Theo các chuyên gia, việc một luận án tiến sĩ được thẩm định lại không đạt cần làm rõ trách nhiệm tất cả các bên liên quan, chứ không riêng nghiên cứu sinh.

1 Luan An Tien Si Cau Long Khong Dat Can Xem Xet Trach Nhiem Cac Ben Lien Quan

Đề tài luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh thuộc chuyên ngành giáo dục học được công bố ngày 23-12-2021 tại Viện Khoa học thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh bảo vệ luận án thành công cấp viện ngày 19-1-2022.

Xử lý nghiêm để bớt dị nghị về các ‘lò ấp’ tiến sĩ

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả thẩm định luận án trên không đạt và kết quả được gửi về Viện Khoa học thể dục thể thao để xử lý theo thẩm quyền, nhiều chuyên gia cho rằng cần tiếp tục làm rõ trách nhiệm các bên liên quan (giảng viên hướng dẫn, cơ sở đào tạo, hội đồng thẩm định các cấp...).

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng đây là bài học cho các nghiên cứu sinh, đội ngũ những người hướng dẫn cũng như hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ… trong việc lựa chọn đề tài nghiên cứu và đạo đức liêm chính trong nghiên cứu khoa học.

Ông Vinh cho rằng để xảy ra vụ việc trên, trách nhiệm trước hết thuộc nghiên cứu sinh, đội ngũ hướng dẫn không đủ năng lực và cơ sở đào tạo trong việc thẩm định phê duyệt đề tài. Đặc biệt, hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ quá dễ dãi.

Vì vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét trách nhiệm của cơ sở đào tạo này, thậm chí tạm dừng tuyển sinh đào tạo bậc tiến sĩ khóa mới và chấn chỉnh chất lượng đào tạo của cơ sở này cũng như rất nhiều cơ sở đào tạo tiến sĩ khác có những hạn chế, yếu kém và thiếu liêm chính trong nghiên cứu khoa học.

Tùy mức độ sai phạm của giảng viên hướng dẫn mà tước tư cách hướng dẫn của giảng viên hướng dẫn chính cũng như tư cách đánh giá luận án tiến sĩ của các thành viên hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ.

"Có làm vậy mới có thể răn đe những ai, cơ sở đào tạo nào thiếu trách nhiệm, tránh cho xã hội dị nghị về các ‘lò ấp’ tiến sĩ. Đồng thời, cơ sở đào tạo tiến sĩ cần chủ động triển khai chi tiết hóa khung trình độ quốc gia Việt Nam ở trình độ tiến sĩ, làm cơ sở cho nghiên cứu sinh, đội ngũ giảng viên hướng dẫn và hội đồng căn cứ vào đó mà thực hiện, chứ không phải như cách giải thích trước đây của cơ sở đào tạo này là tuân thủ đúng quy trình, thủ tục theo quy định", ông Vinh nói.

Tăng hậu kiểm thẩm định

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững - nguyên trưởng khoa báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền, việc hậu kiểm để đánh giá các luận án tiến sĩ cần phải được thực hiện nghiên túc và đặc biệt cần phải xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Đây có thể coi là một trong những cách khi nói về giải pháp ngăn chặn các đề tài luận án tiến sĩ không đạt chuẩn, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay.

"Với kết quả thẩm định luận án trên có hai trong số ba chuyên gia yêu cầu nghiên cứu sinh sửa lại nhiều nội dung của luận án, một chuyên gia còn lại đánh giá luận án không đạt yêu cầu, nghiên cứu sinh cần làm lại và bảo vệ lại, cho thấy luận án này hoàn toàn không đạt như hội đồng thẩm định đã kết luận. Tuy nhiên, tôi cho rằng luận án này không sửa được vì nội dung không xứng tầm đề tài tiến sĩ, phải giao đề tài khác", ông Dững nhấn mạnh.

Đồng thời, cũng theo ông Dững, cần xử lý cả hội hồng bảo vệ luận án các cấp trong vụ việc này. Ở đây, chủ yếu là do hội đồng khoa học tư vấn, nghiệm thu đánh giá luận án tiến sĩ. Để khắc phục loại đề tài luận án như thế này, chủ yếu phụ thuộc vào đội ngũ những người thầy, các nhà khoa học đi trước.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo về mặt quản lý nhà nước cần phải tăng cường hậu kiểm việc tổ chức đào tạo tiến sĩ. Việc hậu kiểm để đánh giá các luận án cần phải được thực hiện nghiêm túc và đặc biệt cần phải xử lý nghiêm nếu có sai phạm.

"Theo quy định hiện nay, hậu kiểm thẩm định lại 20% luận án đã bảo vệ, cấp bằng. Tôi nghĩ, cần thẩm định hậu kiểm luận án tiến sĩ trên 50%. Sau khi đã được hội đồng tư vấn và cơ sở đào tạo quyết định, đều phải báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, chứ không chỉ để báo cáo hành chính.

Tuy nhiên trên thực tế công tác hậu kiểm này chưa được làm đến nơi đến chốn, chưa triệt để và cách giải quyết cũng nửa vời. Có luận án qua hậu kiểm đã bị hủy, thu hồi bằng tiến sĩ, nhưng chủ tịch hội đồng, các phản biện và thành viên không hề bị xử lý, họ vẫn tiếp tục làm chủ tịch hội đồng và phản biện các luận khác", ông Dững nói.

Xử lý luận án hội đồng thẩm định không đạt ra sao?

PGS.TS Hoàng Trang - trưởng phòng đào tạo sau đại học Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết: "Với quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, tại các cơ sở đào tạo tiến sĩ đều có quy định đào tạo ở trình độ này.

Quy định về đào tạo tiến sĩ của Trường đại học Bách khoa ban hành năm 2019 nêu cụ thể những tình huống, việc xử lý kết quả thẩm định luận án, có trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tập thể được quy định chi tiết".

Quy định trên nêu rõ trường hợp luận án không được hội đồng thẩm định thông qua thì hiệu trưởng tổ chức và chủ trì đối thoại giữa hội đồng thẩm định luận án và hội đồng đánh giá luận án cấp trường có sự tham dự của đại diện Đại học Quốc gia TP.HCM hoặc đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Số lượng thành viên của hai hội đồng dự họp tối thiểu 12 người, trong đó chủ tịch, phản biện, thư ký và các thành viên có ý kiến không tán thành của hai hội đồng phải có mặt.

Luận án không được thông qua nếu có từ ba thành viên có mặt tại buổi đối thoại trở lên không tán thành. Kết quả cuộc họp đối thoại là kết quả thẩm định cuối cùng về nội dung, chất lượng luận án.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online