Tờ AFP của Pháp đã liệt kê những con số kỷ lục đáng chú ý liên quan đến các sự kiện nổi bật trên thế giới trong năm 2022.
Những sự kiện đáng nhớ
Cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine vào tháng 2 đã gây ra sự gia tăng lớn về chi phí năng lượng và lương thực, khi Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đạt mức cao nhất lịch sử vào tháng 3 và chi phí khí đốt ở châu Âu cũng đạt mức cao kỷ lục.
Lạm phát hàng năm của Khu vực đồng euro (Eurozone) tăng đều đặn và lên mức 10,6% trong tháng 10, mức tăng cao nhất kể từ khi chỉ số này bắt đầu được thống kê vào năm 1997. Sau đó, mức tăng bắt đầu chậm lại vào tháng 11, lần đầu tiên sau một năm rưỡi.
Khu vực đồng euro là một khu vực địa lí kinh tế bao gồm tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã sử dụng đồng euro làm tiền tệ quốc gia.
Xung đột tại Ukraine cũng gây ra làn sóng tị nạn lớn nhất ở châu Âu kể từ khi Thế chiến thứ II kết thúc. Hơn 7 triệu người Ukraine đã bỏ trốn sang các quốc gia châu Âu khác và hơn 6,9 triệu người phải di dời trong nước, theo số liệu của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR).
Tính tổng số trên toàn cầu, lần đầu tiên số người tị nạn vượt quá 100 triệu người.
Trong năm 2022, châu Âu ghi nhận mùa hè nóng nhất trong lịch sử với mức nhiệt kỷ lục tại nhiều quốc gia, trong đó có Vương quốc Anh – nơi đầu tiên có nhiệt độ lên tới 40 độ C (104 độ F). Điều kiện thời tiết nóng nực và khô hơn cũng là chất xúc tác gây ra cháy rừng, thiêu rụi nhiều vùng đất tại châu Âu – hơn 600.000 ha đất rừng.
Cháy rừng trên khắp châu Âu vào mùa hè năm 2022 làm dấy lên lo ngại về hậu quả của biến đổi khí hậu.
Năm nay, Triều Tiên đã bắn một số lượng tên lửa kỷ lục về phía bờ biển phía Đông để đáp trả cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn do Hàn Quốc và Mỹ tổ chức. Đỉnh điểm đáng chú ý chứng kiến 23 tên lửa được bắn trong vòng 24 giờ vào ngày 2/11.
Tại Vương quốc Anh, người dân đã nhận tin buồn khi Nữ hoàng tại vị lâu nhất Elizabeth II đã qua đời sau 70 năm trị vì vào ngày 8/9, hưởng thọ 96 tuổi. Khoảng 250.000 người dân đã xếp hàng trong suốt 24 giờ để viếng Nữ hoàng.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II, qua đời ở tuổi 96 vào ngày 8/9, là vị vua tại vị lâu nhất của nước này.
Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, Thái tử Charles lên kế vị, trở thành Nhà Vua Charles III.
Nhiều biến động liên tiếp cũng đã xảy ra trên chính trường Anh năm nay: Ngày 7/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố từ chức.
Đến ngày 20/10, bà Liz Truss, người được được bầu thay thế ông Boris Johnson, cũng từ chức sau 45 ngày tại vị, trở thành thủ tướng cầm quyền ngắn nhất trong lịch sử nước Anh.
Tiếp đó, ngày 25/10, ông Rishi Sunak, 42 tuổi, trở thành người trẻ nhất đảm nhận cương vị thủ tướng Anh trong hơn 200 năm.
2022 cũng là một năm đáng chú ý đối với tỷ phú nổi tiếng Elon Musk khi ông để tuột vị trí người giàu nhất thế giới (do tạp chí Forbes thống kê) về tay doanh nhân người Pháp Bernard Arnault của “đế chế xa xỉ toàn cầu” LVMH.
Giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX đã thêm Twitter vào danh mục đầu tư trị giá 44 tỷ USD của mình vào tháng 10 và nhanh chóng gây tranh cãi bằng động thái sa thải một nửa số nhân viên và dỡ bỏ lệnh cấm đối với những người đã bị loại khỏi nền tảng này, bao gồm cả cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk hồi tháng 10 chốt thương vụ mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD.
Dấu mốc dân số thế giới đạt 8 tỷ người vào tháng 11 cũng được AFP đề cập trong thống kê về những con số ấn tượng của năm 2022.
Ngày 15/11, bé gái Venice Mabansag, chào đời ở Manila (Philippines), trở thành công dân thứ 8 tỷ của thế giới. Cột mốc dân số này vừa tạo động lực phát triển, nhưng cũng đặt thế giới trước những thách thức về môi trường, hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước.
Thế giới cũng ghi nhận đỉnh cao mới về giá trị nghệ thuật khi bộ sưu tập của cố tỷ phú Paul Allen – người đồng sáng lập hãng phần mềm Microsoft – đã thu về 1,62 tỷ USD từ cuộc đấu giá do Christie’s tổ chức. Bao gồm nhiều tác phẩm nổi tiếng của các danh họa như: Cezanne, Klimt hay Van Gogh…, đây là bộ sưu tập đắt giá nhất trong lịch sử đấu giá trên thế giới.
Nhân vật có sức ảnh hưởng
Thế giới cũng ghi nhận đỉnh cao mới về giá trị nghệ thuật khi bộ sưu tập của cố tỷ phú Paul Allen – người đồng sáng lập hãng phần mềm Microsoft – đã thu về 1,62 tỷ USD từ cuộc đấu giá do Christie’s tổ chức. Bao gồm nhiều tác phẩm nổi tiếng của các danh họa như: Cezanne, Klimt hay Van Gogh…, đây là bộ sưu tập đắt giá nhất trong lịch sử đấu giá trên thế giới.
Marilyn Monroe cũng là một nhân vật gây tiếng vang lớn, với một trong những bức ảnh chân dung của cô do Andy Warhol thực hiện được bán với giá 195 triệu USD, khiến nó trở thành tác phẩm nghệ thuật đắt giá nhất thế kỷ XX.
Khi Rafael Nadal lần thứ 14 vô địch giải quần vợt Pháp Mở rộng, tay vợt người Tây Ban Nha đã nâng kỷ lục về số danh hiệu Grand Slam của chính mình lên con số 22, vượt qua Novak Djokovic (21) và Roger Federer (20). Đó cũng là một năm chia tay với hai trong số những tay vợt vĩ đại nhất của môn thể thao này, đó là Roger Federer và Serena Williams – tay vợt nữ hiện sở hữu 23 danh hiệu Grand Slam.
Tay vợt Rafael Nadal của Tây Ban Nha sở hữu 22 danh hiệu Grand Slam.
Trong lĩnh vực âm nhạc, “Midnights” – album thứ 10 của nữ ca sĩ Taylor Swift, đã tạo nên “cơn sốt” dữ dội đến mức nền tảng nghe nhạc Spotify phải ngừng hoạt động do có quá nhiều người hâm mộ tìm nghe album này trong vòng 1 ngày.
Điều này chưa từng xảy ra với những album khác. Có tới 10 bài hát trong album này lọt vào Top 10 của bảng xếp hạng Billboard Hot 100.
Bích Thảo (Theo AFP)