Kỳ bí phong thủy Dinh Độc Lập: Thế đất hung hiểm, sát chủ?

Dân chúng Sài Gòn đồn rằng Dinh nằm trên mảnh đất rất hung hiểm cho nên hầu hết những chính khách ở trong Dinh chẳng ai có sự nghiệp lâu dài, bền vững.

Đất hãm sát chủ

Dinh Độc Lập được xây dựng từ thời Pháp thuộc với tên ban đầu là Palais Norodom. Có ý kiến giải thích rằng tên Norodom là do Dinh nằm ở đầu con đường có tên Boulevard Norodom chứ không có liên quan gì đến ông Norodom Sihanuk là Quốc vương Campuchia.

Đến thời kỳ nước Pháp trao trả nền độc lập giả hiệu cho Bảo Đại thì Dinh này được đổi tên thành Dinh Độc Lập.

1 Ky Bi Phong Thuy Dinh Doc Lap The Dat Hung Hiem Sat Chu

Dinh Độc Lập.

Có lẽ cái Dinh này là một trong số ít những công sở được dân chúng quan tâm bàn tán nhiều nhất. Người ta chú ý đến nó vì có nhiều câu chuyện liên quan đến môn phong thủy.

Cuốn sách Thiệu – Kỳ một thời hãnh tiến một thời suy vong của nhà báo Lý Nhân – một chứng nhân sống dưới chế độ Sài Gòn, cho biết rằng: Dân chúng đồn rằng Dinh nằm trên mảnh đất rất hung hiểm cho nên hầu hết những chính khách ở trong Dinh chẳng ai có sự nghiệp lâu dài, bền vững.

Họ dẫn chứng từ các ông toàn quyền Pháp mà điển hình là ông Ely khi làm cao ủy đóng ở Dinh Norodom thì quân Pháp thua liểng xiểng ở Điện Biên phải rút về nước. Cho đến ông Diệm làm Tổng thống cũng chỉ được 9 năm là bị đảo chính vong mạng.

Hơn thế nữa, ngay trong 9 năm cầm quyền, ông Diệm cũng đã 1 lần suýt chết trong Dinh. Đó là vào ngày 27/2/1962, hai phi công của phe đảo chính đã ném bom vào Dinh làm sập cánh trái của Dinh. Tuy không có tổn thất nào về người nhưng cuộc ném bom cũng làm cho những người sống và làm việc trong Dinh một phen hú vía.

Sau đó ông Diệm quyết định phá Dinh đi xây lại mới hoàn toàn. Công việc thiết kế được giao cho kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, một người tốt nghiệp trường kiến trúc danh tiếng ở Paris và là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải Khôi nguyên Roma.

Nhưng Dinh chưa thi công xong thì anh em ông Diệm bị đảo chính và chết thảm. Theo sau ông Diệm, chính trường Sài Gòn khủng hoảng, chỉ trong 2 năm mà cả chục chính phủ cứ lập lên rồi lại sụp đổ.

Đến khi Nguyễn Văn Thiệu thâu tóm được quyền lực thì tình hình mới ổn định. Ngày 30/6/1966, Dinh khánh thành và ông Thiệu dọn vào ở trong Dinh. Người ta lại tính rằng kể từ ngày dọn vào đến khi phải tháo chạy ra nước ngoài, ông Thiệu cũng chỉ ở trong Dinh được 9 năm. Và trước khi nó rơi vào tay quân giải phóng thì cũng bị ném bom một lần nữa nhưng may mắn chỉ bị hỏng cầu thang.

Ẩn ý của người thiết kế Dinh

Năm 1966, trong lễ khánh thành Dinh mới, ông Ngô Viết Thụ – tác giả thiết kế Dinh đã phát biểu tóm tắt thiết kế của mình.

Trong đó, nhiều ý đến nay vẫn được dẫn lại trong tài liệu giới thiệu về Dinh của ngành du lịch. Nét nổi bật là mặt tiền của Dinh với 3 tầng lầu và cột cờ sổ dọc tạo thành chữ “Vương” trong Hán tự. Nhưng bên trên lại có 1 cái tum giống như một dấu chấm ở trên đầu chữ “Vương” để tạo thành chữ “Chủ”.

Lúc ấy, ông Thụ diễn tả chữ “Chủ” này là nghĩa là “Chúa”.

Tuy nhiên, trong bài viết đăng trên một trang mạng, ông Trần Lê Quang, cựu bộ trưởng Bộ Cải cách điền địa dưới thời ông Diệm tiết lộ một câu chuyện khác về ý nghĩa chữ “Chủ”.

Ông Quang viết: “Một tâm sự của KTS Ngô Viết Thụ, nay đã qua đời, được một ông bạn ghi nhớ và thuật lại như sau:

Ngô Viết Thụ cho biết, khi Ông sáng tạo sơ đồ của dinh Độc Lập mới, đương sự có ý định thiết kế dinh với nhiều tầng lầu ngang, dài, giống nhau, như hình Hán tự chữ “Vương”. Theo ý nghĩa của Ngô Viết Thụ, “Vương” là “Vua”.

Nhưng KTS Thụ cũng cho biết rằng Ông cố ý cho thêm ngay ở giữa tầng cuối, một tầng thượng nhỏ, như một nét phẩy trên đầu chữ Hán Tự “Vương”, để chữ Hán tự đó trở thành một Hán tự khác, là chữ “Chủ”, không còn có nghĩa là “Vua” nữa.

2 Ky Bi Phong Thuy Dinh Doc Lap The Dat Hung Hiem Sat Chu

Chữ Vương và chữ Chủ.

Ý kiến của Ngô Viết Thụ là các nhân vật chính trị Việt Nam, nếu có cơ may cư ngụ tại dinh Độc Lập mới, thì chỉ là những người “Chủ nhà” tạm thời mà thôi. Các đương sự phải hành xử thế nào với dân gian và thời cuộc tại Việt Nam, mới mong về sau được trở thành “như một nhà Vua”.

Và ông Trần Lê Quang phân tích thêm về sự khác nhau trong ý nghĩa của hai chữ nói trên: “Tin tưởng của Ngô Viết Thụ rõ ràng bị ảnh hưởng bởi thuyết Phong Thủy. Tại Trung Quốc, cũng như tại Việt Nam hồi xưa, dư luận thường cho rằng ân huệ được làm Vua, là một ân huệ “Trời cho”, có thể truyền lại trong trật tự cho con cháu kế vị của nhà Vua, hay cho người thừa kế được lựa chọn.

Nhưng nếu thêm trên đầu Chữ Hán tự “Vương” một nét phẩy, thì chữ đó trở thành Chữ Hán Tự “Chủ”, như chủ nhà, chủ tịch, chủ sự, dân chủ, v.v. Các chức vụ “Chủ” thông thường không phải là “Trời cho”, mà là “Người cho”. Các đương sự thụ hưởng chức vụ “Người cho” đó, phải hành xử thế nào với thành viên của cộng đồng liên hệ, mới được hưởng chức vụ “Chủ”, mà cộng đồng đó giao cho, thông thường trong một thời gian có hạn mà thôi”.

Chuyện ông Thiệu trấn yểm Dinh

Ông Nguyễn Văn Thiệu là một người rất tin thuật phong thủy. Ông ta từng mướn các thày địa lý về quê nhà Phan Rang tìm chỗ “cát địa” để đặt lại ngôi mộ ông thân sinh mình.

Và năm 1975, khi các đoàn quân giải phóng trên đường tiến vào Sài Gòn thì ông ta cho lập phòng tuyến Phan Rang và hô hào tử thủ để bảo vệ cái “long mạch” đã làm nên ngôi Tổng thống của ông.

Bởi vì sùng tín như thế cho nên khi vừa giành được quyền lực chính trị, ông đã quan tâm ngay đến các vấn đề nhà cửa, dinh thự sao cho phù hợp phong thủy để “ngôi vị” trường tồn.

Nhà báo Lý Nhân đã viết những dòng mỉa mai về các hoạt động sùng tín phong thủy của ông Thiệu: “Rồi không biết thày bói sáng hay mù nào đó đã quân sư cho Thiệu rằng phải yểm vì dinh Độc Lập là đầu con rồng, và cái đuôi nó kéo dài mãi ra tới công trường chiến sĩ của Pháp xây dựng ở đường Duy Tân – Trần Quý Cáp.

Thiệu nghe vậy cũng run nên đã bí mật cho một số học sinh sinh viên kéo tới đập phá đài chiến sĩ trận vong của Pháp và cho đào một cái hồ có mô tháp cao đặt tên là công trường quốc tế.

Nhưng người dân Sài Gòn gọi nôm na là hồ con rùa, vì ở hồ này có làm 1 con rùa bằng đồng nằm dưới chân tháp.

Theo huyền thoại thầy địa lý nào đó nói Thiệu muốn yên vị ở “phủ đầu rồng” thì phải xây cái hồ chỗ công trường chiến sĩ vì đó là đuôi con rồng, lại phải trấn yểm để nó khỏi quậy lung tung thì sự nghiệp mới bền vững. Bởi vậy bên trên con rùa có cái tháp cao tượng trưng cho cái đinh để cắm xuống đuôi rồng”.

Ngoài việc xây hồ con rùa, ông Thiệu còn cho yểm bùa ở trước cổng Dinh Độc Lập. Điều đó cũng phát nguyên từ lời khuyên của các thày địa lý rằng tuy Dinh được xây cất lộng lẫy, bố trí độc đáo, nhìn bình diện từ trên cao xuống mặt bằng Dinh có hình chữ Cát nhưng trước mặt lại có con đường từ thảo cầm viên đâm thẳng vào Dinh như một mũi tên (Đó là đường Lê Duẩn ngày nay). Đó là điều đại kỵ trong phong thủy cho nên cần phải tìm cách giải trừ ảnh hưởng xấu này.

Tác giả Nguyễn Hoàng Điệp trong sách Thế giới có gì thần bí viết:

“Nhiều người còn tán tụng từ trên cao nhìn xuống toàn bộ mặt bằng của dinh Độc lập được xây dựng trên khu vực hình chữ “cát” có nghĩa là tốt lành. Nhưng rồi có người mách: con đường từ thảo cầm viên đâm thẳng vào dinh như một mũi tên.

Ngài Thiệu bèn trích công quỹ bỏ ra 2 triệu đồng, cậy cục thuê một pháp sư yểm cho lá bùa chôn ngay giữa cổng chính. Đồng thời phía trước dinh, ông Thiệu còn cho bố trí những rào sắt chắn đặt thường xuyên trên con lộ. Nhất cử lưỡng tiện: vừa tạo thành vật cản chặt đứt mũi tên theo lời khuyên của thày địa lý, vừa chặn được những đám biểu tình đấu tranh của dân chúng”.

Thiết nghĩ, người xưa nói ai được lòng dân thì được thiên hạ. Có phải đâu chỉ vì đất hung hiểm mà sự nghiệp ngắn ngủi thôi đâu. Cái chính là không được lòng dân, đi ngược lợi ích nhân dân thì bị đào thải đó thôi.

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT

Bài liên quan