Nhiều người không bao giờ hài lòng với những gì mình có, họ luôn so sánh với người khác để chuốc lấy mệt mỏi vào người.

Con người có tâm lý muốn so sánh, đây là khuyết điểm và cũng là bản chất cơ bản của con người. Nếu so sánh phù hợp có thể kích thích tiềm năng, trở thành động lực khiến bản thân trở nên tốt hơn. Đồng thời đó cũng tạo áp lực nhất định cho những người xung quanh bạn để khiến họ trở nên tốt hơn. Nhưng nếu so sánh quá mức rất dễ xảy ra mâu thuẫn gia đình.

Nhiều người phụ nữ rõ ràng đang có cuộc sống rất tốt nhưng vì bất mãn nên hay so sánh thái quá với mọi người xung quanh. Họ luôn cảm thấy mình kém cỏi, cuộc sống không tốt bằng người khác. Họ nhìn lên những người cao hơn mình để rồi tự chuốc lấy mệt mỏi, u sầu.

Một câu chuyện như sau khiến chúng ta cần suy ngẫm để hiểu hơn về thế thái cuộc đời: Cô Ly là giáo viên tiểu học, còn chồng là chủ một công ty nhỏ đang hoạt động tốt. Vào cuối tuần, gia đình họ lại cùng nhau đi chơi, quây quần trò chuyện. Bố mẹ chồng của cô cũng đều là công chức về hưu, có lương hưu. Cô cùng chồng có một con trai, một con gái, gia đình có người giúp việc hỗ trợ nên cô không hề phải làm việc nhà. Cuộc sống của cô khiến nhiều người phụ nữ khác phải ước ao.

1 Phu Nu Co Kieu Tinh Cach Nay O Dau Cung Bat Hanh

Vậy nhưng sau nhiều năm chung sống, vợ chồng cô Ly đã đệ đơn ly hôn với lý do đơn giản là không thể tiếp tục như trước. Tất nhiên có nhiều lý do dẫn đến ly hôn. Nhưng lý do nghiêm trọng nhất khiến hôn nhân tan vỡ là do cô Ly thường xuyên so sánh hoàn cảnh gia đình mình với nhà hàng xóm, nhà bạn thân. Mỗi lần như vậy, cô cảm thấy bực dọc với chồng con, từ đó khiến không khí gia đình căng thẳng.

Đỉnh điểm nhất là cô Ly cảm thấy chán nản khi gia đình cô đang sinh sống trong một căn nhà bình thường. Trong khi gia đình bạn cô mới mua một căn biệt thự nhà vườn rộng hàng trăm m2 tại vùng ngoại ô. Thấy bạn có cuộc sống tốt, cô thấy khó chịu, đố kỵ, không ngừng kêu ca, trách móc chồng kém cỏi, bất tài. Cô than phiền chồng cô không mang lại vật chất đủ đầy cho vợ con.

Không chỉ vậy, cô Ly còn thường so sánh với người khác về trang phục, mỹ phẩm, công việc, việc nuôi dạy con,… Thấy vợ như vậy, đến lúc không thể chịu đựng được nữa, chồng cô Ly quyết định đệ đơn ly hôn.

Đàn ông chẳng ai thích bị so sánh. Đặc biệt, họ ghét bị vợ mình chê bai trước mặt người khác. Họ cảm thấy bản thân không được tôn trọng.

Thật đáng tiếc cho một gia đình từng rất hạnh phúc, chỉ vì sự so sánh đã hủy hoại đi những niềm vui bình dị hàng ngày. Cuộc sống mỗi người là để bản thân cảm nhận. Một khi so sánh mình với người khác, cuộc sống của bạn sẽ không bao giờ bình yên nữa.

Có nhiều người phụ nữ giống cô Ly. Họ không bao giờ hài lòng với những gì mình có. Khi điều kiện kinh tế chưa tốt, họ ghen tị với những người giàu có, ghen tị với đồng nghiệp được thăng quan tiến chức. Rồi họ lại có hàng tỉ thứ để so sánh như: Nhà cửa, tiền bạc, sắc đẹp,…

Danh ngôn có câu: "Đừng so sánh cuộc đời mình với người khác, bạn đâu biết họ phải trải qua những gì". Có thể nhìn bề ngoài, họ trông rất sang trọng, đi đâu cũng được săn đón, cuộc sống xa hoa. Nhưng rất có thể bên trong, họ vẫn có những rắc rối cần giải quyết. Đôi khi, họ cũng có những phút giây khó khăn không ai có thể biết được.

Sự so sánh có thể giúp chúng ta tiến bộ hơn. Nhưng sự so đo có thể khiến cuộc đời của chúng ta thêm khó khăn muôn phần. Khi công nghệ thông tin bùng nổ, mạng xã hội như một ngôi nhà ai cũng có thể thấy được, bạn sẽ cảm thấy chạnh lòng khi so sánh mình với người khác. Chính điều này đã khiến cuộc đời của bạn trở nên mệt mỏi hơn bao giờ hết.

Có biết bao người hàng ngày đăng facebook những hình ảnh đi du lịch, đi xe hơi, khoe nhà lầu, shopping đủ thứ. Nhưng không phải hoàn toàn đều là sự thật. Đó có thể là cuộc sống ảo chứ không hẳn là thực tế. Vì vậy, để bớt sân si với người, chúng ta không nên so sánh.

Theo PNVN