Từ lâu, quảng trường Thời đại, ở thành phố New York, Mỹ đã được mệnh danh là "nơi đón năm mới tuyệt vời nhất thế giới".
Vào đêm giao thừa, thường có hơn một triệu người cùng tập trung trên quảng trường trứ danh của thành phố "trái táo lớn". Tất cả cùng chờ đợi giây phút đếm ngược, cùng chiêm ngưỡng quả cầu pha lê ánh sáng từ từ hạ xuống trong 60 giây trước khi năm mới đến.
Quả cầu pha lê sẽ được hạ từ độ cao 43 mét của tòa nhà 25 tầng - One Times Square. Quả cầu sẽ chạm đất ở vào giờ khắc cuối cùng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Hơn một triệu người có mặt trên quảng trường từ nhiều tiếng đồng hồ trước thời khắc giao thừa đến. Tất cả cùng háo hức đón chờ giây phút chuyển giao thiêng liêng ấy.
Lễ đón giao thừa trên quảng trường Thời đại mỗi năm đều được các kênh truyền hình của Mỹ truyền đi khắp thế giới và được hàng triệu người theo dõi.
Lý do khiến quảng trường Thời đại trở thành nơi tuyệt vời nhất để đón năm mới, là bởi không khí náo nức, đám đông khổng lồ, cách tổ chức ấn tượng. Đặc biệt, hình ảnh quả cầu pha lê ánh sáng trong phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đã trở thành biểu tượng của lễ đón giao thừa trên quảng trường Thời đại.
Dòng người đổ về quảng trường Thời đại (Ảnh: Daily Mail).
Trong vòng hơn hai thập kỷ trở lại đây, việc thắt chặt an ninh vào mỗi dịp diễn ra lễ hạ cầu luôn được quan tâm sát sao. Mỗi năm, luôn có vài nghìn cảnh sát được huy động cùng với những lực lượng đặc nhiệm, để đảm bảo tất cả người dân có mặt trên quảng trường có thể yên tâm đón năm mới.
Năm nay, thị trưởng thành phố New York - ông Eric Adams là người nhấn nút hạ quả cầu ở phút giao thừa đếm ngược.
Lý do khiến quảng trường Thời đại trở thành nơi tuyệt vời nhất để đón năm mới, là bởi không khí náo nức, đám đông khổng lồ, cách tổ chức ấn tượng (Ảnh: Daily Mail).
Ca sĩ Chelsea Cutler là nghệ sĩ hát chính trong sự kiện năm nay. Cô thể hiện một số ca khúc gắn liền với sự nghiệp ca hát của mình, trước khi thể hiện ca khúc "Imagine" ở ngay trước thời điểm giao thừa. Việc thể hiện ca khúc "Imagine" của huyền thoại âm nhạc John Lennon đã trở thành một chi tiết có tính truyền thống trong các sự kiện đón giao thừa trên quảng trường Thời đại.
Những nghệ sĩ khác tham gia biểu diễn có thể kể tới JVKE, Jax, Ava Max, J-Hope, Osmani Garcia, New Edition, Sech và Duran Duran.
Các du khách đều lựa chọn các trang phục nổi bật, hòa vào dòng người đông đúc đón chào năm mới (Ảnh: Daily Mail).
Chi phí tiệc tùng đón năm mới ở quảng trường Thời đại
Theo tờ tin tức New York Post (Mỹ), năm nay, những người muốn đón năm mới ở các nhà hàng, quán bar có góc nhìn đẹp trông xuống quảng trường Thời đại đều cảm thấy khó đặt chỗ hơn. Số lượng nhà hàng hoạt động quanh khu vực quảng trường Thời đại đã sụt giảm về số lượng, giảm đi 55 nhà hàng so với thời điểm năm 2019, thời điểm khi người dân New York chưa biết tới đại dịch Covid-19.
Những nhà hàng, quán bar hoạt động quanh quảng trường Thời đại đã sớm có khách đặt kín bàn. Năm nay, chi phí đặt bàn cho thời khắc đón giao thừa tại một số nhà hàng cao cấp lên tới 5.500 USD (gần 130 triệu đồng).
Du khách thích thú chụp ảnh trong khoảnh khắc chuyển giao năm mới (Ảnh: Daily Mail).
Ở những nhà hàng tầm trung, mức phí dao động trong khoảng từ 600 - 1.000 USD/người (tương đương từ 14 triệu đồng tới gần 24 triệu đồng). Dù vậy, các quán đều cho biết năm nay tốc độ đặt bàn diễn ra rất nhanh. Trước ngày cuối năm, hầu như các nhà hàng quanh quảng trường Thời đại đều ghi nhận hiện tượng kín bàn.
Với mức chi phí đặt bàn này, thực khách sẽ được phục vụ đồ ăn, thức uống, được nghe nhạc "sống". Chi phí đặt bàn càng cao thì góc nhìn xuống quảng trường để theo dõi lễ hạ quả cầu càng đẹp.
Quả cầu pha lê được chuẩn bị sẵn sàng trước lễ đón giao thừa (Ảnh: Daily Mail).
Lễ hạ quả cầu pha lê trong đêm giao thừa trên quảng trường Thời đại ở thành phố New York (Mỹ) đã có truyền thống từ hơn 100 năm nay.
Nghi thức này lần đầu được thực hiện vào năm 1904, với mục đích nâng cao tầm vóc cho trụ sở mới của tờ tin tức New York Times. Khi ấy, tờ báo lâu đời này vừa tìm được một vị trí "đắc địa" để "an cư", văn phòng của họ đặt trong tòa nhà One Times Square ngày nay.
Muốn trụ sở mới của báo thu hút sự chú ý hơn, chủ bút của tờ New York Times lúc bấy giờ - ông Adolph Ochs - cho rằng thời điểm Giao thừa chính là lúc lý tưởng nhất để tiệc tùng "tân gia" cho trụ sở của tòa soạn.
Vậy là 200.000 người đã được mời tới trước tòa nhà One Times Square - nơi có trụ sở tòa báo, để cùng tiệc tùng nguyên một ngày cuối năm trên đường phố của quảng trường Thời đại. Sự kiện kết thúc với màn bắn pháo hoa khi năm mới đến. Lúc này, quả cầu ánh sáng vẫn còn chưa xuất hiện.
Quả cầu trên quảng trường Thời đại lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1907. Khi đó, chủ bút của tờ New York Times - ông Adolph Ochs - muốn sự kiện đón giao thừa thường niên của báo thêm phần rực rỡ, ngoạn mục, nên ông đã yêu cầu kỹ sư điện và chuyên gia thiết kế của báo cùng hợp tác.
Lấy cảm hứng từ truyền thống hạ quả cầu thường được tiến hành ngoài bến cảng để đánh dấu thời khắc giữa trưa, giúp cho các tàu thuyền cập cảng ở Mỹ thay đổi giờ trên đồng hồ cho khớp với thời gian bản địa, người ta đã nghĩ ra lễ hạ quả cầu đón năm mới.
Truyền thống này được tiến hành đều đặn hàng năm, bắt đầu từ năm 1907. Cho tới hôm nay, vào thời khắc giao thừa, hơn một triệu người vẫn cùng hân hoan đếm ngược, theo dõi quả cầu pha lê hạ xuống từ nóc tòa nhà từng có trụ sở của tờ New York Times. Thực tế, cái tên "Times Square" (Quảng trường Thời đại) cũng được sinh ra từ đây.
Lễ đón năm mới trên quảng trường Thời đại (Video: ABC 7).
Theo Daily Mail/New York Post