Thomas bị ám ảnh bởi ánh sáng trong đôi mắt ngây thơ của trẻ em Việt Nam trong thời khói lửa |
Hà Nội – nguồn cảm hứng vô tận
Mới đây, Viện Goethe Hà Nội đã tổ chức triển lãm “Hà Nội 1967 - 1975" của nhiếp ảnh gia người Đức - Thomas Billhardt. Triển lãm giới thiệu những tác phẩm nhiếp ảnh quốc tế quan trọng nhất của ông, bao gồm những bức ảnh từ ấn phẩm mới nhất "Việt Nam 1967 đến 2020".
Nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt chụp cùng những người chiến sĩ Việt Nam. |
Thomas Billhardt, nhiếp ảnh gia người Đức đã đã đến Việt Nam khoảng 12 lần và dành một tình yêu đặc biệt cho Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội. Mảnh đất và con người Hà Nội qua ống kính của ông là một kho tàng ký ức về quá khứ đầy xúc động. Đó là những khoảnh khắc đáng nhớ của một thời chiến tranh, là những cảm xúc chân thật của người dân trong những thời khắc khó khăn nhất. Từ niềm vui đón đứa trẻ chào đời trong thời chiến, đến những hầm trú bom chằng chịt trên hè phố, từ những phố xá vắng bóng người đến những dáng người lầm lụi trong mưa, từ hình ảnh những phi công Mỹ nhận thư nhà trong trại giam đến những gương mặt trẻ thơ trong sáng - tất cả đều ẩn chứa những câu chuyện cảm động về sự kiên trì và lòng trung thành của con người.
Một góc đài quan sát và chiến đấu của các chiến sĩ bộ đội Việt Nam |
Thomas chia sẻ: “Tôi từng đến Cuba công tác, một đất nước xinh đẹp ở Nam Mỹ khi còn trẻ. Tôi gặp và đã yêu một người con gái Cuba đầy quý phái và lộng lẫy như nữ thần mùa xuân. Tình yêu đó cuồng nhiệt tới mức tôi đã nghĩ đến việc không trở lại quê hương Đức nữa, vì con người và đất nước Cuba tuyệt vời biết bao. Nhưng khi chiếc máy bay chở tôi dừng tại Canada, nơi trung chuyển giữa Đức và Cuba, con tim tôi đã có câu trả lời. Tôi yêu Tổ quốc của tôi, yêu mảnh đất nơi tôi sinh ra và lớn lên. Thomas không thể rời bỏ quê hương Đức. Khi tới Việt Nam, tôi đã cảm nhận được tình yêu đó, qua ánh sáng từ những đôi mắt những con người tôi đã chụp”.
Nhiếp ảnh gia chia sẻ về tình yêu của ông thời trai trẻ, một cô gái Cuba xinh đẹp tựa nữ thần mùa xuân của lòng ông |
Ông nói: “Tôi đã rất thắc mắc vào thời điểm đó, tại sao những đôi nam nữ Việt Nam yêu nhau không ôm hôn, thể hiện tình yêu ở nơi công cộng? Một người bạn Việt đã trả lời tôi rằng, họ đang bận rộn với chiến tranh, súng đạn, bận rộn với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và cống hiến hết tuổi thanh xuân và tình yêu của mình cho đất nước. Rằng khi Việt Nam được giải phóng, họ sẽ ôm hôn nhau, chúc mừng nhau và trao lời yêu cho nhau trong sự tự do và hòa bình”.
Bức ảnh về những đôi lữa trong thời chiến |
Nhìn lại những bức ảnh đầy hoài niệm, Thomas không thể không cảm thấy xúc động. Những niềm vui và nỗi buồn nhỏ bé của người dân Hà Nội trong suốt dọc đường cuộc chiến được lưu giữ mãi trong trái tim ông. Hà Nội, với vẻ đẹp cổ kính và sự chịu đựng bất khuất của con người, luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho con mắt nghệ thuật giản dị của ông.
Những bức ảnh hoài niệm
Màu sắc chân thực và những giây phút lắng đọng của cuộc sống thường nhật luôn để lại những âm vọng đặc biệt trong tâm trí của người xem khi chiêm ngưỡng những tác phẩm nhiếp ảnh của Thomas Billhardt. Bỏ qua xô bồ của ánh sáng phố thị ngoài kia, những bức ảnh như cuốn con người trở về Hà Nội của một thời bom đạn bi tráng, hào hùng.
Ta chợt thấy phố xưa hè cũ quen thuộc bỗng đẹp đến lạ lùng qua ống kính của Billhardt.
Những đứa trẻ đang nô đùa trên tàn tích của bom rơi đạn lạc, góc phố dịu dàng trong màu mắt nâu của người con gái Việt thời chiến hay tiếng khóc than không lời của người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh...
Thomas đã trở lại Việt Nam và gặp gỡ các nhân vật trong những tác phẩm để đời của ông |
Cô gái với nụ cười rạng rỡ ngày nào nay đã là bà, là mẹ. |
Sự tái hiện trần trụi kể cho người xem về sự bất công xã hội, về sự nghèo đói, sự đau khổ, về chiến tranh bạo tàn... nhưng cũng đem tới cho con người của xã hội hiện đại góc nhìn về cuộc sống thường nhật thời chiến. Sự tương phản đến đau lòng của hai khoảnh khắc đối lập của một con phố bình yên trước khi một và chỉ một trái bom được thả xuống có thể khiến cho bất cứ ai cũng thảng thốt bàng hoàng về tội ác bẽ bàng của chiến tranh phi nghĩa.
Thomas đã phải xin phép bà của cậu bé đã qua đời vì bom bi để chụp bức ảnh này. Ông nói với bà rằng, ông không thể để cái chết của đứa trẻ chìm vào tĩnh lặng mà muốn nó thét lên tiếng ai oán về tội ác chiến tranh kinh hoàng cho cả thế giới được biết. |
Ông Wilfried Eckstein, cựu Viện trưởng Viện Goethe từng nhận xét: “Ảnh của Billhardt là những khoảnh khắc không thể tái hiện, là những hình ảnh thực tế và chân thành, như một khuôn mặt đẹp trong thế giới xám xịt, một nụ cười ngây thơ trong bối cảnh khắc nghiệt của chiến tranh đọa đày, một cảnh nên thơ thường nhật khiến ta quên đi nỗi sợ và chiến tranh, đem đến cho ta hy vọng vào hòa bình ngày mai”.
Theo đuổi công việc làm một nhiếp ảnh gia phóng sự, Billhardt đã đi đến tổng cộng 49 quốc gia và các bức ảnh ông chụp được xuất bản trên toàn thế giới. Thành tựu lớn nhất của bản thân theo ông chia sẻ chính là phơi bày và đem ra ánh sáng cho công chúng thấy được những vết đen chiến tranh trần trụi.
Những bức ảnh này có sức nặng hơn tất cả và đã giúp ông trở nên nổi tiếng thế giới. Nhiều cuộc triển lãm quốc tế đã vinh danh những nỗ lực thành công của Thomas Billhardt.
Những bức ảnh của ông đã được triển lãm tại nhiều thành phố khác nhau trên toàn thế giới như London, Moscow, Beirut, Hà Nội, Florence và Paris..., trở thành những minh chứng và là một phần quan trọng của lịch sử nhiếp ảnh Đức.
Minh Anh