Loạt hoa hậu "vạ miệng" sau đăng quang
Những ngày qua, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 - Huỳnh Trần Ý Nhi - trở thành tâm điểm của dân mạng vì có những phát ngôn gây tranh cãi liên quan đến bạn trai, hay quan điểm "các bạn đồng trang lứa dành thời gian để ngủ, uống trà sữa còn tôi đã thi hoa hậu".
Dù người đẹp 21 tuổi đã lên tiếng xin lỗi nhưng hội nhóm "anti" cô trên Facebook vẫn không ngừng tăng số lượng thành viên lên hơn 260.000 người. Dân mạng còn kêu gọi gửi email, yêu cầu Ban Tổ chức cuộc thi xem xét lại danh hiệu của Ý Nhi vì cho rằng cô "không xứng đáng với ngôi vị hoa hậu".
Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi trong buổi giao lưu với độc giả Dân trí sau đăng quang (Ảnh: Hữu Khoa).
Trước Ý Nhi, giới hoa hậu, á hậu Việt Nam cũng từng có một số người đẹp vướng lùm xùm về phát ngôn. Điển hình như trường hợp của Lê Âu Ngân Anh. Thời điểm sau khi đăng quang Hoa hậu Đại dương 2017, người đẹp bị dân mạng chê nhan sắc không xứng làm hoa hậu.
Ngay sau đó, Ngân Anh đã có những chia sẻ gây tranh cãi như: "Tôi tự tin về chiều cao tốt, hình thể đẹp, gương mặt xinh", "Tôi nghĩ sau khi độn mũi rồi tháo ra thì vẫn là mũi tự nhiên", "Tôi đã sửa mũi nhưng môi là tự nhiên"...
Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 Đoàn Thiên Ân cũng vướng nhiều thị phi sau khi đăng quang. Trong đó, chia sẻ của cô về việc giảm cân gây tranh cãi trên mạng xã hội vì không đồng nhất.
Cụ thể, Thiên Ân từng cho biết bản thân giảm 15kg trong khoảng 3-4 tháng trước khi tham gia thi nhan sắc. Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình, Đoàn Thiên Ân lại khẳng định cô giảm số cân này trong vòng 5 tháng. Lần khác, người đẹp cho biết cô giảm 15kg trong vòng... 1 tháng.
Hồi tháng 10/2022, khi tham gia đấu trường quốc tế Miss Grand International, Đoàn Thiên Ân được truyền thông hỏi về cảm xúc khi bị loại và đưa ra phát ngôn: "Tôi không nghĩ mình sẽ rớt khỏi top 10".
Dân mạng cho rằng hoa hậu sinh năm 2000 quá tự tin về bản thân và không nên đưa ra nhận định này bởi các thí sinh trong top 10 Miss Grand International 2022 đều có kỹ năng, nhan sắc nổi bật.
Hoa hậu Tiểu Vy (Ảnh: Facebook nhân vật).
Trường hợp của Tiểu Vy, sau khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2018 và bị "soi" bảng điểm tốt nghiệp dưới trung bình, người đẹp gây tranh cãi vì phát ngôn: "Học là con đường dẫn tới thành công nhưng bên cạnh đó mình cần trau dồi các kỹ năng sống khác nhiều hơn nữa. Tôi nghĩ học không hẳn là con đường duy nhất quyết định thành công của một người".
Dân mạng cho rằng Tiểu Vy đang nhầm lẫn giữa khái niệm "học" và "đại học". Khán giả cũng không đồng tình với người đẹp vì cho rằng ở cương vị hoa hậu, ngoài vẻ đẹp ngoại hình thì học thức, cách ứng xử cũng rất quan trọng.
Cần những người đẹp biết cách... "nói"
Loạt phát ngôn được cho là "vạ miệng" của Ý Nhi và các hoa hậu khiến dân mạng một lần nữa đặt dấu hỏi về chất lượng các cuộc thi nhan sắc. Khán giả cho rằng Việt Nam ngày càng có nhiều cuộc thi hoa hậu, nhưng không phải hoa hậu nào cũng đáp ứng đủ các yêu cầu về tri thức, văn hóa giao tiếp, ứng xử...
Sau khi đăng quang, các hoa hậu sẽ tham gia nhiều buổi giao lưu với truyền thông. Cách trả lời phỏng vấn báo chí sẽ phản ánh khả năng tư duy, ứng biến nhanh nhạy của mỗi người đẹp.
Nhìn ra thế giới, nhiều cuộc thi nhan sắc quốc tế đặt tiêu chí ứng xử lên hàng đầu. Lu Sierra - huấn luyện viên catwalk lâu năm của Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) và là người từng đào tạo nhiều thí sinh cho cuộc thi - khẳng định rằng kỹ năng trả lời phỏng vấn là tiêu chí tiên quyết để tìm ra hoa hậu.
"Mọi người cho rằng nói nhiều là tốt nhưng quan trọng là phải thông minh. Xin nhắc lại, kỹ năng thuyết trình và phỏng vấn là quan trọng nhất. Người đăng quang phải có khả năng thuyết trình, nói trước đám đông và lan tỏa sức ảnh hưởng đến cộng đồng", bà Sierra từng chia sẻ bên lề cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2022.
Hoa hậu Thùy Tiên được đánh giá cao về kỹ năng giao tiếp (Ảnh: Hải Long).
Tại Việt Nam, vẫn có một số hoa hậu được đánh giá cao về khả năng giao tiếp, điển hình như Nguyễn Thúc Thùy Tiên.
Thí dụ, cùng được hỏi về chủ đề "kiều nữ và đại gia", Ý Nhi gây tranh cãi khi cho rằng đây là tình huống "gió tầng nào gặp mây tầng đó". Trong khi đó, Thùy Tiên từng có câu trả lời được nhận xét là thông minh hơn.
Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 nói: "Đôi khi hoa hậu không lấy chồng đại gia nhưng mọi người mặc định họ lấy chồng giàu. Tôi nghĩ nhiều người đẹp có bạn đời bình thường thôi, có sự nghiệp thành đạt, nhưng khi lên báo lại bị gán thành "lấy đại gia". Với tôi, cuộc sống sau khi kết hôn như thế nào mới là điều quan trọng nhất".
Hoa hậu cần thời gian... thích nghi
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng những trường hợp như Hoa hậu Ý Nhi không phải chuyện hiếm gặp và rất dễ xảy ra với người khác trong tương lai.
"Hoa hậu thường có 3 yếu tố dẫn đến tình huống "vạ miệng". Một là họ thích phát ngôn. Hai, họ đang là tâm điểm truyền thông. Ba là họ thiếu kỹ năng giao tiếp với truyền thông, bao gồm cả truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội", ông Long nói.
"Các bạn ấy còn trẻ, trong khi việc ứng xử với truyền thông, trả lời phỏng vấn là việc phức tạp. Đừng nói 21 hay 22 tuổi, mà ngay cả những người 50, 60 tuổi cũng có thể "vạ miệng". Chúng ta phải hiểu đây là việc bình thường, càng trả lời phỏng vấn càng dễ... nói hớ", chuyên gia trao đổi với phóng viên Dân trí.
Top 3 Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 thực hiện nhiều buổi giao lưu truyền thông sau đăng quang (Ảnh: Hữu Khoa).
Ông Long cũng nói thêm rằng Hoa hậu Ý Nhi là người đẹp có học thức (đạt học sinh giỏi nhiều năm như hoa hậu đã chia sẻ), nên cô khá tự tin khi trả lời truyền thông. "Tuy nhiên, việc hoạt ngôn khi chưa là hoa hậu với việc hoạt ngôn khi đã là hoa hậu có khoảng cách rất lớn", ông Long nhấn mạnh.
Ở góc độ tâm lý, Thạc sĩ Đặng Hoàng An - giảng viên khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TPHCM - cho rằng sau những cuộc thi hoa hậu, người đăng quang cần thời gian để thích nghi.
"Giai đoạn đầu bước ra từ cuộc thi, các hoa hậu sẽ nhận về khá nhiều câu hỏi quan tâm từ báo giới, truyền thông. Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng đủ sự bản lĩnh, kỹ năng đối ứng với vô vàn câu hỏi đó.
Thậm chí có những câu hỏi khó, cần độ xử lý thông tin nhanh chóng nhưng kỹ năng từ chối của các bạn kém. Chưa kể, có bạn lần đầu làm quen với những điều mới lạ này nên sự lúng túng, thiếu sót hay "lỡ miệng" là điều khó tránh khỏi.
Phân tích ở góc độ tâm lý, dù bản thân họ có sự "đổi chất" đến đâu nhưng về cơ bản, những kiến thức, kỹ năng hay nhân sinh quan cũng sẽ chỉ di chuyển ở ngưỡng nhất định", thạc sĩ Đặng Hoàng An nói với phóng viên Dân trí.
Ý Nhi trong phần thi ứng xử đêm chung kết Hoa hậu Thế giới Việt Nam (Ảnh: Ban Tổ chức).
Hoa hậu "vạ miệng", xử lý thế nào?
Đề cập về cách xử lý khủng hoảng truyền thông cho Ý Nhi và những người đẹp nếu gặp tình huống tương tự, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho biết các hoa hậu cần được rèn luyện, học hỏi về cách ứng xử.
"Công ty quản lý cần mời thầy cô dạy ứng xử, giao tiếp với truyền thông, xử lý khủng hoảng cho hoa hậu. Bên cạnh đó, nói ít lại sẽ có lợi cho mình.
Khi đang là tâm điểm tranh cãi, các bạn ấy có thể có nhiều cách khác mà không cần phải xuất hiện trực tiếp trên truyền thông. Thí dụ có thể đăng một số ảnh đời thường, hoạt động cộng đồng, đưa những trích dẫn, nhận xét của người khác về mình.
Lúc này, Ý Nhi chỉ nên tập trung làm tốt công việc của cô ấy. Nếu cần phải lên tiếng, thì hãy ủy quyền cho đại diện truyền thông phát ngôn", chuyên gia Nguyễn Ngọc Long gợi ý.
Chuyên gia nói thêm: "Đồng ý rằng nếu Ý Nhi xuất hiện trực tiếp thì sẽ hay hơn, nhưng với tình huống cụ thể hiện giờ, thì điều đó là nguy hiểm.
Trong một số trường hợp, truyền thông muốn câu trả lời trực tiếp từ hoa hậu, thì hãy đổi kênh "nói miệng" qua chat, qua email... Khi trả lời phỏng vấn qua email, chúng ta có ê-kíp và những người kinh nghiệm hơn giúp chau chuốt lại câu từ".
Về hội nhóm "anti" Ý Nhi đang bùng nổ số lượng thành viên trên mạng xã hội, ông Long nhận định không cần can thiệp trực tiếp: "Đừng tìm cách giải quyết. Tránh tuyệt đối việc nhờ công an tới dằn mặt họ như Hương Giang đã làm, đừng dọa kiện giống Trấn Thành đã làm. Hãy chỉnh đốn hành động, lời nói của bản thân".
Chuyên gia khuyên nên "ngó lơ" các hội nhóm "anti" trên mạng xã hội (Ảnh: Chụp màn hình).
Đối với Thạc sĩ Đặng Hoàng An, ông cho rằng qua sự việc của Hoa hậu Ý Nhi, giới trẻ cần nhận thức được tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp.
"Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các bạn trẻ cần tuân thủ những quy tắc cơ bản về văn hóa ứng xử trong trường học. Đây được xem là những nền tảng ban đầu, làm tiền đề cho sự phát triển nhân cách về sau.
Trong mọi hoàn cảnh, giới trẻ cần bình tĩnh, phát ngôn cẩn thận, tránh để cảm xúc chi phối. Đồng thời cần tăng cường tư duy phản biện, tập thói quen nhìn vấn đề ứng xử ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Các bạn trẻ có thể học hỏi cách ứng xử tinh tế, khéo léo từ xung quanh, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm từ những thiếu sót của người khác", thạc sĩ trao đổi.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí