Trong khi những lùm xùm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam Chi nhánh Thanh Xuân (MSB Thanh Xuân) đang được cơ quan An ninh điều tra, Công an TP. Hà Nội, điều tra làm rõ, có một Giấy Xác nhận thông tin/số dư tài khoản có dấu hiệu lạ.
Giấy xác nhận này được bà N.T.L (người có tài khoản số dư 58,65 tỷ đồng mở tại MSB nhưng sau đó chỉ còn 93.640 đồng) lưu giữ. Bà N.T.L là một trong số những nạn nhân mở tài khoản thanh toán tại MSB và tiền bị “bốc hơi” gần hết.
Theo Giấy Xác nhận thông tin/số dư tài khoản tại MSB mà PV VietNamNet được bà N.T.L cung cấp, có chữ ký của Giám đốc Trung tâm Khách hàng cá nhân Bùi Thị Hoài Anh và được đóng dấu đỏ bởi MSB Thanh Xuân.
Giấy xác nhận ghi ngày 7/10/2023 (trước khi bà Hoài Anh bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của khách hàng gửi tiền) thể hiện thông tin: từ ngày 26/9/2023 đến ngày 5/10/2023 bà N.T.L có tổng cộng 12 giao dịch chuyển tiền vào tài khoản, với số dư lên đến 58,65 tỷ đồng.
Mức lãi suất vượt trần NHNN quy định trong văn bản được cho là do Bùi Thị Hoài Anh ký khi còn làm việc tại MSB Thanh Xuân. Ảnh: NVCC.
Theo văn bản này, các giao dịch gửi tiền vào tài khoản của bà N.T.L đều có thời hạn gửi 4 tuần, lãi suất được 'hào phóng' chi trả là 6%/năm.
Con số này vượt xa so với mức lãi suất khoảng 3,8%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 1 tháng được Ngân hàng MSB niêm yết vào tháng 10/2023 - thời điểm MSB Thanh Xuân cấp Giấy Xác nhận cho khách hàng.
Điều đáng nói, mức lãi suất 6%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 4 tuần được áp dụng thực tế vượt xa so với mức lãi suất trần 4,75%/năm cho tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, tại Quyết định 1123/QĐ-NHNN có hiệu lực từ 19/6/2023 (vẫn còn hiệu lực), NHNN quy định: Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm.
Trao đổi với PV VietNamNet, cán bộ tín dụng một ngân hàng TMCP có trụ sở tại Hà Nội nói: “Thông thường, các ngân hàng không dám công khai thể hiện lãi suất vượt trần trên giấy trắng mực đen như vậy.
Thay vào đó, lãi suất ưu đãi - nếu có - cũng chỉ được chi theo hình thức chi chăm sóc khách hàng, hay còn gọi là chi lãi ngoài. Nhưng chi vượt mức lãi suất trần theo quy định của NHNN là điều hiếm gặp kể từ sau vụ OceanBank giai đoạn 2010-2012”.
Điều này cũng được quy định cụ thể tại Nghị định số 88/2019/NĐ-CP (Nghị định 88) ngày 11/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
Theo Điều 13 của Nghị định 88, TCTD vi phạm quy định về lãi suất huy động vốn, phí cung ứng dịch vụ, kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh có thể bị phạt hành chính số tiền tối đa 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, khoản 4 Điều 13 của nghị định này cũng quy định cụ thể về biện pháp xử lý:
"Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 1 tháng đến 3 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các TCTD chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định về lãi suất huy động vốn;...
Yêu cầu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với các nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài."
Về thông tin khách hàng tố gửi tiền vào MSB Thanh Xuân nhưng bị mất sạch tiền, bà N.T.L cho hay tài khoản của bà được mở nhưng do Ngân hàng MSB quản lý, mục đích để báo cáo số dư cuối ngày và cuối tháng, phục vụ cho việc tính chỉ số giá chứng khoán của MSB. Khách hàng không được quản lý tài khoản trên app điện thoại.
Tiền gửi của khách hàng có kỳ hạn tham gia 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần, 4 tuần. Hết kỳ hạn gửi, khách hàng có nhu cầu rút gốc và lãi hoặc muốn gia hạn thì thông báo cho MSB trước 1 ngày.
Hiện đại diện truyền thông MSB không bình luận về văn bản trên do khách hàng N.T.L, người mất 58 tỷ, cung cấp.
Nguồn: Vietnamnet