Quán cháo lòng miễn phí cho người nghèo
Quán cháo Quang Khải của anh Trần Văn Hoà và chị Trần Thị Dung ở số 317 đường Trung Mỹ Tây (Q.12, TP. HCM) với tấm biển “Cháo lòng – bún lòng cho người khuyết tật, người già, người bán vé số, 5K hoặc không tiền cũng được” khiến nhiều người chú ý. Đằng sau tấm biển là câu chuyện về việc đáp nghĩa của hai vợ chồng cho TP. HCM.
Vợ chồng đồng “lòng” trong việc giúp ngườiAnh Trần Văn Hoà (47 tuổi) cho biết, cả hai vợ chồng cùng đồng lòng cho ra đời tấm biển này chứ không phải ý tưởng của cá nhân anh.
Trải qua một tai nạn “thập tử nhất sinh” nên anh muốn giúp đỡ một phần những người khổ hơn mình để như việc trả ơn cuộc đời kỳ diệu. “Mình biết việc nằm viện đã khổ như thế nào thì những người tàn tật họ còn khổ hơn. Tấm lòng của tôi chỉ nhỏ tí thôi, không đáng gì cả nhưng có thể giúp họ một tô cháo để khỏe mạnh hơn, đi làm tiếp thì tôi cũng vui.” – anh Hoà chia sẻ.
Mặc dù bản thân anh chị cũng không phải người khá giả, nhưng cả hai đều sẵn lòng bớt một chút doanh thu của quán để có thể giúp một bữa no cho những người nghèo khó hơn mình.
Vợ chồng anh Hòa và chị Dung.
Quán ăn Quang Khải mở cửa 2 khung giờ: Từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa và từ 16 giờ chiều đến 21 giờ tối. Tuy nhiên những ông bà cụ đi bán về trễ, gần 23 giờ khuya, quán ăn vẫn sẵn lòng tiếp đón.
Tấm bảng được anh chị treo từ tháng 3, tính đến nay đã được nửa năm. Mặc dù đã treo được một thời gian dài nhưng số lượng người biết đến quán cháo đặc biệt này vẫn còn khá hạn chế. Thậm chí, khi tôi hỏi người dân địa phương về quán, họ cũng lắc đầu bảo không biết: “Thời này làm gì có ai thuê mặt bằng mà bán tô cháo 5 nghìn.”
Anh Hoà chia sẻ, khi treo tấm bảng nhiều người cũng ngại vì quán không lấy tiền vì thế anh chị phải để giá 5 nghìn/bát cũng như phải “mời chào” những ông cụ, người nghèo để họ có thể ăn cháo của mình. Anh Hoà kể: “Phải lấy của họ thứ gì đó, họ mới chịu ăn. Như bà cụ bán chè, tôi phải bảo lấy con ly nước bà mới chịu ngồi ăn cháo.”
Anh chị cũng không bận tâm tính toán là bao nhiêu người đến ăn cháo của mình. Mỗi ngày anh Hoà nấu 2 nồi cháo, cả bán cả cho như vậy, ai đến anh chị đều nhiệt tình.
Lúc đầu, nhiều người cũng trêu đùa, bỡn cợt về tấm biển, “ngày mai vào ăn cháo không trả tiền nhé”, anh chị vẫn mỉm cười và tiếp tục công việc của bản thân. Chị Dung cũng chia sẻ, từ khi treo tấm biển, nhiều người đến quán ăn hơn, nhưng họ xin tiền chứ không xin cháo.
Khi được hỏi anh chị có ngại không khi có nhiều người lợi dụng lòng tốt của mình để ăn “chùa”, chị Dung rất vui vẻ nói: “Thôi kệ đi. Không sao hết. Việc của mình thì mình cứ cho cháo người ta thôi. Mấy thứ khác thì chị không để tâm.”
Mỗi chén cháo anh chị bán cho người nghèo với giá 5 nghìn đồng hoặc cho không có khẩu phần tương đương với một chén cháo thập cẩm 25 nghìn đồng. Chủ quán Quang Khải khẳng định: “Dù bán 5 nghìn đồng, hay tặng thì cũng tương đương với chén cháo mà quán bán, không ít hơn.”
Duy trì phương thức bán hàng đặc biệt này đã lâu, quán ăn cũng có một số vị khách quen. Anh Hoà kể, có trường hợp bà cụ bán vé số để nuôi cụ ông già yếu, vì vậy bà luôn xin 2 phần cháo. Hôm nào cũng vậy, chị sẽ để lại 2 phần cháo ở bên ngoài, bà cụ quen sẽ tự đến lấy.
Chén cháo lòng “hợp khẩu vị của mọi vùng miền”
Anh Hoà cho biết, bản thân là người miền Bắc nên anh phải thay đổi một chút gia vị của cháo để phù hợp với khẩu vị của người miền Nam. Anh Hoà chia sẻ rằng: “Muốn bán được ở đây thì không chỉ bán rẻ mà còn phải bán ngon.”
Để có được một chén cháo thơm, anh Hoà phải thức dậy từ 3 giờ sáng để đi mua lòng ngon, sơ chế kỹ. Anh cho biết công việc này chỉ có mỗi bản thân thực hiện, không để ai làm vì muốn tự bản thân đảm bảo độ sạch sẽ.
Anh Hoà sẽ sơ chế và luộc sẵn rồi bày lên quầy, mỗi khi có khách, chị Dung sẽ chần thêm một lần nước sôi nữa để thức ăn được chín kỹ, đảm bảo an toàn vệ sinh. Với món cháo, anh Hoà cũng là người nấu và nêm nếm sẵn, mỗi ngày 2 nồi dành cho việc bán và tặng. Cháo được nấu kèm thịt bằm - cũng là đồ do chính tay anh chị xay và huyết băm.
Mỗi tô cháo có giá 25 nghìn đồng bao gồm hơn 1 lạng đồ lòng mà theo chị Dung bảo là “con heo có gì thì tô cháo có cái đó” bao gồm: phèo, gan, ngũ linh, bao tử, tim. Dù bán với giá vô cùng bình dân nhưng tô cháo vẫn đầy ắp, đủ lấp đầy một cái bụng đói. Cháo lòng ăn kèm với nước mắm hành ớt đậm đà và rau thơm là đủ no cho một buổi tối.
Cô Phạm Thị Liệu (47 tuổi) cho biết: “Quán bán cháo ngon, sạch sẽ mà tiếp khách lại rất hòa nhã. Mà món ăn của quán thì hợp khẩu vị của mọi vùng miền. Ai ăn cũng khen hết.”
Ngược lại, cô Phượng, một người bán vé số từng ghé lại quán vài lần khi thấy tấm biển, được anh chị chủ quán mời vào ăn chia sẻ: “Tôi ăn ở đây được hai lần. Quán bán thì đương nhiên ngon rồi, ăn là thấy chuẩn vị Bắc.”
Càng về chiều, quán ăn Quang Khải càng đông đúc những vị khách. Họ có thể chỉ là người ưa thích những món ăn của quán, cũng có thể là những ông, bà cụ, người nghèo đang cần một chén cháo ấm bụng giữa những hôm TP. HCM trái gió chuyển giông. Dù là ai, anh chị chủ quán vẫn tiếp đón họ với tất cả sự nồng nhiệt và hiếu khách.
Theo Tổ quốc