lánh của ngành công nghiệp.

Hồi tháng 4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã thông qua một điều luật sửa đổi để bảo vệ các nghệ sĩ K-pop. Loạt quy định mới yêu cầu các công ty quản lý phải có những điều khoản tài chính minh bạch hơn. Bên cạnh đó, đối với những nghệ sĩ trẻ, giờ làm việc giới hạn ở mức 25, 30 hoặc 35 tiếng mỗi tuần, tùy theo độ tuổi. Các thay đổi này nhằm ngăn chặn những hậu quả bi thảm bắt nguồn từ áp lực phải duy trì danh tiếng trong ngành.

Theo Kim Woo-chang, giáo sư danh dự tại khoa ngôn ngữ và văn học Anh của Đại học Hàn Quốc, K-pop chủ yếu hướng đến sự thực dụng và yếu tố thương mại, thiếu chiều sâu và ý tưởng về cải thiện con người, vốn là bản chất của văn hóa.

"Chúng mang lại niềm vui, nhưng liệu có thể cải thiện giá trị tâm lý hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Phát triển văn hóa làm hài lòng nhiều người là điều quan trọng, nhưng không phải là cấp độ cao nhất của văn hóa", ông nói.

Vũ Hoàng (Theo Korean HeraldWorld Financial ReviewCarnegie Endowment)

Nguồn: VNEXPRESS.NET