Các nhà khoa học kinh ngạc khi phát hiện ra những rung chấn bí ẩn trên bề mặt Mặt trăng, và họ càng bất ngờ hơn khi biết nguyên nhân.
Module đổ bộ của tàu Apollo 17 - Ảnh: Public Domain/NASA/Harrison Schmitt
Nhiều năm, cứ đều đặn mỗi sáng, vào giờ nắng lên trên Mặt trăng, các nhà nghiên cứu từ NASA và Viện Công nghệ California (Caltech) lại ghi nhận được những rung chấn bí ẩn từ "chị Hằng".
Những rung chấn này do máy đo địa chấn mà tàu Apollo 17 đặt trên Mặt trăng ghi lại được và truyền về NASA. Điều gây chú ý là trước khi module đổ bộ của tàu vũ trụ Apollo 17 hạ cánh xuống Mặt trăng, Viện Caltech và NASA chưa hề ghi nhận hiện tượng lạ này.
Phân tích dữ liệu thu thập được, các nhà nghiên cứu phát hiện ra một số rung chấn xuất hiện ngay tại khu vực đặt module đổ bộ của tàu Apollo 17, bị bỏ lại trên bề mặt Mặt trăng 51 năm trước.
Một phần mục tiêu của các sứ mệnh Apollo - đưa con người đầu tiên lên Mặt trăng và diễn ra từ năm 1961 đến năm 1972 - là thu thập thông tin về hoạt động rung chấn của Mặt trăng. Do đó các phi hành gia đã đặt máy dò rung chấn trên Mặt trăng.
Năm 1977, thiết bị đo lường rung chấn của sứ mệnh Apollo đã ngừng hoạt động, nhưng các nhà khoa học vẫn tiếp tục phân tích các dữ liệu thu thập được.
Nhờ vậy, lần đầu tiên họ hiểu được rung chấn trên Mặt trăng đến từ một trong ba yếu tố: sao băng chạm vào bề mặt; lực hấp dẫn của Trái đất; hoặc bề mặt của Mặt trăng bị nung nóng dưới ánh nắng gay gắt ban ngày.
Nhưng trong nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học ghi nhận các rung chấn lạ không liên quan gì đến ba nguyên nhân trên.
“Chúng tôi phát hiện ra các rung chấn trên Mặt trăng không phải do các quá trình kiến tạo tự nhiên, mà là những xung động sản sinh từ module đổ bộ của tàu Apollo 17 trên Mặt trăng, do các phi hành gia bỏ lại năm 1972”, ông Allen Husker - giáo sư địa vật lý, đồng tác giả của nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí JGR Planets đầu tháng 9 - cho biết.
Thật vậy, khi rời Mặt trăng, các phi hành gia đã để lại module đổ bộ 4. Theo nhóm nghiên cứu, những mảnh kim loại của module đổ bộ này chính là nguyên nhân gây ra những "rung chấn bí ẩn", vì khi nắng Mặt trời chiếu vào, nó nóng rực lên và phát ra tiếng kêu cót két khi nhiệt độ dao động từ +121 độ C (sáng) đến -97 độ C (chiều).
Thông tin quan trọng cho các sứ mệnh lên Mặt trăng
Theo thông cáo báo chí của CalTech, dữ liệu của nghiên cứu trên cung cấp thông tin hiếm hoi về những gì sẽ xảy ra với một con tàu vũ trụ bị phơi nắng lâu ngày trên Mặt trăng.
Nó cũng cung cấp thông tin quan trọng cho các sứ mệnh lên Mặt trăng sắp tới. Bởi trong một thời gian rất dài, các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với thiết bị không gian nếu nó được để lại dài hạn trên Mặt trăng.
NASA đang hướng tới việc quay trở lại Mặt trăng lần đầu tiên sau 50 năm, và lần này họ muốn các phi hành gia ở lại đó trong một khoảng thời gian dài hơn. Họ cũng nhắm tới cực Nam, nơi không bao giờ nhìn thấy Mặt trời.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online