JAMA, tạp chí y học nổi tiếng nước Mỹ cho rằng, bữa trưa tại trường học có thể coi là bữa ăn lành mạnh nhất mà trẻ em Mỹ ăn trong ngày.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích chế độ ăn của hơn 21.000 trẻ em và 40.000 người lớn từ năm 2003 đến năm 2018 và nhận thấy rằng tỷ lệ "thực phẩm kém chất lượng, kém dinh dưỡng được tiêu thụ ở trường học" đã giảm từ 55% xuống 24% trong khoảng thời gian 15 năm, theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2021 bởi JAMA, tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Dariush Mozaffarian, trưởng khoa Khoa học và Chính sách dinh dưỡng Tufts Friedman kiêm giáo sư y khoa tại trường Y khoa Tufts ở Boston, Mỹ, cho biết, tỷ lệ thực phẩm kém chất lượng giảm xuống sau năm 2010 đó là khi Đạo luật "Trẻ em khỏe mạnh, không đói" được thông qua.
Đạo luật này đã thiết lập các tiêu chuẩn dinh dưỡng mới cho các bữa ăn trong trường học để đảm bảo trẻ em được thưởng thức các bữa ăn lành mạnh. Một số tiêu chuẩn bao gồm cung cấp cho học sinh cả trái cây và rau mỗi ngày, hạn chế lượng calo thừa dựa trên độ tuổi của trẻ.
Trẻ em Mỹ trong giờ ăn trưa (Ảnh: Business Insider).
Tiến sĩ Dariush Mozaffarian nói: "Các bạn có thể thấy một chính sách được Quốc hội thông qua có thể cải thiện đáng kể tình trạng dinh dưỡng của hàng triệu trẻ em tại Mỹ như thế nào".
Gần 30 triệu trẻ em Mỹ đang được ăn trưa miễn phí hoặc giảm giá tại trường học. Nghiên cứu của trường Y khoa Tufts đã xem xét chế độ ăn uống của người Mỹ từ năm 2003 đến năm 2018 và phát hiện ra rằng bữa ăn ở trường là nơi cung cấp nguồn thực phẩm lành mạnh nhất, đặc biệt khi so sánh với bữa trưa ở nhà hàng, nơi được cho là có những bữa ăn kém lành mạnh.
Trong quá khứ, bữa trưa của học sinh tại Mỹ được cho là "ăn lấy no" nhưng ngày nay, bữa trưa là một phần năng động hơn và lành mạnh hơn trong cuộc sống của học sinh.
Marlene Schwartz, giám đốc trung tâm Chính sách lương thực và Sức khỏe của UConn Rudd ở Hartford, Connecticut, Mỹ, cho biết: "Bạn thực sự không cần phải thực hiện một nghiên cứu để chỉ ra rằng nếu trẻ em đói, chúng sẽ gặp khó khăn hơn trong lớp học".
Schwartz cho biết, bất cứ điều gì ảnh hưởng đến chương trình bữa trưa ở trường đều quan trọng dù cho học sinh không nhận thấy sự thay đổi cụ thể trong thực đơn.
Marlene Schwartz nói: "Nếu bạn có thể đảm bảo rằng bữa trưa ở trường là lành mạnh, thì bạn đang tạo ra sự ảnh hưởng tốt đến gần 30 triệu trẻ em mỗi ngày đến trường. Vì vậy, đó là một sự ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dinh dưỡng cho trẻ.
Những người đi học vào thập niên 70, 80, 90 có thể cho rằng bữa trưa ở trường không ngon nhưng những tiêu chuẩn dinh dưỡng khi đó tập trung nhiều hơn vào việc cung cấp đủ calo".
Vào năm 2012, các quy tắc của Bộ Nông nghiệp đã được sửa đổi để điều chỉnh chính sách bữa trưa ở trường với hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn uống cho người Mỹ.
Megan Lott, phó giám đốc chương trình nghiên cứu ăn uống lành mạnh tại Viện Y tế Toàn cầu Duke ở Durham, Bắc Carolina, Mỹ, cho biết, quy tắc sửa đổi dẫn đến việc học sinh ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt hơn, đồng thời giảm lượng chất béo, calo, đường và natri.
Một bữa trưa lành mạnh của học sinh tại Mỹ (Ảnh: Business Insider).
Năm nay, các trường học ở Mỹ phải tăng lượng ngũ cốc nguyên hạt dành cho bữa trưa và tiếp tục cung cấp sữa ít béo cho học sinh. Trong năm học 2023-2024, lượng natri trong bữa trưa sẽ giảm 10%.
Megan Lott nói, thực đơn cắt giảm khoảng 200 calo mỗi ngày có thể giúp trẻ giữ được cân nặng hợp lý và cơ thể khỏe mạnh.
Schwartz cho biết những thay đổi như vậy có thể giúp bảo vệ sức khỏe lâu dài cho trẻ em. Cô nói: "Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có thể giúp trẻ em sớm làm quen với các sản phẩm có hàm lượng natri thấp và ngũ cốc nguyên hạt thì những thực phẩm đó dần sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong cuộc sống của chúng".
Kể từ năm 2012, các trường học cũng đã có những thay đổi để học sinh có nhiều lựa chọn hơn trong bữa trưa ở trường. Lott nói rằng đó là một chiến lược thay đổi hữu ích để giúp trẻ đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong thói quen ăn uống lành mạnh của mình.
Lott cũng đề nghị cung cấp cho học sinh các lựa chọn thực phẩm trong các danh mục tốt cho sức khỏe kiểu như hỏi trẻ em xem chúng thích bông cải xanh hấp hay xào, nho hay cam, chứ không phải là hỏi trẻ em chọn bông cải xanh hay bánh chocolate.
Schwartz đồng ý rằng việc đưa ra những lựa chọn lành mạnh là có hiệu quả. Cô nói: "Việc giáo dục dinh dưỡng tốt nhất nên xuất phát chính từ những bữa ăn. Nếu nó tốt cho sức khỏe và ngon miệng, thì đó thực sự là tất cả những gì chúng ta cần".
Nguồn: Báo điện tử Dân trí