Ảnh minh họa
Bác sĩ chuyên khoa cấp II Huỳnh Thanh Hiển hiện là trưởng khoa T3, bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Tính đến nay ông đã có hơn 30 năm làm công việc khám chữa cho các bệnh nhân tâm thần và chứng kiến nhiều câu chuyện xảy ra ở nơi này.
Trong đó, ông nhớ nhất câu chuyện ông Minh bị vợ trói, bảo vệ dân phố đưa đi nhập viện. Chuyện xảy ra đã lâu nhưng đến hôm nay cả ông Hiển và các y bác sĩ ở bệnh viện vẫn không quên. 'Trường hợp này là bài học để chúng tôi làm việc cẩn thận, xem xét cũng như biết cách xử lý tình huống hơn', vị bác sĩ sinh năm 1962 nói.
Bác sĩ chuyên khoa cấp II Huỳnh Thanh Hiển. Ảnh: P.T.
Bác sĩ Hiển kể, ông Minh có tính nghệ sĩ, thích đàn hát, làm thơ. Vợ chồng ông sống và làm việc tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Bà Bích (vợ ông) kinh doanh tự do. Còn ông Minh làm trưởng phòng cho một công ty lớn.
Hồi còn trẻ, vợ chồng họ sống hạnh phúc, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. Khi đến tuổi gần nghỉ hưu họ nộp đơn ra tòa ly hôn. Quá trình tòa thụ lý đơn, ông Minh có người phụ nữ khác. Vì sợ tài sản phải chia cho người tình của chồng, bà Bích tìm cách đưa chồng vào bệnh viện tâm thần ở.
Sau đó, bà Bích thuê người đến trói chồng rồi nhờ người đến nhà đưa ông Minh đi nhập viện. Hai bảo vệ dân phố đến, thấy ông Minh la hét, đập phá đồ đạc trong nhà và có những biểu hiện bất thường nên hợp tác với bà Bích.
Dù có tính bất thường nhưng vì không mắc bệnh đến mức phải nhập viện mà bị cưỡng ép phải nhập viện, ông Minh phản ứng dữ dội làm bác sĩ nhầm lẫn ông bị tình trạng kích động của bệnh lý tâm thần.
Bác sĩ Hiển cho biết, để chẩn đoán một người có bệnh tâm thần hay không thì không phải qua các xét nghiệm, chụp chiếu, mà phải qua thăm khám và cần có thời gian để theo dõi biểu hiện của họ. Có đến 90% người bị tâm thần phân liệt và loạn thần khi đến khám đều không thừa nhận mình đang bị bệnh. Khi khám, thấy người bệnh có nhiều bất thường thì bệnh viện sẽ cho nhập viện để theo dõi.
Lúc khai bệnh để làm hồ sơ nhập viện, bà Bích có yêu cầu bệnh viện là chỉ được để mình bà đóng viện phí, ra vào thăm hỏi chồng và chỉ có bà mới được đón chồng ra viện. Điều này khiến các bác sĩ lưu ý và nghi ngờ có gì đó không bình thường
Sau nửa tháng bị 'giam lỏng' ở nơi mình không muốn, ông Minh bức bối. Một lần được ra sân hóng mát, ông mượn điện thoại của thân nhân một bệnh nhân cùng phòng gọi cho em trai đến đón về.
Sau khi chồng xuất viện, bà Bích vào bệnh viện la lối vì ông Minh về nhà mà bà không được báo, không có sự đồng ý của bà. Bác sĩ Hiển nói: 'Bệnh nhân được xuất viện hay không là do bác sĩ quyết định. Việc đón bệnh nhân về không phụ thuộc vào người đưa bệnh nhân vào viện, chỉ cần có giấy tờ chứng minh thân thuộc là được.
Nếu chúng tôi chấp nhận yêu cầu của người nhà thì bệnh viện này sẽ bị biến thành cái nhà tù. Còn bệnh nhân sẽ thành tù nhân suốt đời. Bà thử đặt trường hợp mình bị người khác ép phải vào khoa tâm thần nằm cả tháng xem thế nào'. Như hiểu ra điều gì đó, bà Bích im lặng ra về.
Vị bác sĩ trưởng khoa T3 cho biết, từ câu chuyện của ông Minh, sau này cả ông và các bác sĩ của bệnh viện đều rất cảnh giác với những yêu cầu như: 'chỉ có tôi mới được đón bệnh nhân về, chỉ có tôi mới được đóng tạm ứng viện phí'.
Bác sĩ Hiển cũng cho biết, hiện nay, chuyện vợ chồng đột nhiên đưa người bạn đời của mình vào bệnh viện tâm thần như câu chuyện của ông Minh không phải hiếm. Nguyên nhân xuất phát tự việc tranh giành tài sản hoặc ngoại tình.
Có trường hợp, hai vợ chồng mới cưới, người vợ bị sang chấn tâm lý và phải nhập viện điều trị. Người chồng đưa vợ vào rồi bỏ đi. Sau đó, anh ta ly hôn rồi lấy vợ khác. Trường hợp khác, chồng đưa vợ vào bệnh viện xong bỏ đi, chuyển chỗ ở, cắt thông tin liên lạc.
'Câu chuyện nào cũng buồn và đau lòng. Bệnh viện chúng tôi phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp họ mới nhận lại. Nhưng sau đó, người bệnh lại tiếp tục bị đưa vào bệnh viện', vị bác sĩ có hơn 30 năm tuổi nghề nói.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Nguồn: Tú Anh/ Vietnamnet.vn