Chiều 9/11, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết được con gái nhà văn Lê Lựu thông báo ông qua đời vào khoảng hơn 16h tại nhà riêng ở Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên. Cuối đời, ông mắc nhiều bệnh tuổi già, nằm liệt một chỗ.
Vài ngày trước, nhà thơ Trần Đăng Khoa xuống nhà thăm nhưng ông bất tỉnh, không còn biết gì. Nhà văn trước kia sống cùng người giúp việc tại Tam Trinh, Hà Nội. Hơn một tháng nay, bệnh tình trở nặng, ông được con gái đầu đón về quê chăm sóc. Nhà văn trải qua hai cuộc hôn nhân, có ba người con.
Ông sinh năm 1942, là thành viên của Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1974. Thời kỳ đầu sự nghiệp, ông có nhiều sáng tác như truyện ngắn Người cầm súng (1970), tiểu thuyết Mở rừng (1976) - được xem là tác phẩm kinh điển của dòng văn học thời kỳ chiến tranh. Bộ ba tiểu thuyết khẳng định vị trí của ông trên văn đàn là Thời xa vắng(1986), Chuyện làng Cuội (1991), Sóng ở đáy sông (1994)...
Ông từng đoạt giải nhì báo Văn nghệ năm 1968 cho truyện ngắn Người cầm súng, giải A Hội nhà văn Việt Nam 1990 cho tiểu thuyết Thời xa vắng...
Lê Lựu là cha đẻ của nhiều nhân vật luôn đau khổ, bất hạnh trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc cá nhân. Ông từng nói: "Thằng Núi trong Sóng ở đáy sông cũng đi tìm được chỗ đứng của nó, đến thằng Sài trong Thời xa vắng nó khốn khổ như thế mà cũng chưa khổ bằng tôi. Tôi đúng là bố của chúng nó về nhục nhã, mất mát".
Nhà văn Lê Lựu tại nhà riêng năm 2013. Ảnh: Hoàng Hà
Sinh thời, khi tự đánh giá về cuộc đời mình, ông cho biết: "Tôi chỉ là cái gã hạng xoàng, xuất thân từ một anh chân đất mắt toét, đánh dặm mò cua bắt ốc, giờ trở thành nhà văn, cán bộ cao cấp trong quân đội, đó là thứ trời cho, may mắn lắm rồi".
Lê Lựu còn tự hào khi trong đời viết văn của mình, ông từng là nhà văn đầu tiên của Việt Nam được mời sang Mỹ thời kỳ hậu chiến để "bắc nhịp cầu văn hóa", vậy công danh cũng chẳng phải chuyện khiến ông đau đáu đến cuối đời. Rốt cuộc, ông mong mỏi điều gì?
- "Tôi chỉ mong được về mảnh đất tổ tiên, ăn rau cỏ ở mảnh đất của tôi, trồng rau cuốc đất, sống như người nông dân".
Theo: vnexpress