Một nghiên cứu mới công bố cho thấy 25.900 tấn rác thải nhựa từ đại dịch Covid-19 – tương đương hơn 2.000 chiếc xe buýt hai tầng – đã bị đổ ra các đại dương.
Trên tạp chí PNAS của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, một nghiên cứu công bố hôm 8/11 cho biết: “Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu về nhựa dùng một lần tăng cao, gây thêm áp lực đối với vấn đề rác thải nhựa vốn đã mất kiểm soát trên toàn cầu”, theo Guardian.
Hai tác giả Yiming Peng và Peipei Wu (Đại học Nam Kinh, Trung Quốc) nhấn mạnh với quy trình quản lý chưa phù hợp, lượng rác thải nhựa (trong đó có đồ bảo hộ y tế, khẩu trang và găng tay) đã vượt quá khả năng xử lý của các quốc gia.
Từ khi đại dịch bắt đầu, 193 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tạo ra khoảng 8,4 triệu tấn rác thải nhựa, các tác giả cho biết.
“Rác thải nhựa, vốn dễ dàng trôi trong một phạm vi rộng lớn ở các đại dương, có khả năng gây thương tích hoặc thậm chí khiến sinh vật biển tử vong”, nhóm nghiên khẳng định.
Từ khi đại dịch bắt đầu, 193 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tạo ra khoảng 8,4 triệu tấn rác thải nhựa. Ảnh: Alamy.
Nghiên cứu cho thấy 46% lượng rác thải nhựa xuất phát từ châu Á (do hoạt động sử dụng khẩu trang của cư dân), tiếp theo là châu Âu (24%), châu Mỹ (22%) và châu Phi (8%).
Theo các nhà khoa học, hầu hết rác thải nhựa từ đại dịch sẽ xuất hiện tại các bãi biển hoặc chìm xuống đáy đại dương vào cuối thế kỷ này.
Hai tác giả Peng và Wu cho biết 87,4% lượng rải thải là từ các bệnh viện, thay vì nhu cầu dùng đồ bảo hộ cá nhân (PPE) – vốn chỉ chiếm 7,6%. Bao bì và bộ dụng cụ xét nghiệm chiếm khoảng 5%.
Cho đến tháng 8, hàng nghìn tấn khẩu trang, găng tay, bộ dụng cụ xét nghiệm đã theo dòng chảy của 369 con sông lớn trôi ra các đại dương. Trong đó, sông Shatt al-Arab mang theo 5.200 tấn rác thải PPE, sông Indus vận chuyển 4.000 tấn, còn con số của sông Dương Tử (Trung Quốc) là 3.700 tấn.
“Phát hiện nói trên làm nổi bật các sông và một số lưu vực cần được chú ý đặc biệt trong việc quản lý chất thải nhựa”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Nguồn: Zing