Ngân hàng đầu tư này ước tính tổng chi tiêu của người dân Hàn Quốc cho hàng xa xỉ cá nhân đã tăng 24% vào năm 2022, lên mức 16,8 tỷ USD, tương đương khoảng 325 USD/người.
Theo ước tính của Morgan Stanley, con số này cao hơn nhiều so với mức chi tiêu tương ứng tại Trung Quốc và Mỹ, lần lượt chỉ là 55 USD và 280 USD.
Hàn Quốc được cho là quốc gia dễ chấp nhận sự phô trương của cải hơn so với Nhật và Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
Các thương hiệu cao cấp cũng có doanh số bán hàng tăng mạnh tại Hàn Quốc.
Nhãn hàng Moncler cho biết doanh thu tại Hàn Quốc trong quý II/2022 đã “tăng gấp đôi” so với thời điểm trước đại dịch. Tập đoàn Cartier, đơn vị sở hữu Richemont Group, cho biết Hàn Quốc là một trong những khu vực có doanh số bán hàng tăng trưởng hai con số vào năm 2022.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley giải thích nhu cầu về hàng xa xỉ của người dân Hàn Quốc được thúc đẩy bởi sự gia tăng trong sức mua, cùng với đó là việc họ mong muốn thể hiện địa vị xã hội ra bên ngoài.
Sự phô trương của cải cũng được xã hội Hàn Quốc dễ chấp nhận hơn. Một khảo sát của McKinsey cho biết 22% người Hàn Quốc được hỏi coi việc khoe hàng xa xỉ là không tốt. Con số đó thấp hơn nhiều khi so với mức 45% của Nhật và 38% ở Trung Quốc.
Nhu cầu về đồ xa xỉ cũng được nâng lên từ sự gia tăng tài sản hộ gia đình. Dữ liệu của Ngân hàng Hàn Quốc cho thấy tổng tài sản ròng của hộ gia đình tăng 11% vào năm 2021. Trong đó, 76% số tài sản thuộc về bất động sản.
Ngân hàng Morgan Stanley cũng cho rằng các thương hiệu sang trọng đã khai thác các nhân vật nổi tiếng tại Hàn Quốc để thúc đẩy nhu cầu mua sắm của người dân.
“Gần như tất cả người nổi tiếng tại Hàn Quốc đều là đại sứ thương hiệu của những nhãn hàng cao cấp”, báo cáo của Ngân hàng Morgan Stanley cho biết.
Các ví dụ điển hình cho sự kết hợp của nhãn hàng và người nổi tiếng có thể kể đến như Fendi và nam diễn viên Lee Min-Ho, Chanel và rapper G-Dragon, Dior và Rose…
Nguồn: Zing