Khi nhắc tới nước Nga, chúng ta thường nghĩ đến hình ảnh một đất nước “bợm nhậu”. Chúng ta nghĩ về những Ivan, Dima, Vova hay Misha túm năm tụ ba với nhau và tu vodka như nước lọc.

Chúng ta nghĩ đến những anh thanh niên mặc bộ đồ Adidas, nghe hardbass, đội mũ ushanka, tay cầm chai vodka nhảy múa. Đúng vậy, đó đều là những hình ảnh hài hước vui nhộn mà người nước ngoài hay thấy ở Nga.

1 Vodka Da Pha Hoai Nuoc Nga Nhu The Nao

Tuy nhiên, đằng sau những tràng cười vui vẻ ấy là một bi kịch khổng lồ của một dân tộc bị rượu bia tàn phá trong hơn 4 thế kỉ, mà hậu quả của nó đến tận ngày hôm nay vẫn khiến các quan chức Điện Kremlin đau đầu. Một bi kịch đã tàn phá các thế hệ người dân Nga, và cũng là lời cảnh báo cho các nền văn minh khác trên thế giới.

Vodka thực ra chưa chắc đã có nguồn gốc từ Nga, các sử gia vẫn chưa kết luận xuất xứ của nó là Nga hay là Ba Lan. Họ chỉ biết rằng nó được du nhập đến Moskva vào khoảng cuối thế kỉ XIV. Vodka cũng chẳng phải một đồ uống đặc biệt: nó không màu, không vị, về cơ bản chỉ là etanol lên men từ tinh bột (ngũ cốc hoặc khoai tây), rất rẻ tiền so với rượu vang Tây Âu hoặc whisky. Và tất nhiên, rượu là thứ có hại cho cơ thể. Tuy thế, nó vẫn giữ một vị trí đặc biệt trong văn hóa nhiều quốc gia Bắc Âu và Đông Âu, như Ba Lan, Ukraine, Belarus, Estonia, Latvia, Litva, Thụy Điển, Na Uy, Iceland, Phần Lan, và tất nhiên, Nga.

Vodka phát triển cùng với lịch sử của nước Nga, vậy nên hiểu về lịch sử Nga sẽ cho ta cái nhìn toàn thể về vodka.

Hãy nhớ rằng, vodka không phải là thức uống truyền thống duy nhất ở Nga. Quốc gia này từ xưa đã có mối liên hệ mật thiết với đồ uống có cồn. Những ghi chép từ nước Nga cổ đại vào khoảng giữa thế kỉ IX và XIV - vốn là liên minh của các bộ tộc người Slav sống dọc bờ sông Dnieper (nay thuộc Ukraine), được gọi là Kievan Rus - nhắc tới chín loại đồ uống phổ biến thời bấy giờ. Chỉ có hai trong số đó là không có cồn, và một trong hai thứ không có cồn đó là… nước. Thậm chí còn có cả câu chuyện về Đại Vương công Vladimir Sviatoslavich - người cai trị Kievan Rus từ năm 980 đến 1015 - khi lựa chọn quốc giáo cho đất nước của mình, đã chọn Chính Thống Giáo Đông Phương thay vì Hồi Giáo vì đạo Hồi cấm uống rượu và cấm ăn thịt lợn. Kể cả khi các vị chức sắc Hồi Giáo hứa rằng tôn giáo của họ sẽ cho phép Vladimir thỏa mãn thú vui xác thịt (Vladimir rất thích phụ nữ), ông ta vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Chứng tỏ đàn bà vẫn không có sức hút bằng bia rượu, nhỉ?

2 Vodka Da Pha Hoai Nuoc Nga Nhu The Nao

Medovukha là một trong những loại đồ uống có cồn lâu đời nhất ở Nga, làm từ mật ong, yến mạch, đường, nước, và một số loại rau thơm, hoa quả và quả dại. Độ cồn dao động từ 2 đến 12%. Nguồn: Zing News.

Và rồi vodka đến. Chính vì nguyên liệu luôn có sẵn, rẻ tiền và dễ làm nên nông dân sản xuất vodka rất nhiều, và uống vodka như thể đây là một môn thể thao Olympic.

Vodka sớm bám rễ vào đời sống của các dân tộc Nga giống như mối quan hệ của bia với các dân tộc nói tiếng Đức vậy. Vào thế kỉ XV, nước Nga lúc đó vẫn chưa mang dáng dấp của nước Nga hiện tại.

Nó bao gồm nhiều thành bang, công quốc và tiểu vương quốc, trong đó Đại Công quốc Moskva là một thế lực đáng gờm. Ivan IV trỗi dậy trở thành Đại Vương công Moskva, bằng bàn tay sắt ông chinh phạt và sát nhập nhiều thành bang khác tại khu vực Đồng bằng Đông Âu, đặt nền móng cho nước Nga ngày nay. Ivan trở thành vị Sa Hoàng đầu tiên, đồng thời được kẻ thù phong cho cái danh xưng “Ivan Khủng Khiếp” vì sự cường bạo của mình.

Nhận thấy sự phổ biến của vodka trong quần chúng, Ivan Khủng Khiếp quyết định quốc hữu hóa toàn bộ nền sản xuất vodka của vương quốc mình.

Ông cấm toàn bộ hoạt động sản xuất và mua bán vodka của dân, và tuyên bố rằng nhà nước từ nay độc quyền sản xuất thứ đồ uống này. Tất cả vodka là tài sản của triều đình, chỉ có thể được sản xuất bởi triều đình, và chỉ có thể mua từ triều đình. Ông còn cho xây dựng các “quán nhậu” hay “kabak” (tiếng Nga: кабак) do chính quyền kiểm soát. Đây là một nước đi không thể thua được: giờ đây triều đình Sa Hoàng độc quyền sản xuất một món hàng hóa ai-cũng-cần với chi phí rẻ mạt. Hệ thống này thành công đến mức các Sa Hoàng sau đó duy trì cho nó tồn tại suốt bốn thế kỉ, thu về nguồn lợi khổng lồ cho triều đình. Thậm chí vào năm 1648, cứ ba người đàn ông Nga thì một người mắc nợ quán rượu.

3 Vodka Da Pha Hoai Nuoc Nga Nhu The Nao

Nguồn: Wikipedia Commons.

Có câu chuyện vui về việc Peter Đại Đế, trong quá trình xây dựng thành phố cảng Saint Petersburg, hỏi một người thợ giỏi rằng hắn muốn được thưởng gì.

Khi được một vị Hoàng đế hỏi muốn thưởng gì, người ta có thể nghĩ đến đủ thứ: tiền, vàng, đất đai, tước hiệu, phụ nữ,… nhưng gã này là một tên bợm nhậu, cả đời chẳng bao giờ tỉnh táo để nghĩ đến cái gì khác ngoài rượu, nên hắn chỉ xin Peter cho hắn uống rượu miễn phí ở mọi nơi hắn đến. Peter ra thông báo và cho rằng việc này thật đơn giản, ai cũng hiểu và thực hiện được. Nhưng người thợ này lại nói rằng các chủ quán nghĩ hắn bịp bợm và đánh hắn vì không trả tiền.

Peter quyết định đóng vào cổ hắn một con dấu của Sa Hoàng, để người ta nhận ra hắn. Sau này mỗi lần đi uống rượu, hắn búng tay vào con dấu trên cổ để chủ quán hiểu rằng hắn không phải trả tiền. Từ đó về sau “búng tay vào cổ” là ngôn ngữ cơ thể của việc rủ nhau đi nhậu.

Không phải ai ở Nga cũng quá say để nhận ra đây là vấn đề. Đầu thế kỉ XX, các trí thức và học giả Nga nhận ra tác hại của rượu lên xã hội, và họ xin Sa Hoàng Nicholas II cho in một dòng cảnh báo lên các chai rượu (giống như cảnh báo ở trên nhãn bao thuốc lá ngày nay). Họ nhờ đại văn hào Lev Tolstoy viết dòng cảnh báo đó.

“Rượu là thứ thuốc độc, có hại cho cơ thể và tâm hồn. Uống rượu và rủ người khác uống cùng là trọng tội. Điều chế và mua bán thứ chất độc này thậm chí còn là tội nghiêm trọng hơn”.

Lev Tolstoy

Tất nhiên, Sa Hoàng không đồng ý. Vodka chiếm đến gần 40% thu nhập của triều đình Sa Hoàng, dại gì mà để mất một số tiền lớn như thế. Nhưng còn một nguyên nhân khác, sâu xa và đen tối hơn.

Bạn có biết về thí nghiệm “công viên chuột” của nhà tâm lý học Bruce Alexander vào năm 1970 không?

Trước Bruce, đã từng có thí nghiệm về chất gây nghiện trên chuột như sau: cho một con chuột vào lồng với hai bình nước, một bình là nước thường còn một bình là nước pha cocaine, kết quả là con chuột chỉ tập trung vào uống bình có cocaine và chết vì quá liều.

Bruce tái tạo lại thí nghiệm, nhưng lần này con chuột có một cái lồng được trang trí sặc sỡ, ống trượt, và bạn bè để chơi cùng. Không một con chuột nào chết vì quá liều cả, và chúng hiếm khi sử dụng bình chứa cocaine. Một điều tương tự xảy ra với lính Mỹ ở Việt Nam: trong chiến tranh, có đến 20% lính Mỹ dùng heroin, và khi họ trở về nhà thì 95% không sử dụng nữa.

Con chuột chết cũng giống như những người lính Mỹ, bị cô lập trong cái lồng quá lâu và cần đến chất gây nghiện để thoát khỏi sự tuyệt vọng của thực tại. Những người lính bị gửi đến một đất nước xa xôi, nơi rừng thiêng nước độc, chiến đấu trong một cuộc chiến sa lầy, không còn hi vọng thắng, luôn thường trực nguy cơ bị bắn chết bất cứ lúc nào. Trong bối cảnh đó, cả hai tìm đến chất gây nghiện.

Đó chính là bản chất của nghiện ngập: sự tuyệt vọng và khổ sở.

Chính quyền Sa Hoàng tạo ra sự tuyệt vọng, áp bức bóc lột tầng lớp nông nô, thợ thuyền và binh lính. Đời sống của người dân Đế quốc Nga rất cực khổ. Trong khi các nước châu Âu khác tiến tới từ bỏ chế độ phong kiến và thiết lập các thể chế dân chủ với nhân quyền cao hơn (mặc dù chỉ dành cho một số tầng lớp người), thì chế độ phong kiến Sa Hoàng tồn tại đến tận năm 1917, và sự bóc lột của tầng lớp quý tộc lên dân thường là rất khủng khiếp. Người dân, trong cơn tuyệt vọng và phẫn uất, tìm đến rượu như là một thú vui giải sầu giúp họ quên đi cái khổ trước mắt. Triều đình muốn dân chúng “say” thứ chất độc rẻ tiền này, nhằm đảm bảo bọn họ sẽ không thể nào nhận ra sự bi thảm bất hạnh của số phận họ.

Một kẻ say không thể nhận ra mình đang khổ đến mức nào để mà tìm cách thay đổi mọi chuyện. Một kẻ say không thể hô hào những kẻ say khác đứng lên khởi nghĩa, vì bản thân hắn đâu có tỉnh táo mà cũng làm gì có ai tỉnh táo mà nghe hắn. Một kẻ say đánh đập vợ con, và con cái hắn lớn lên cũng lại thành kẻ say. Một kẻ say tiếp tục làm việc đến chết cho cái hệ thống khiến hắn khổ sở, vì cái hệ thống ấy cho hắn được say rượu. Cuối cùng, hắn cả đời là kẻ bị sai khiến, và con cháu hắn cũng vậy.

Đây cũng là mấu chốt của các ngành công nghiệp chất gây nghiện: tìm đến những nơi có sự tuyệt vọng và khổ sở, tuồn hàng hóa của mình vào đó cho người khác tiêu thụ, họ sẽ không thể nào thay đổi tình hình gì khi đang phê thuốc, sự tuyệt vọng và khổ sở cứ thế tiếp tục lặp lại, và cư dân vùng đó dần lệ thuộc vào cái thuốc gây nghiện ấy. Từ chính sách của thực dân Pháp về thuốc phiện và rượu ở Đông Dương cho đến các băng đảng ma túy hiện đại ở Mỹ, tất cả đều hoạt động theo quy luật này. Những khu vực tràn lan sự hiện diện của chất gây nghiện luôn luôn là điểm đen về bạo lực, tội phạm, và sự vô vọng.

“Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 1945.

Nhưng rồi, bản thân Sa Hoàng cũng như nhân dân đều không thể nhắm mắt làm ngơ trước tác hại của vodka lên đất nước của mình. Trước Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, Nicholas II ra lệnh hạn chế rượu ở Đế quốc Nga, kìm hãm kinh doanh rượu tại các nhà hàng nhằm tránh tình trạng binh lính say xỉn. Và rồi khi chế độ Sa Hoàng sụp đổ, và đảng Bolshevik nắm quyền tại Nga, họ tìm cách kiểm soát cơn say bất tận của quần chúng.

Chủ nghĩa Lenin kịch liệt lên án bia rượu.

Trong những năm đầu của Liên Xô, các đảng viên Cộng sản tuyên truyền rầm rộ rằng rượu là công cụ của tầng lớp địa chủ và tư sản để bóc lột nhân dân lao động, cố gắng tiến tới từ bỏ thứ truyền thống tai hại này để vực dậy tinh thần của người dân. Các nhà máy vodka của Sa Hoàng và các quán rượu đều bị đóng cửa.

4 Vodka Da Pha Hoai Nuoc Nga Nhu The Nao

"Nói không với rượu". Nguồn: Pinterest.

Tuy nhiên, đúng với cái tên viết tắt của mình - CCCP/Các Cháu Cứ Phá - người kế nhiệm của Lenin đã phá hủy tất cả nỗ lực của ông trong cuộc chiến chống cồn. Năm 1925, dưới sự chỉ đạo của Joseph Stalin, các cơ sở nấu rượu và hoạt động mua bán do nhà nước quản lý lại mở cửa trở lại, với mục đích tăng doanh thu cho chính quyền trung ương.

Stalin chỉ đơn giản gọi nó là “vodka của nhân dân” để khiến cho nó trông tốt đẹp hơn so với “vodka của Sa Hoàng”. Hệ lụy của nó là trong năm ấy, số lượng người tử vong liên quan tới rượu đã vượt trên mức độ của nước Nga trước Thế Chiến 1, thậm chí ở thủ đô Moskva, con số này cao hơn thời tiền chiến đến 15 lần.

Các nhà máy này được duy trì hoạt động trong suốt quãng thời gian còn lại của Liên Xô, đóng góp không nhỏ cho nhà nước. Trong những năm 70, hoạt động sản xuất và mua bán rượu chiếm đến gần 1/3 doanh thu của chính phủ, và ngày một tăng lên khi tiến tới những năm 80.

Đây chính là thời điểm mà xã hội Liên Xô bắt đầu rơi vào rối loạn: nạn tham nhũng, kinh tế trì trệ, kỉ luật lao động xuống dốc, năng suất kém, nhiều cuộc cải cách bất thành, mâu thuẫn dân tộc dần nhen nhóm, công nghệ kém phát triển, đời sống khó khăn, và cuộc chiến tranh ở Afghanistan thì đang sa lầy. Nhiều người dân Liên Xô ở thế hệ này rất khác so với thế hệ trước, họ không còn nhiệt huyết với những lời hứa của chính quyền về tương lai tươi sáng của chủ nghĩa xã hội, họ chỉ thấy cuộc sống của họ thật nhiều bế tắc và tương lai thật mờ mịt. Không có nhiều thứ để khiến họ cảm thấy có niềm tin vào cuộc sống, thế là họ lại tìm đến vodka để thoát thực.

Như đã nói ở trên, sự tuyệt vọng là thứ nuôi dưỡng cơn nghiện ngập, và ít nơi nào có thể có nhiều sự tuyệt vọng hơn là những năm tháng cuối cùng của Liên bang Xô-viết. Do đó, ít nơi nào trên thế giới lúc bấy giờ tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn như Liên bang Xô-viết. Trong thời kì này, đến cả phụ nữ và trẻ em cũng nghiện rượu, và ở một số thành phố người ta uống trung bình một chai rượu một ngày. Bánh mì và nước uống thậm chí còn đắt hơn vodka.

5 Vodka Da Pha Hoai Nuoc Nga Nhu The Nao

Nguồn: Russian doomer music vol.17 - Youtube.

Trong nỗ lực ngăn chặn quốc nạn, Tổng bí thư Mikhail Gorbachyov cho triển khai những đạo luật hạn chế rượu nghiêm khắc hơn: tuyên truyền chống rượu rầm rộ, phạt rất nặng những người say rượu ngoài đường và quy định giá bán cố định cho vodka. Những đạo luật này đạt được một số thành công nhất định khi lượng tiêu thụ rượu theo đầu người và tội phạm do say rượu đã suy giảm, nhưng lại không được tiến hành tới nơi tới chốn ở nhiều nơi. Ngoài ra nó còn khiến cho hoạt động mua bán rượu tại chợ đen và tự nấu rượu tại nhà tăng cao, thành ra ngộ độc rượu lại trở thành vấn đề nhức nhối. Cuộc cải cách này của Gorbachyov, cũng như các thể loại cải cách khác của ông ta, đã thất bại.

Có một câu đùa thời Xô-viết về chính sách chống rượu của Gorbachyov như thế này: Một anh chàng nọ xếp hàng mua vodka ở Moskva. Hàng người rất dài và anh ta đợi rất lâu rồi vẫn chưa đến lượt. Anh chàng phẫn nộ hét lên: “Chó đẻ! Đã thế ông sẽ đến Kremlin để giết mày, Gorbachyov!” rồi bỏ đi. Một giờ sau, anh ta quay lại quầy rượu, mặt hầm hầm tức tối. Mọi người hỏi anh ta “Thế anh giết được lão ấy chưa?”. Anh chàng làu bàu: “Thôi dẹp đi, người ta xếp hàng ở đấy còn đông hơn”.

Ngày 25/12/1991, 19 giờ 32 phút (giờ Moskva), lá cờ đỏ trên nóc điện Kremlin vĩnh viễn hạ xuống. Người ta nói Gorbachyov sẽ không xuống địa ngục đâu, vì quỷ sứ sợ ông ta sẽ làm địa ngục sụp đổ nốt.

Nước Nga mới thành lập là một mảnh đất rối ren, vị thế quốc tế và sức mạnh quân sự của nó bị hủy hoại. Boris Yeltsin cầm cả đất nước đem bán cho phương Tây và những tay tỉ phú.

Người ta mất sạch lý tưởng và ý chí, chủ nghĩa cộng sản huy hoàng mà họ đấu tranh cả đời vì nó nay chỉ là một mớ lý thuyết vô nghĩa.

Kinh tế tăng trưởng âm liên tục, nạn đói và thiếu lương thực tràn lan. Người ta đi ngoài đường và nhìn lên những tượng đài, công trình khổng lồ thời Xô-viết và tiếc nuối vô hạn một thời vàng son ấy. Trẻ con lớn lên trong tham nhũng và rối loạn, cha mẹ chúng chật vật kiếm ăn qua ngày. Họ thậm chí còn cả một cuộc chiến dai dẳng ở Chechnya. Hãy hỏi bất cứ một người Nga già cả nào đó những năm 90 họ sống như thế nào, bạn sẽ thấy sắc mặt họ tối sầm lại.

6 Vodka Da Pha Hoai Nuoc Nga Nhu The Nao

Tăng trưởng GDP nước Nga hậu Xô-viết (1992 - 2013). Gần như không có tăng trưởng dương dưới thời Boris Yeltsin. Nguồn: trong ảnh.

Và tất nhiên rồi, nơi nào có tuyệt vọng, nơi ấy có chất gây nghiện. Vodka lại trở thành một phần không tách rời của nước Nga. Không một biện pháp nào được chính quyền đưa ra cả, bởi đến Yeltsin còn là một gã bợm nhậu cơ mà. Năm 1993, trung bình một người Nga uống đến 14.5 lít rượu.

Các nhà máy sản xuất rượu ngày xưa giờ được tư hữu hóa và bị các tỉ phú mua lại, tiếp tục điều chế vodka giá rẻ, tiếp tục đầu độc hàng thế hệ người Nga.

7 Vodka Da Pha Hoai Nuoc Nga Nhu The Nao

Boris Yelsin và cơn nghiện rượu. Nguồn: Vietnam Business Insider.

Vladimir Putin lên án hành vi uống rượu mất kiểm soát, và Dmitriy Medvedev từng gọi nạn nghiện rượu của Nga là “thảm họa”. Các đạo luật kiểm soát đồ uống có cồn mới đã được chứng tỏ là tương đối hiệu quả, khi số các ca tử vong liên quan tới ngộ độc rượu vào năm 2017 là khoảng 6.700 ca so với trên 23.000 ca vào năm 2006. Tuy nhiên, hệ lụy của bốn trăm năm nghiện rượu vẫn còn rất sâu sắc trong lòng nước Nga.

Nga hiện nay có tỉ lệ tăng trưởng dân số là âm 0.1, tỉ lệ nam giới nghiện rượu cao nhất thế giới (16.29%), tỉ lệ nam/nữ hiện nay tại Nga là 86 nam/100 nữ, tuổi thọ trung bình nam giới ở Nga thấp hơn nữ giới đến 10 năm, do quá nhiều người đàn ông đã ra đi trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc thời xưa và theo tiếng gọi của “thần cồn” ngày nay.

Trong bối cảnh đại dịch, nhiều người mất việc làm, mất người thân và phải ở nhà quá lâu, tình hình vẫn còn rất tệ khi mà tình trạng lạm dụng rượu bia và bạo lực gia đình tăng lên. Nói không ngoa, vodka đã đóng góp không nhỏ vào những cuộc khủng hoảng về nhân khẩu học mà nước Nga đang và sẽ còn phải gánh chịu.

Đây không chỉ đơn thuần là bài học về lịch sử, mà còn là lời cảnh báo cho tương lai.

Khi một xã hội phụ thuộc quá mức vào chất gây nghiện, thì sẽ không thể phát triển được. Và một xã hội tăm tối không phát triển được nơi con người sống trong cực khổ chính là điều kiện hoàn hảo để nghiện ngập tung hoành. Bốn trăm năm nghiện ngập của nước Nga chính là hồi chuông cảnh báo cho các xã hội hiện đại, cụ thể nhất chính là nước Mỹ hiện nay và vấn đề hợp pháp hóa cần sa.

Khi xã hội Mỹ đánh mất những giá trị cốt lõi của mình và con người mất niềm tin vào nó, cần sa dĩ nhiên sẽ tìm được chỗ đứng cho nó để giúp con người “phê” và quên đi tình trạng chán nản, vô vọng và khủng hoảng niềm tin của mình hiện tại. Nhưng chính cần sa sẽ là thứ khiến tình cảnh tuyệt vọng ấy ngày càng được kéo dài, và việc các giá trị nhân văn của xã hội đang bị hủy hoại sẽ vĩnh viễn bị chôn vùi, bởi chất gây nghiện khiến mọi người say trong ảo giác của mình và quên nó đi. Nước Mỹ sẽ lại dần đi vào vết xe đổ của người Nga.

Do đó, ý nghĩ truyền thống về sự nghiện ngập cho rằng vấn đề cốt lõi của nghiện ngập nằm ở từng cá nhân và cá nhân nên chịu trách nhiệm, là một tư tưởng cần phải thay đổi.

Trái ngược với nghiện ngập không phải là điều độ. Trái ngược với nghiện ngập là xã hội nhân văn. Trách nhiệm không chỉ nằm ở mỗi việc người nghiện phải cai nghiện. Trách nhiệm nằm ở tất cả chúng ta để sự nghiện ngập không thể tồn tại.

Nguồn tham khảo:

https://en.wikipedia.org/wiki/Alcohol_consumption_in_Russia