Mặc dù tần suất hoạt động dày như vậy nhưng vào các khung giờ cao điểm việc quá tải là chuyện “hết sức bình thường”.
Để đảm bảo tàu vẫn chạy đúng giờ với số lượng khách “khủng”, các trạm tàu điện ngầm Nhật Bản tuyển dụng những người gọi là oshiya (tiếng Anh là “pusher”), hay gọi là những “người đẩy”, với mục đích càng nhồi nhét được nhiều người vào tàu điện hoặc tàu hỏa càng tốt.
Các “oshiya” mặc đồng phục, đội mũ và đeo găng tay trắng, làm động tác đẩy hành khách lên tàu, sao cho khách không bị nguy hiểm mà tàu lại có thể đóng cửa để đảm bảo đúng tiến độ chạy.
Khi lần đầu tiên những người làm nghề “oshiya” xuất hiện ở nhà ga Shinjuku ở Tokyo, họ được gọi là “nhân viên sắp xếp hành khách”, phần lớn các “oshiya” khi đó chỉ là những người làm việc bán thời gian, thường là sinh viên. Ngày nay, không có các “oshiya” chuyên dụng, những nhân viên nhà ga sẽ kiêm nhiệm hoặc vẫn là những lao động bán thời gian làm công việc này.
Không chỉ là một công việc yêu cầu sức khỏe tốt, các oshiya cần phải tuân thủ nghiêm túc quy tắc làm việc. Họ bắt buộc phải đeo găng tay trắng khi làm việc để các hành khách không nhận biết được. Tiếp theo đó, oshiya chỉ được chạm vào vai hoặc lưng của hành khách. Thứ ba, chân trụ trên mặt đất của họ phải vô cùng vững vàng sau đó dồn lực vào cả 2 tay để giúp hành không không bị mất đà. Cuối cùng, họ phải liên tục hô to để thông báo cho mọi hành khách cũng như người lái tàu biết khi nào có thể khởi hành tránh rủi ro tai nạn.
Năm 2012, một nhiếp ảnh gia HongKong Michael Wolf đã tung bộ ảnh mang tên Tokyo Compression ghi lại những khoảnh khắc thường ngày vào khung giờ cao điểm trên tàu điện. Những khuôn mặt đau khổ, nhăn nhó của những vị khách bị đè lên cửa kính, cơ thể ép sát vào nhau đến mức không thể cử động. Thậm chí, người thấp bé có thể bị ngạt thở dưới hàng trăm, hàng chục lớp áo của những người xung quanh.
Bộ ảnh cũng như các oshiya đã thu hút được sự chú ý của truyền thông quốc tế. Song, mặc dù cứ nhắc đến nghề “nhồi” hành khách lên tàu điện là mọi người sẽ nghĩ đến ngay đất nước Nhật Bản nhưng thực tế, cha đẻ của nghề này lại là ở New York, Mỹ. Tuy nhiên, những người trong lĩnh vực này không được yêu quý như ở Nhật vì họ thường xuyên xô đẩy, nhồi nhét hành khách với thái độ “thù địch” và vô cùng bạo lực.
Đến năm 1920, khi những cánh cửa tự động ra đời, những pusher dần thất nghiệp và nét văn hóa này cũng biến mất khỏi đất nước Mỹ.
Theo ZipRecruiter, mức lương trung bình của nghề “nhồi” hành khách này khoảng 46.128 USD (khoảng 1 tỷ đồng)/năm. Thống kê cho thấy, mức lương cao nhất mà các oshiya (hay pusher) nhận được có thể lên đến 102.000 USD (khoảng 2,3 tỷ đồng)/năm.
Theo nguoiduatin.vn