Dự luật mới được đề xuất quy định các giám đốc điều hành phải chịu trách nhiệm hình sự do những sai lầm của công ty làm tiết lộ thông tin cá nhân của người dùng.

Và nếu căn cứ theo đó, CEO Facebook Mark Zuckerberg có thể phải chịu hình phạt nặng nhất là án tù 20 năm.

132 1 Neu Du Luat Moi Ve Quyen Rieng Tu Thong Qua Ceo Facebook Co The Doi Mat An Tu 20 Nam

Khi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) phạt Facebook 5 tỉ USD vì vi phạm quyền riêng tư dữ liệu vào tháng 7, nó đã lập kỷ lục về mức phạt lớn nhất mà một cơ quan quản lý Mỹ từng áp dụng đối với một công ty công nghệ. Vào tháng 9, FTC đã phạt YouTube (Google) 170 triệu USD vì vi phạm Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em.

Tuy nhiên, theo CNET, với dự luật về bảo vệ dữ liệu người dùng mới cập nhật do Thượng nghị sĩ Ron Wyden đề xuất vài ngày trước (khoảng thứ Năm, theo giờ địa phương), mức phạt đối với các công ty công nghệ vi phạm quyền riêng tư dữ liệu của người dùng tăng lên rất cao, bao gồm số tiền phạt lớn hơn và thời gian ngồi tù cho CEO đến 20 năm.

"Mark Zuckerberg sẽ không coi trọng quyền riêng tư của người Mỹ trừ khi anh ta nhận thấy được hậu quả cho cá nhân mình", Thượng nghị sĩ Wyden nói trong một tuyên bố.

Dự luật bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng được ông đề xuất vào tháng 11.2018. Ông đã dành gần 1 năm qua để lắng nghe các chuyên gia về quyền riêng tư, để biết những gì cần thêm vào dự luật sau đề xuất ban đầu.

"Một khoản tiền phạt sẽ không ảnh hưởng gì cả, theo dự luật của tôi thì anh ta sẽ phải đối mặt với án tù vì đã nói dối chính phủ”, thượng nghị sĩ ủng hộ việc bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân nhắc đến CEO Facebook.

Nếu dự luật này được thông qua, không chỉ Facebook mà cả gã khổng lồ công nghệ Google cũng có thể vướng vòng lao lý. Theo CNET, đây được xem là dự luật nghiêm khắc và mạnh tay nhất từ trước đến nay có liên quan đến quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân.

Đơn cử là hình phạt 10 đến 20 năm tù cho các giám đốc điều hành cấp cao nói dối về tiêu chuẩn bảo mật của họ. Các khoản tiền phạt cũng nặng hơn, lên tới 4% doanh thu hàng năm của công ty cho lần vi phạm đầu tiên. Và nếu dự luật được thông qua, khoản tiền phạt của YouTube có thể là 4,64 tỉ USD chứ không phải là 170 triệu USD.

Ông Ron Wyden còn cho rằng các công ty như Facebook cần phải cho phép người dùng từ chối theo dõi quảng cáo. Hầu hết các dữ liệu của người dùng được thu thập để phục vụ cho các nhà quảng cáo, trên nền tảng như Facebook. Trong khi một số công ty khác như Apple không cho phép theo dõi người dùng để phục vụ mục đích quảng cáo.

Liên quan đến Facebook, trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 16.10, CEO của Salesforce là Marc Benioff cho rằng Facebook theo dõi bọn trẻ, chạy quảng cáo chính trị không đúng sự thật, thôn tính và biến dữ liệu người dùng công ty đó thành của mình.

“Họ đang làm điều đó và họ nên bị phá vỡ. Họ đang có ảnh hưởng thái quá với tư cách mạng xã hội lớn nhất hành tinh”, Benioff nói.

Benioff còn nhận định, một trong những nguyên nhân khiến nền tảng công nghệ xuất bản nội dung mà không cần quan tâm tới hậu quả là do thiếu sót của Mục 230 trong Đạo luật truyền thông của Mỹ.

Mục này cho phép nhà cung cấp nền tảng Internet quản trị một số nội dung mà không sợ bị quy trách nhiệm cho phần lớn những gì người dùng làm trên nền tảng.

Ông gọi Mục 230 là “luật nguy hiểm nhất” hiện nay và nó nên bị bãi bỏ.

Thi Anh

 

Nguồn: báo điện từ MỘT THẾ GIỚI