Bill Gates là người đầu tiên theo đuổi giấc mơ vệ tinh. Năm 1994, ông và đồng nghiệp Craig McCaw ở Seattle đầu tư 5 triệu USD vào Teledesic để phóng 840 vệ tinh lên quỹ đạo nhằm cung cấp Internet cho thế giới.
Teledesic ước tính chi phí của dự án là 9 tỷ USD (gần 17 tỷ USD theo giá hiện tại). Họ đã thu về khoảng 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư, nhưng số lượng vệ tinh giảm xuống còn 300, sau đó việc phóng được chuyển từ năm 2001 sang năm 2004. Năm 2002, Teledesic phá sản.
Tỷ phú Elon Musk của Tesla; Nguồn: BBC.
Năm 2016, kỹ sư Greg Weiler đã bán chòm O3b gồm 20 vệ tinh cho công ty SES có trụ sở tại Luxembourg để thành lập công ty mới OneWeb, với ý định đặt khoảng 650 vệ tinh trong quỹ đạo thấp của Trái Đất (500–2.000 km). Đối tác của dự án, Airbus, được cho là sẽ sản xuất các vệ tinh nhỏ gọn 150 kg với giá 500.000 USD/chiếc. Trong vài năm, công ty đã huy động được 3,4 tỷ USD và thuê phóng khoảng 228 vệ tinh.
Năm 2020, hết tiền, OneWeb phá sản nhưng đã tái sinh từ đống tro tàn bằng cách vay tiền từ doanh nhân Ấn Độ Sunil Bharti Mittal và chính phủ Anh. OneWeb đã phóng 358 vệ tinh lên quỹ đạo, bao phủ Scandinavia, Anh, Ireland và Canada. Hoạt động thương mại bắt đầu trong năm 2022.
Elon Musk của Tesla và Jeff Bezos của Amazon có tổng tài sản hơn 350 tỷ USD và đang điều hành 2 trong số những công ty có giá trị nhất từng được tạo ra. Nhưng họ không đổi mới trên Trái Đất mà tập trung sức mạnh của mình vào việc đưa môi trường sống của con người đa hành tinh trở thành hiện thực. Với sự cạnh tranh gay gắt, tham vọng của các tỷ phú còn bao gồm cả phát triển du lịch vũ trụ và phát triển khu định cư lâu dài của con người trên Mặt Trăng, thậm chí cả sao Hỏa.
Sinh năm 1971, Elon Musk là một doanh nhân, kỹ sư, tỷ phú, người sáng lập, đồng sở hữu, Giám đốc điều hành và kỹ sư trưởng của SpaceX; Giám đốc điều hành và Kiến trúc sư trưởng của Tesla; cũng từng phục vụ trong ban giám đốc của SolarCity, do người anh em họ của ông thành lập trước khi sáp nhập với Tesla.
Tỷ phú Jeff Bezos của Amazon; Nguồn: BBC.
Năm 2018, ông được trao tặng thành viên của Hiệp hội Hoàng gia London vì những cống hiến xuất sắc cho khoa học. Ngày 7/1/2021, với khối tài sản ước tính 185 tỷ USD, lần đầu tiên Musk trở thành người giàu nhất hành tinh, “soán ngôi” nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos. Ngày 1/11/2021, Elon Musk trở thành người đầu tiên trong lịch sử có khối tài sản 300 tỷ USD.
Elon Musk đã đến gần nhất với giấc mơ Internet toàn cầu. Starlink của ông đã phóng hơn 1.800 vệ tinh lên quỹ đạo và bắt đầu thử nghiệm công nghệ này tại 12 quốc gia. Musk có quyền truy cập trực tiếp vào phương tiện phóng rẻ nhất - Falcon 9, có thể tái sử dụng. Starlink hiện có khoảng 100.000 khách hàng và có kế hoạch tăng số lượng lên 500.000 vào năm 2022. Trong tương lai gần, Starlink sẽ tạo ra doanh thu lên tới 30 tỷ USD mỗi năm và sẽ có khoảng 25 triệu khách hàng.
Elon Musk đặt mục tiêu cho bản thân: giảm 10 lần chi phí cho các chuyến bay vào vũ trụ. Để làm được điều này, ông đã thành lập SpaceX, đầu tư vào đó 100 triệu USD nhận được từ việc bán các công ty trước đây của mình.
Công ty của Musk hy vọng thực hiện chuyến bay lên sao Hỏa vào năm 2026. Mục tiêu này cần tới 850 triệu USD. Mặc dù có thể không phải là con người đầu tiên đến “hành tinh Đỏ”, nhưng Musk đã từng nói rằng ông muốn chết ở đó.
Musk đã trình bày một dự án về hệ thống vận chuyển liên hành tinh, liên quan đến việc tạo ra một phương tiện vận chuyển không gian có thể tái sử dụng để đưa con người lên sao Hỏa, với mục đích tạo ra và duy trì một thuộc địa ở đó trong tương lai. Cho đến nay, công ty đã phóng gần 70 tên lửa và đã giành được hợp đồng với NASA, Không quân Mỹ và cơ quan vũ trụ của Argentina để đưa vệ tinh lên quỹ đạo và giúp tiếp tế cho Trạm Vũ trụ Quốc tế. Khách du lịch Mặt Trăng đầu tiên của SpaceX là tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa.
Tỷ phú Richard Branson; Nguồn: bbc.com.
Giống như đối thủ SpaceX, mục tiêu Blue Origin của Jeff Bezos là giảm chi phí du hành vũ trụ bằng cách chế tạo các tên lửa có thể tái sử dụng. Trước đây, tên lửa bị loại bỏ chỉ sau một lần phóng. Blue Origin hiện đang đảm bảo các hợp đồng béo bở của chính phủ và gần đây đã nhận được chứng nhận an ninh quốc gia từ chính phủ Mỹ.
Năm 2018, cùng với Northrop Grumman và United Launch Alliance, lực lượng này đã được Không quân Mỹ chọn để phát triển các tên lửa mới có thể sử dụng cho các vụ phóng quân sự. Mỗi công ty sẽ nhận được 109 triệu USD từ thỏa thuận này. Các doanh nhân không gian mới nổi cũng đang lấp đầy khoảng trống lớn do các chính phủ phải cắt giảm ngân sách cho sứ mệnh không gian. Do đó, những cái tên như SpaceX và Blue Origin đang trở thành một phần của cuộc chạy đua quân sự vũ trụ khi Mỹ tìm cách chống lại tham vọng của Trung Quốc và Nga.
Bezos đang chuẩn bị đưa “khách du lịch vũ trụ” vào chuyến bay quỹ đạo phụ. Trong tương lai, ông có tham vọng thiết lập quan hệ đối tác với NASA để kiểm tra khả năng con người định cư lâu dài trên Mặt Trăng. Giống như SpaceX, Blue Origin đang nghiên cứu các vụ phóng có tải trọng và các phương tiện phóng quỹ đạo có thể tái sử dụng, cũng như công nghệ hạ cánh trên Mặt Trăng, để đạt được điều mà Bezos từng gọi là “khả năng tiếp cận không gian với chi phí thấp”. Ý tưởng xa hoa nhất của Bezos được công bố vào năm 2019, là tầm nhìn về các thuộc địa không gian. Công ty của Jeff Bezos dự định phóng hơn 3.000 vệ tinh lên quỹ đạo như một phần của dự án Kuiper.
Trong khi các đối thủ có tham vọng du hành không gian sâu, Richard Branson tập trung vào việc phát triển “máy bay không gian” có thể tái sử dụng để đưa khách du lịch và các vật nặng khác trong các chuyến đi ngắn tới không gian quỹ đạo phụ. Virgin Galactic đã bắt đầu bán vé với giá 250.000 USD và một trong những người nổi tiếng như ngôi sao nhạc pop Justin Bieber, đã đăng ký.
CTV Lê Ngọc (Tổng hợp)
Nguồn: vov.vn