VinFast, thuộc tập đoàn Vingroup, đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng (IPO) thông quan sàn chứng khoán Nasdaq hồi đầu tháng này.
Buổi lễ xuất khẩu những chiếc xe ô tô điện đầu tiên của VinFast sang Mỹ tại Hải Phòng, có sự tham gia của Đại sứ Mỹ Marc Knapper, hôm 11/25/2022.
Bản cáo bạch mà VinFast nộp cho SEC cho thấy hãng xe Việt Nam có tổng tài sản hơn 4,4 tỷ USD nhưng đang nợ tổng cộng gần 8,8 tỷ USD và có khoản lỗ lũy kết gần 4,7 tỷ USD.
Theo một giám đốc tài chính và chuyên gia kinh tế ở Texas, GS-TS Khương Hữu Lộc, nhận định với VOA, số nợ và lỗ như nêu trên cho thấy sức khỏe của công ty “rất xấu” với hiểm họa về tính thanh khoản “rất lớn.”
Tuy nhiên, bà Thủy, cũng là phó chủ tịch tập đoàn Vingroup, nói trong một cuộc phỏng vấn được các báo mạng chuyên về doanh nghiệp và ô tô ở Việt Nam đăng tải lại hôm 16/12 rằng công ty “hoàn toàn tự tin đủ sức khỏe tài chính để tiến ra thế giới”.
Trong bài phỏng vấn từ cùng một nguồn “Nhịp sống thị trường”, bà Thủy, người hồi tháng 3 tới Mỹ ký kết bản ghi nhớ xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast tại đây với mức đầu tư ban đầu 2 tỷ USD, nói rằng “không phải toàn bộ con số 4,7 tỷ USD là phản ánh đúng số lỗ thực tế của VinFast”.
Lý giải về điều này, bà Thủy cho rằng “sự khác biệt về nguyên tắc hạch toán giữa Mỹ và Việt Nam dẫn đến các kết quả khác nhau.”
Dữ liệu trên bản cáo bạch cho thấy VinFast có khoản lỗ lũy kế 4,862 tỷ USD tính đến ngày 30/9/2022.
Nhưng theo bà Thủy, hầu hết các khoản chi phí này “được tính là khoản đầu tư dài hạn của doanh nghiệp” theo chuẩn kế toán Việt Nam và khi áp dụng chuẩn mực kế toán Mỹ, các khoản này “lại được hạch toán là chi phí ngay khi phát sinh dẫn đến lỗ lũy kế bị đội lên”.
Cũng theo bản cáo bạch, VinFast có khoản nợ hơn 8,732 tỷ USD, trong đó nợ dài hạn là hơn 5,3 tỷ USD và nợ ngắn hạn là hơn 3,4 tỷ USD.
Lý giải về con số này, bà Thủy được báo điện tử Nhịp sống Doanh nghiệp trích lời nói rằng “không phải toàn bộ 8,8 tỷ USD này là nợ”. Theo giải thích của người đứng đầu VinFast, một số khoản phải trả “không mang tính chất nợ” trong khoản phải trả hơn 2 tỷ USD là “một cơ cấu nội bộ cho mục đích tái cấu trúc phục vụ IPO”. Bà Thủy nói rằng, nếu loại bỏ các khoản phải trả không có yếu tố nợ thì “tổng phải trả của VinFast còn lại là 6,1 tỷ USD”.
Bình luận với VOA chỉ ít giờ sau khi xuất hiện các phát biểu của nữ chủ tịch VinFast, GS-TS Khương Hữu Lộc nói rằng việc nêu ra chuẩn kế toán khác nhau của Mỹ và Việt Nam là thiếu thuyết phục vì kế toán Mỹ cũng quy định rõ các hạng mục về đầu tư, khấu hao và tái cơ cấu.
Quy định chặt chẽ của Mỹ về kế toán, kiểm toán buộc các doanh nghiệp phải minh bạch, khó che giấu thông tin, theo ông Lộc.
Bên cạnh đó, cho dù số nợ có giảm xuống 6,1 tỷ USD theo cách lập luận của bà Thủy, sức khỏe tài chính của VinFast vẫn trong tình trạng đáng lo ngại khi tỷ lệ tài sản so với nợ đang ở mức dưới 1:1. Tỷ lệ này có mức lý tưởng là 2:1, GS-TS Lộc lưu ý.
SEC hiện đang xem xét hồ sơ của VinFast về chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Mỹ và sẽ có hồi đáp sau 27-30 ngày.
Trong bài phỏng vấn, cũng được tạp chí mạng Autopro đăng tải, bà Thủy tự tin nói về triển vọng IPO sắp tới của VinFast, một hãng xe tân binh chưa có tên tuổi và sẽ phải cạnh tranh với các hãng xe lớn có tiếng tăm tại thị trường Mỹ. Theo bà Thủy, dù mới chỉ gia nhập thị trường 5 năm nhưng VinFast “đã xây dựng thành công một hãng xe hiện đại, hoàn toàn làm chủ quy trình phát triển sản xuất”.
Hãng xe Việt Nam cũng mới xuất cảng gần 1.000 ô tô điện đầu tiên để giao cho khách hàng tại Mỹ.
Tuy nhiên, trước khi những chiếc xe này được giao cho khách hàng, các báo ở Mỹ đã có những bài viết nhận xét tiêu cực về dòng xe VF8, được cho là sẽ được bán cho khách hàng tại thị trường có độ cạnh tranh cao nhất thế giới.
Bài báo gần đây nhất trên trang chuyên về ô tô ở Mỹ cho rằng VF8 được chế tạo không đến nơi đến chốn, dở dang và có mức giá quá cao, hơn 50.000 USD.
Trang Jalopnik đánh giá rằng ô tô của VinFast “chưa sẵn sàng cho (thị trường) Mỹ” cũng như cho biết 999 chiếc xe mà VinFast xuất sang Mỹ chưa có chứng nhận CARB EO nên chưa thể giao đến tay khách hàng.
Một bài đăng trên trang Jalopnik hôm 14/12/2022 nói VinFast VF8 chưa sẵn sàng cho thị trường Mỹ.
Trước đó, hai bài báo được đăng trên các trang mạng chuyên về ô tô và công nghệ ở Mỹ cũng cho rằng ô tô điện VF8 của VinFast sẽ khó cạnh tranh và khó thuyết phục được khách hàng ở Mỹ.
Nguồn: VOA