Holi - lễ hội mùa xuân truyền thống của người Hindu hàng năm ở Ấn Độ - là một dịp mà Meenakshi Iyer (43 tuổi, New Delhi) tìm mọi cách để né tránh. Người phụ nữ tự nhốt mình trong nhà, đôi khi giả ốm để tránh những người hàng xóm muốn ném bột màu vào người cô, theo Straits Times.
Trong khi nhiều người dân đổ xuống đường và hòa vào không khí lễ hội bằng cách ném màu vào nhau, Iyer không có chút hứng thú. Lý do là vào năm 13 tuổi, cô bị những người tham gia ném vào những quả bóng chứa đầy nước tiểu và một số chất bẩn khác, khiến cô bị nấm nặng.
“Kỷ niệm đó thực sự tồi tệ. Hơn nữa, tôi không thích bất cứ ai chạm vào người mà không có sự đồng ý của mình, nữa là bị kéo tóc, kéo áo dưới lý do vui đùa”, cô nói.
Lễ hội Holi là một lễ hội mùa xuân của người theo đạo Hindu ở Ấn Độ. Mọi người sẽ ném bột màu vào nhau. Ảnh: India Times.
Iyer là một trong số nhiều phụ nữ Ấn Độ xa lánh lễ hội Holi vì những ký ức ác mộng về hành hung và quấy rối mà nữ giới phải chịu trong nhiều năm. Tất cả núp bóng dưới không khí vui tươi, náo nhiệt đặc trưng của lễ hội.
Không dám tham gia
Chuyên gia lĩnh vực phát triển Natasha Ramarathnan (51 tuổi) cũng đã ngừng tham gia Holi từ hơn 30 năm trước, sau khi bị một thiếu niên lớn hơn bà lúc đó vài tuổi quấy rối tình dục.
“Anh ta nắm lấy tay tôi, một cách có chủ đích, bôi màu lên cánh tay tôi, trước khi kéo áo phông tôi lên. Qua nhiều năm, tôi nhận ra đây là điều thường xảy ra trong các trường hợp quấy rối tình dục điển hình”, Natasha nói.
Gần nhất, một nữ du khách Nhật Bản bị một nhóm thanh niên ở Ấn Độ vây quanh trên đường phố rồi cố tình xô đẩy, đụng chạm vào cơ thể.
Một số thanh niên nhân khung cảnh hỗn loạn đã sờ soạng, đụng chạm vào ngực và xô đẩy nữ du khách. Ngoài ra, một nam thiếu niên khác còn lấy trứng đập vào đầu cô gái. Gương mặt cô gái thể hiện rõ sự khó chịu, cô liên tục nói "đau quá" bằng tiếng Nhật và cố tìm cách thoát khỏi nhóm thanh niên.
Quấy rối phụ nữ trong dịp lễ Holi là một vấn đề nghiêm trọng đến mức những người tổ chức ở Ấn Độ đã phải thuê một nhóm bảo vệ và thông báo về sự hiện diện của họ nhằm trấn an du khách.
Cô gái Nhật Bản bị một nhóm thanh niên địa phương quấy rối, sờ soạng trong lúc tham gia lễ hội. Ảnh: Straits Times.
Năm nay, một ký túc xá nữ tại Đại học Delhi ra lệnh cấm sinh viên ra bên ngoài trước 18h vào ngày diễn ra lễ hội. Lễ hội Holi thường kết thúc vào lúc hoàng hôn.
Trên BharatMatrimony, một website chuyên về dịch vụ hôn nhân, một bài đăng kêu gọi tổ chức lễ hội truyền thống một cách an toàn hơn cho phái nữ. Bên này dùng hình ảnh minh họa là một cô gái đang rửa sạch màu trên mặt sau khi tham gia vào Holi và để lộ những vết bầm tím trên cơ thể.
Vấn đề không nằm ở lễ hội
Bên cạnh BharatMatrimony, một số cá nhân và tổ chức khác đang đấu tranh để lấy lại danh tiếng cho lễ Holi và đảm bảo an toàn cho phụ nữ tận hưởng lễ hội.
Kể từ năm 2017, Sahayog, một tổ chức phi lợi nhuận, đã tổ chức các chương trình cho các cậu bé và nam thanh niên về việc vạch ra ranh giới xung quanh sự đồng ý và tôn trọng phụ nữ “giống như tôn trọng chị, em gái và vợ của họ” khi chơi Holi.
Một cụm từ phổ biến, thường được người tham gia Holi nhắc đến là “Bura Na Mano, Holi Hai” (Đừng bận tâm, đó là Holi), nhưng câu nói này thường được những kẻ xấu lợi dụng để tự cho phép mình quyền động chạm tới các cô gái khác.
Ông Pravesh Kumar Verma, quản lý nhóm của Sahayog, cho biết: “Mọi thứ dễ bị tặc lưỡi cho qua dưới tinh thần đó, cho dù đó là hành vi đụng chạm không phù hợp".
Theo các chuyên gia, chuyện phụ nữ bị quấy rối có thể xảy ra ở bất cứ đâu và lễ hội Holi chỉ là một nơi. Do đó, giải pháp chính yếu là giáo dục lại nam giới. Ảnh: The Guardian.
Năm nay, chiến dịch của Sahayog, vận động tới 48 ngôi làng trên 4 quận của bang Uttar Pradesh, đã điều chỉnh cụm từ thành “Bura Na Mano Holi Hai, Par Bura Mano” (tạm dịch: Đừng bận tâm, đó là Holi, nhưng hãy nhớ...).
“Một người có quyền cảm thấy tức giận nếu bị người khác nói hoặc làm điều gì đó không phù hợp. Lễ hội Holi cũng có thể trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là ở các thị trấn nhỏ hơn và vùng nông thôn, lên tiếng cho những vấn đề vẫn bị xem nhẹ bấy lâu nay".
Như nhiều người đã chỉ ra, vấn đề không phải ở Holi mà là ở cách một số đàn ông đã biến lễ hội thành một “cơ hội sờ soạng”, có những hành vi thô bạo mà không được phép của phụ nữ.
"Tôi không nghĩ việc đổ lỗi cho Holi hay tẩy chay nó sẽ giúp ích. Phụ nữ có thể bị lạm dụng tình dục ở bất cứ đâu. Đó là lý do chúng ta cần làm cho xã hội nói chung trở nên thân thiện với phụ nữ hơn, và đó là một quá trình lâu dài bắt đầu từ gia đình, với việc cha mẹ dạy con cái về sự đồng ý và tôn trọng trẻ em gái cũng như phụ nữ", Iyer nói.
Thừa nhận chỉ có một số nam giới làm vấy bẩn lễ hội, bà Ramarathnam nói thêm rằng đại đa số đàn ông không lên tiếng trước những hành vi quấy rối như vậy khiến vấn đề này kéo dài.
“Bằng cách nhìn đi chỗ khác, một môi trường thuận lợi được tạo ra cho mọi hình thức quấy rối, không chỉ vào lễ hội Holi, và để thủ phạm trốn thoát. Những kẻ biến thái vẫn dám làm vì biết rằng khả năng bị phát giác, tố cáo hoặc bị xử phạt vẫn gần như bằng không", bà nói.
Theo: ZING.VN