Trong lịch sử phát triển, thành phố New York của Mỹ lần lượt áp dụng ít nhất 3 biện pháp để phòng cháy hoặc ít nhất để giảm thiệt hại về người.
Thang thoát hiểm hỏa hoạn ngoài trời dường như đã trở thành hình ảnh quen thuộc và biểu tượng của thành phố New York (Ảnh: Paul Hakimata Photography).
Với số dân và mật độ dân cao nhất nước Mỹ, thành phố New York đã phát triển theo chiều dọc để cố đảm bảo chỗ ở cho hơn 8 triệu người (theo số liệu gần nhất năm 2020), với ước tính tới hàng nghìn tòa căn hộ chung cư các loại.
Trong lịch sử của mình, nhà chức trách New York đã ban hành quy định yêu cầu quản lý của các tòa nhà phải áp dụng một số biện pháp ngăn ngừa hỏa hoạn và giảm thiểu thiệt hại về người. 3 biện pháp trong số đó gồm quy định về thang thoát hiểm ngoài trời, hệ thống phun nước chữa cháy tự động và cửa tự động đóng.
Thang thoát hiểm ngoài trời
Những dãy cầu thang thoát hiểm lắp bên ngoài chung cư ở New York, vốn đã trở thành hình ảnh biểu tượng của thành phố, có thể giúp người trong nhà an toàn xuống đất trong trường hợp có cháy. Ngày thường, thang xuống mặt đất sẽ được kéo lên để tránh trộm cắp hoặc phá hoại, khi thoát hiểm sẽ được hạ xuống.
Lịch sử thang thoát hiểm ngoài trời có thể được truy gốc về giữa thế kỷ 19, thời điểm New York phải đón dòng người lũ lượt tới thành phố kiếm sống, theo Atlantic. Những tòa nhà cao tầng được thi công giá rẻ đua nhau mọc lên để có chỗ ở cho lượng lớn công nhân nhà máy. Nhưng chúng cũng là cái bẫy chết người do được xây từ vật liệu rẻ mạt, dễ cháy.
Số lượng người chết do hỏa hoạn ngày càng tăng khiến nhà chức trách phải can thiệp. Những quy định đầu tiên được ban hành vào đầu thập niên 1860, yêu cầu các tòa nhà có hơn 8 gia đình sống bên trên tầng một phải xây thêm một lối thoát.
Do không muốn xây thang chống cháy bên trong để tối đa hóa diện tích cho thuê, chủ nhà thường mở lối thoát cho dân cư qua cửa sổ. Các lối thoát này cũng rất sáng tạo vì trong luật không quy định rõ, có thể là cầu thang ngoài trời hoặc hệ thống ròng rọc gắn những chiếc rổ.
Thang thoát hiểm bên ngoài trở nên phổ biến sau khi vào năm 1901, New York điều chỉnh luật theo hướng cụ thể hơn. "Lối thoát hiểm" phải là dãy cầu thang bổ sung ở trong hoặc ngoài tòa nhà, có khả năng chống cháy. Nếu ở ngoài, chúng phải được lắp ở mặt tiền hướng ra phố. Kích cỡ ban công và độ dốc cầu thang cũng được quy định chặt.
Một lối thoát hiểm bên ngoài ở Nam Bronx (Ảnh: New York Times).
Tuy nhiên, theo New York Times, ngay từ ban đầu, chuyên gia cứu hỏa đã hoài nghi độ hữu dụng của thang thoát hiểm ngoài trời. Hiệp hội Phòng cháy Quốc gia (NFPA) vào năm 1914 từng lưu ý, dạng thang này thường khó với, được thiết kế kém và bảo trì kém; thiếu thang dẫn từ mặt đất lên tầng 2; và thường bị cư dân chiếm dụng (như phơi nệm và giữ lạnh đồ dễ hỏng).
NFPA là tổ chức phi lợi nhuận quốc tế có trụ sở ở Mỹ tập trung giúp phòng tránh tử vong, thương tích, thiệt hại kinh tế do hỏa hoạn, điện và các mối nguy hiểm liên quan.
Bộ quy định xây dựng năm 1968 của thành phố New York không còn cho phép xây thang thoát hiểm ngoài trời trong các tòa nhà mới. Các tòa nhà hiện đại được trang bị hệ thống phun nước chữa cháy tự động và cầu thang bên trong.
Đối với các lối thoát hiểm ngoài trời còn sót lại, bộ quy định thành phố yêu cầu chủ sở hữu tòa nhà phải bảo trì hiệu quả và cấm cư dân chiếm dụng chúng làm nơi để xe đạp, cây cối hoặc bất cứ thứ gì khác.
Hệ thống phun nước chữa cháy tự động
Như tên gọi, hệ thống phun nước chữa cháy tự động (FSS) có tác dụng tự động ngăn chặn đám cháy phát triển và lan rộng bằng cách xả nước qua một loạt đầu phun. Nước sẽ phóng ra khi không khí xung quanh đạt tới gần 74 độ C (165 độ F).
Theo Viện Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp của Mỹ, phương pháp bảo vệ chủ động này có thể góp phần đảm bảo an toàn không những cho cả dân cư mà cả lính cứu hỏa khi xảy ra cháy.
Một số nghiên cứu cho thấy FSS thật sự có hiệu quả. Theo báo cáo năm 2021 của NFPA đối với giai đoạn 2015-2019, tỷ lệ người dân bị chết hoặc thương tích trong những vụ cháy nhà có lắp FSS lần lượt thấp hơn 89% và 27% so với các vụ cháy nhà không lắp FSS. Tỷ lệ thương tích của lính cứu hỏa trong mỗi vụ cháy cũng thấp hơn 60%.
Hệ thống phun nước chữa cháy tự động có tác dụng ngăn chặn đám cháy phát triển và lan rộng. Nước sẽ phóng ra khi không khí xung quanh đạt tới gần 74 độ C (Ảnh: Shutgun).
FSS đã hoạt động trong 95% số vụ cháy nhà có lắp đặt hệ thống và có độ nghiêm trọng đủ điều kiện kích hoạt vòi phun. Và trong số những vụ cháy ấy, FSS cũng kiểm soát đám cháy hiệu quả với tỷ lệ 97%.
Kết hợp lại, các vòi phun nước đã hoạt động hiệu quả trong 92% các đám cháy đủ điều kiện kích hoạt FSS. Lý do phổ biến nhất khiến FSS không hoạt động là việc hệ thống bị tắt đi trước khi xảy ra cháy.
Quy tắc chung của thành phố New York yêu cầu toàn bộ nhà dân cư phải lắp đặt vòi phun nước chữa cháy tự động, nhưng có 3 trường hợp ngoại lệ (gồm nhà ở tách biệt cho một hộ gia đình, nhà ở tách biệt cho 2 hộ gia đình, hoặc nhà ở có nhiều hộ gia đình tách biệt) với điều kiện những kiến trúc này cao không quá 3 tầng và mỗi đơn nguyên nhà ở có lối thoát riêng rẽ.
Tuy nhiên, mọi tòa nhà có chứa chỗ ngủ cho trẻ em phải được bảo vệ toàn diện bởi hệ thống báo cháy hoặc hệ thống phun nước tự động.
Cửa tự đóng
Một biện pháp nữa trong lĩnh vực an toàn phòng cháy chữa cháy mà thành phố New York đã áp dụng là quy định về cửa tự động đóng tại chung cư.
Việc lắp đặt cửa tự động đóng được cho là có thể ngăn cản hoặc làm chậm tốc độ ngọn lửa lan rộng từ một căn phòng ra cả tòa nhà. Cửa tự động đóng cũng giúp phòng tránh khói - nguyên nhân khiến nhiều nạn nhân chết ngạt trong hỏa hoạn - lan sang các lối thoát hiểm, trong trường hợp một số người không khép kín cửa khi khẩn cấp sơ tán.
Vụ cháy vào tháng 1/2022 tại quận Bronx cướp đi sinh mạng của 17 người dân sống tại chung cư, đánh dấu trận hỏa hoạn chết chóc nhất tại New York tính tới thời điểm ấy trong hơn 3 thập kỷ. Hầu hết nạn nhân chết vì ngạt khói sau khi máy sưởi tại căn hộ tầng 2 bị chập điện gây cháy và cánh cửa căn hộ này không tự động đóng do trục trặc (Ảnh: New York Post).
Thành phố New York có quy định yêu cầu các tòa nhà dân cư có từ 3 căn hộ trở lên phải lắp cơ chế tự động đóng đối với các cửa dẫn ra hành lang và cầu thang trong tòa nhà có nhiều đơn nguyên (bao gồm cửa căn hộ và cửa ra ngoài tòa nhà).
Tất cả cửa tự đóng phải được chủ nhà bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ. Hành lang và cửa thoát hiểm cũng phải tự động đóng và có biển báo nhắc nhở người dân khép cửa. Dân cư được khuyến khích thông báo với chủ nhà khi bắt gặp trục trặc.
Quy định cửa tự động đóng tại thành phố New York được thông qua vào năm 2018, sau khi xảy ra một loạt vụ cháy chết người. Cuối năm 2017, 12 người thiệt mạng tại quận Bronx vì một đứa trẻ 3 tuổi nghịch bếp gây hỏa hoạn và gia đình em bé không đóng cửa căn hộ khi sơ tán, khiến ngọn lửa lan ra cả tòa nhà.
Nhưng kể cả khi đã có quy định về cửa tự động đóng, thảm kịch đôi lúc vẫn xảy ra. Tháng 1/2022, một vụ cháy khác cũng tại quận Bronx đã cướp đi sinh mạng của 17 người dân sống tại chung cư trong hoàn cảnh tương tự cuối năm 2017, đánh dấu trận hỏa hoạn chết chóc nhất tại New York trong hơn 3 thập kỷ.
Hầu hết nạn nhân chết vì ngạt khói sau khi máy sưởi tại căn hộ tầng 2 bị chập điện gây cháy và cánh cửa căn hộ này không tự động đóng do trục trặc. Tồi tệ hơn, một cánh cửa tự đóng ở cầu thang tầng 15 cũng bị để mở, khiến khói càng lan mạnh.
Sau vụ cháy, New York đã tăng cường rà soát và thanh tra cửa tự động đóng tại các tòa nhà có vấn đề.
Theo New York Times, Atlantic, New York Daily News, AP
Nguồn: Báo điện tử Dân trí