Chị Lý Thị Ngọc Mai thuyết minh cho đoàn tham quan của Học viện Hải quân - Ảnh: TRẦN HOÀI
Từ đầu tháng 3-2024, đã có nhiều đoàn học sinh, sinh viên và đoàn viên thanh niên đến để học tập, tìm hiểu về sự kiện quân Trung Quốc thảm sát các chiến sĩ của Việt Nam tại Gạc Ma vào ngày 14-3-1988.
Gạc Ma - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước
Ngày 12-3, dẫn học trò thăm khu tưởng niệm, cô Nguyễn Thị Hồng Quỳnh Liên, giáo viên trường THCS Nguyễn Trãi (huyện Cam Lâm) cho biết cứ mỗi lần đến đây, cô và trò như được bước chân ngược về quá khứ, cùng nghe và tìm hiểu những câu chuyện đã làm nên lịch sử của những người chiến sĩ.
"Học trò của tôi rất thích đến đây để được nghe kể chuyện về các chiến sĩ Gạc Ma, những lúc thế này cũng là dịp để các em có thêm những kiến thức về lịch sử, bồi đắp lòng yêu nước" - cô Liên chia sẻ.
Khu trưng bày trở thành nơi tìm hiểu lịch sử cho các đoàn viên thanh niên
Khu tưởng niệm có khu trưng bày những kỷ vật của cán bộ, chiến sĩ đã tham gia trận chiến Gạc Ma, như mũ cối, quân phục, thư tay, hình ảnh kỷ niệm…
Đọc lá thư tay cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương gửi về gia đình, bạn Phạm Ngọc Nam, học sinh trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Cam Lâm) thổ lộ: "Đọc những dòng trên bức thư, cảm nhận được nghĩa vụ thiêng liêng của người lính nơi đảo xa gửi gắm về gia đình trước ngày đi xa, khiến em cảm thấy rất cảm động".
Lưu giữ hình ảnh người chiến sĩ Gạc Ma
Tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời" cao 15,9m trước khu tưởng niệm
Cũng trong những ngày này, những người làm việc tại Khu tưởng niệm Gạc Ma tất bật thực hiện các công việc để chuẩn bị cho ngày tri ân các anh (14-3).
Dẫn đoàn tham quan của Học viện Hải Quân bằng chất giọng ngọt ngào, chị Lý Thị Ngọc Mai, thuyết minh viên, chia sẻ đã thực hiện công việc này từ khi mới thành lập khu tưởng niệm.
Đang là chuyên viên tại Ban tuyên giáo huyện ủy Cam Lâm, chị Mai thường chỉ làm công việc thuyết minh tại đây vào cuối tuần. Chị kể để thuyết minh tốt và truyền tải được những thông điệp qua những câu chuyện, chị đã tìm hiểu rất nhiều để cảm nhận sâu sắc hơn về câu chuyện của những chiến sĩ Gạc Ma, từ đó mới truyền tải hết cảm xúc của mình đến mọi người.
Ông Võ Duy Trúc, giám đốc ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, cho biết trong năm vừa qua, khu tưởng niệm đã phối hợp tổ chức các hoạt động, như: lễ kết nạp đảng viên, tuyên dương, khen thưởng,... nhằm bồi đắp tình yêu quê hương, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, hun đúc ý chí phấn đấu cho thế hệ trẻ.
Khu tưởng niệm cũng hỗ trợ các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động: chào cờ, thả đèn hoa đăng, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, tuyên dương, khen thưởng đoàn viên xuất sắc nhiệm vụ,...
Hồ nước "Vòng tròn bất tử" với 64 bông hoa muống biển bao quanh lá cờ Tổ quốc, tượng trưng cho 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại sự kiện Gạc Ma 14-3-1988
Hàng tháng vào mùng 1 âm lịch và ngày rằm, những người làm việc tại đây dâng mâm cơm tưởng nhớ các liệt sĩ
Nhiều bạn học sinh thích thú tìm hiểu về Gạc Ma
Ảnh đám cưới của liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh cùng vợ Đỗ Thị Hà tại phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) năm 1986
Bức thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương viết ngày 6/3/1988 tại Cam Ranh, gửi gia đình trước khi ra đảo, anh hy sinh 1 tuần sau đó
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online