Mỗi khi Tết đến xuân về, người Việt, dù có đi đâu, ở đâu cũng không bao giờ thiếu chiếc bánh chưng xanh trong mâm cỗ cổ truyền.
Bánh chưng là thức ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.
Gói bánh chưng ngày Tết là nét đẹp trong văn hóa của người Việt
Trong tâm thức người Việt, chiếc bánh chưng không còn đơn thuần là món ăn mà đã trở thành nét đẹp của con người Việt Nam, gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời và mang nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh.
Bánh chưng là món ăn truyền thống của người Việt
Tuy nhiên mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một bài đăng chê bánh chưng gây phẫn nộ. Theo đó, trong bài tản văn đăng tải trên trang cá nhân, nhà văn Phạm Thị Hòa, hiện đang sống ở Đức đã dùng nhiều ngôn từ chê bai bánh chưng.
Đầu tiên, người này so sánh bánh chưng như một thứ văn xuôi thô, nặng, dềnh dàng, ăn đến bội thực.
"Ẩm thực và văn chương có nhiều tương đồng, bánh chưng là một thứ văn xuôi thô, nặng, dềnh dàng, xơi một góc đã nghẹn và hứa hẹn từ phần còn lại là bội thực. Lá gói lạt buộc hì hục, nấu như kháng chiến trường kỳ, song công phu vất vả thế vẫn chưa hết.
Bài viết gây xôn xao cộng đồng mạng
Cái kiệt tác của ẩm thực dân tộc ấy đầy nguy cơ nhão nhoét, thiu, mốc, sống, sượng, chưa kể động thái lại gạo khét tiếng, cộng thêm bước bóc bánh nên gọi chân thành là tra tấn và thực tế chắc chắn là chỉ sau một đũa xắn nó sẽ mất trắng tổng thể nghệ thuật và mỗi phút một hết cả xanh lẫn rền để cuối bữa chỉ còn là một di tích lạnh lẽo, xám xịt, tả tơi trên mâm cỗ.
Văn bánh chưng là văn to nhưng không lớn, rắc rối nhưng không phức tạp, lớp trong lớp ngoài nhưng không đa tầng, nghiêm nhưng không cẩn", trích nội dung bài đăng của nhà văn Phạm Thị Hòa.
Cũng trong bài đăng trên trang cá nhân, người này còn dùng nhiều ngôn từ, lý lẽ không phù hợp để nói về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc ta. Đồng thời, so sánh văn hóa nước ta với các nước phương Tây khác với những định hướng lệch lạc.
Bài đăng này ngay lập tức nhận được những phản ứng gay gắt từ cộng đồng mạng. Nhiều người bày tỏ sự chỉ trích về giọng văn lệch lạc và những ngôn từ bôi đen văn hóa mà Phạm Thị Hòa sử dụng trong bài đăng.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị