Việc đi đến quán cà phê vào dịp cuối tuần đã trở thành thói quen thường thấy ở giới trẻ. Tuy vậy, gu thưởng thức của mỗi người không phải nơi nào cũng giống nhau. Bài viết sẽ chỉ ra sự tương đồng cũng như khác biệt trong văn hóa thưởng thức cà phê ở Việt Nam với một quốc gia rất nổi tiếng khác, đó là Hàn Quốc.
Quán cà phê là nơi để tâm sự và làm việc
Sự xuất hiện và đổ bộ của những chuỗi cà phê nước ngoài thượng hạng như Starbucks ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của giới trẻ. Tuy vậy, bất kể là ở Việt Nam hay Hàn Quốc thì quán cà phê vẫn luôn là nơi mọi người tìm đến với nhu cầu gặp gỡ và làm việc.
Ở Hàn Quốc, khi bạn vào một cửa hàng cà phê nào đó, điều này tượng trưng cho việc bạn muốn tách mình ra khỏi sự xô bồ, hỗn độn của cuộc sống nhộn nhịp bên ngoài. Kể cả khi bạn đến cùng với một nhóm người nhất định chứ không phải một mình thì không gian bên trong quán đều có thể được coi không khác gì một cộng đồng nhỏ gồm những người có chung trình độ học vấn cũng như địa vị xã hội, khi tất cả đều tìm đến ly cà phê để giãi bày tâm sự.
Sẽ thật mệt mỏi nếu như không có một tách cà phê sau một ngày bận bịu
Thay vì chỉ là một nơi bán đồ uống giải khát thông thường, những quán cà phê ở Hàn Quốc là nơi để mọi người thư giãn và sống chậm lại sau một ngày làm việc căng thẳng. Không giống như những thức uống có cồn, việc được tận hưởng những tách cà phê nóng hổi giúp con người ta xua tan đi mệt mỏi và suy nghĩ tích cực hơn. Cảm giác thời gian lúc này trôi đi thật chậm rãi, khiến cho không gian yên bình bên trong quán trở thành một thứ vô cùng dễ chịu với đại bộ phận người dân Hàn Quốc.
Khái niệm "giải thoát" trên chính là giá trị cốt lõi làm nên văn hóa thưởng thức cà phê ở xứ sở Kim Chi. Tuy rằng, những chuỗi cửa hàng cà phê nhượng quyền mọc lên như "nấm sau mưa" nhưng yếu tố chính như không gian bài trí vẫn là điểm nhấn rất rõ trong con mắt của những người luôn yêu thích được nhâm nhi thức uống này. Anh Choi Ik Chang, hiện đang làm việc tại chuỗi cửa hàng cà phê nhượng quyền Cafe Libre, chia sẻ: "Chúng tôi hiện có trên 20.000 cửa hàng khắp Hàn Quốc và trong số đó không nơi nào có ít hơn 4 bàn cả. Thị trường cà phê hiện giờ có thể nói là gồm toàn những nơi đi thuê mặt bằng để kinh doanh, ấy vậy mà khách hàng ai ai cũng muốn được dành cả ngày để ngồi ở đó".
Đối với Việt Nam, có thể dễ dàng tìm thấy những bạn trẻ tụ tập tại quán cà phê để học tập hoặc gặp gỡ bạn bè. Hoặc đơn giản chỉ là để có không gian riêng để ngồi suy ngẫm về một việc nào đó. Không giống như người phương Tây khi họ coi cà phê giống như một thức uống giải khát tiện lợi và nhanh gọn, người Việt quan niệm uống cà phê là phải thật từ từ và phải chịu khó bỏ thời gian ra để thưởng thức cái hay, cái thú vị của nó.
Trong tiết trời rét buốt mùa đông, được nhâm nhi một tách cà phê phin đắng và thả mình vào không gian yên tĩnh của buổi sáng đầu đông có lẽ là một thú vui mà bất cứ ai cũng từng mong muốn được tận hưởng. Với họ, một ly cà phê đầu sáng không phải chỉ đơn giản có tác dụng chống buồn ngủ mà quan trọng hơn, nó chính là một nét văn hóa ẩm thực lâu đời: vừa nhấp từng ngụm nhỏ, vừa đọc báo, trò chuyện cùng bạn bè, đàm phán với đối tác, ngồi làm việc một cách tập trung hay đơn giản chỉ là chìm vào suy ngẫm về cuộc sống, con người.
Giới trẻ Việt thích những quán cà phê thương hiệu "sang chảnh", còn người Hàn thì ngược lại
Như đã nói ở trên, sự xuất hiện của các thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới như Starbucks hay Cafe Libre đã làm thay đổi văn hóa thưởng thức cà phê ở cả Hàn Quốc lẫn Việt Nam. Người ta tìm đến Starbucks phần nhiều là muốn được thỏa sức tò mò, được thể hiện bản thân cũng như được trải nghiệm cảm giác "sang chảnh" khi được cầm một cốc cà phê đến từ một thương hiệu lớn và uy tín trên thế giới. Có lẽ, không khó để bắt gặp cảnh những bạn trẻ Việt dành thời gian đến những cửa hàng Starbucks với mặt tiền đẹp chỉ đơn giản là để chụp ảnh check-in trên mạng xã hội, chứ không hẳn vì họ quan tâm đến hương vị cà phê ở đó.
Tuy vậy, điều khác biệt ở chỗ hiện nay những người trẻ ở Hàn Quốc cũng bắt đầu có thói quen sẵn sàng bỏ tiền để mua những cốc cà phê với nhãn mác không quá nổi bật nhưng lại có mức giá phải chăng hơn rất nhiều. Họ không còn muốn phải bỏ thêm chi phí cho những thứ không còn có giá trị độc đáo như cà phê Starbucks nữa.
Hiện tại giá trên thị trường của một cốc cà phê nhượng quyền thương hiệu ở Hàn Quốc trung bình rơi vào khoảng 4.000 won (tương đương 84.000 đồng), điều này khiến nhiều người sẽ có suy nghĩ rằng, việc kinh doanh cà phê vào thời điểm này sẽ trở nên rất thuận lợi, hứa hẹn đem lại lợi nhuận lớn. Tuy vậy, với sức ép cạnh tranh khủng khiếp từ thị trường cũng như chi phí đầu tư thuê địa điểm ngày càng đắt đỏ, không chỉ các quán cà phê nhượng quyền phải chịu chung tình cảnh èo uột về doanh thu mà ngay cả món đồ uống giải khát có phần đắt đỏ này cũng dần bị xa lánh bởi một bộ phận người tiêu dùng.
Starbucks từ lâu đã không còn ở vị thế độc tôn trong lòng những người Hàn yêu café
Anh Choi Ik Chang, nhân viên đang làm việc tại chuỗi cửa hàng cà phê nhượng quyền Cafe Libre, cho rằng: "Khi nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào tình trạng suy thoái như hiện nay, khó có thể nói rằng, người ta không còn hứng thú với việc thưởng thức cà phê nữa. Nhưng có một điều chắc chắn là những cốc cà phê giá bình dân sẽ ngày một được ưu chuộng".
Thống kê của trang Naver cho thấy, 65% người trẻ dưới 20 tuổi khi được hỏi đều quyết định sẽ uống cà phê giá rẻ thay vì mất công lựa chọn Starbucks hay Cafe Libre. Có thể thấy rằng, dần dần xu hướng thưởng thức cà phê ở Hàn đã có sự thay đổi, với sự mọc lên ngày càng nhiều của những quán cà phê nhỏ nhắn nhưng được bài trí một cách sáng tạo, thu hút rất nhiều các cặp đôi, giới yêu thích thời trang cũng như nhân viên công sở đến gặp gỡ trò chuyện.
Những chuỗi cửa hàng nhượng quyền, theo quan điểm của anh Choi, giống như những vì sao tinh tú vậy, vụt sáng trong chốc lát trước khi trở nên lay lắt và lỗi thời với thị trường cà phê Hàn Quốc đang thay đổi từng ngày.
Phụ nữ Hàn Quốc đặc biệt ưa chuộng cà phê
Một điểm đặc biệt khác trong văn hóa thưởng thức cà phê ở Hàn Quốc đó là việc các quán cà phê ở đây đều được thiết kế với thực đơn và cách bài trí chú trọng đến đối tượng khách hàng chủ yếu là nữ, chiếm tỉ lệ 50,05% dân số cả nước theo số liệu thống kê của Statista. Đó là lý do vì sao mà gần như 90% số cửa hàng cafe ở đây thường có không gian khá ấm cúng và thoải mái, thích hợp với sở thích và nhu cầu của phái đẹp (theo khảo sát của Seoul Beats).
Lý do vì sao phụ nữ Hàn Quốc hay được gắn liền với thú vui nhâm nhi cà phê là bởi tính cách thích đi mua sắm và tán gẫu của họ. Sau mỗi chuyến đi shopping mệt mỏi rã rời, việc được ghé vào một quán cà phê gần đó để nghỉ ngơi, trò chuyện trở thành một nhu cầu tất yếu. Và thay vì lựa chọn những thức uống có vị đắng cao như Espresso hay Americano do chúng thường phù hợp với khẩu vị của đàn ông nhiều hơn, phái nữ hoàn toàn có thể thoải mái lựa chọn cho mình 1 cốc latte hay thậm chí là macchiato vị caramel ngon ngọt và dễ uống.
Trong khi việc phái nữ thưởng thức cà phê là một điều hết sức bình thường ở Hàn Quốc thì đối với nam giới nước này, việc rủ bạn bè cùng giới đến một quán cà phê là một điều gì đó khá là gượng ép. Có thể lý do là bởi vì văn hóa thưởng thức cà phê ở xứ sở Kim Chi bị "nữ hóa" đi khá nhiều, khi mà thực khách chủ yếu là phụ nữ và thậm chí cả những cô gái phục vụ bàn cũng xuất hiện nhan nhản. Hình ảnh những anh chàng pha chế đứng sau quầy bar, cặm cụi chế biến từng món đồ uống cho các chị em dần khiến cho cái nhìn của đàn ông Hàn Quốc về các quán cà phê trở nên "gượng gạo" hơn rất nhiều.
Nếu phải bất đắc dĩ đi uống cà phê thì đàn ông Hàn Quốc sẽ lựa chọn xếp lịch hẹn hò với một cô gái nào đó, đây cũng là khi mà khái niệm "coffee date" dần được hình thành. Những cuộc gặp gỡ nam nữ kiểu như trên đóng vai trò quan trọng trong văn hóa xã hội Hàn Quốc, và những ly cà phê đóng vai trò không khác gì "ông mai bà mối", kết nối những trái tim lại gần nhau hơn.
Nguồn: Neon But More, Seoul Beats, Perfect Daily Grind