Dự báo không khí lạnh còn ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh miền Bắc trong nhiều ngày tới, trời rét kéo dài. Trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi là đối tượng dễ bị ốm.
Những ngày này thời tiết đang duy trì nền nhiệt độ khá thấp. Vì vậy, điều quan trọng là bố mẹ phải biết cách giữ ấm cho bé để duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định trong thời gian mùa đông mà vẫn thấy thoải mái, đặc biệt là vào ban đêm và đi ra ngoài.
Dưới đây bác sĩ Phí Xuân Thi, khoa Nhi, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đưa ra quy tắc giữ ấm "4 ấm, 1 lạnh" để phòng bệnh cho trẻ:
"4 ấm" bao gồm:
- Bàn tay ấm: Giữ bàn tay con ấm, không bị lạnh, không đổ mồ hôi.
- Lưng ấm: Cũng như bàn tay, lưng trẻ cần được giữ ấm vừa phải vì nếu đổ mồ hôi ở lưng và không được lau kịp thời, mồ hôi sẽ thấm ngược vào trong cơ thể trẻ, dẫn đến nhiễm lạnh. Nếu bố mẹ thấy cổ và lưng của trẻ lạnh, điều đó có nghĩa là con cần được mặc thêm quần áo.
- Bụng ấm: Bụng được giữ ấm sẽ giúp bảo vệ dạ dày của trẻ. Nếu bụng lạnh, dạ dày lạnh sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu hóa và hấp thụ thức ăn của con.
- Bàn chân ấm: Bàn chân là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất trong cơ thể trẻ vì dưới bàn chân có rất nhiều mạch và huyệt. Nếu bàn chân không được giữ ấm, trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp.
Vì vậy, người chăm sóc trẻ cần lưu ý giữ ấm đôi bàn chân của trẻ trong những ngày rét, đi tất cho bé dù ở trong nhà, đi thêm giày khi ra ngoài.
"1 lạnh": Không vì trời lạnh mà bố mẹ trùm kín đầu trẻ bằng mũ suốt cả ngày. Theo các chuyên gia, khi ở trong nhà, cần để đầu trẻ thông thoáng, thoải mái, không cần đội mũ. Chỉ khi đi ra ngoài, trẻ mới cần đội mũ để giữ ấm.
Lưu ý khi giữ ấm cho trẻ trong ngày lạnh
- Mặc quần áo theo lớp: Theo bác sĩ Thi, một số mẹ thấy trời lạnh thường mặc áo len, áo khoác dày cho trẻ nhưng đây không phải cách mặc đồ lý tưởng cho trẻ. Cách tốt nhất là mặc đồ theo lớp để dễ dàng điều chỉnh quần áo phù hợp với nhiệt độ cơ thể trẻ. Đảm bảo không mặc quá 4 lớp áo, nếu không trẻ sẽ cảm thấy khó cử động và bí bách, thậm chí ra mồ hôi.
Lớp quần áo trong cùng nên cho trẻ mặc các loại áo quần phông, cotton ôm khít cơ thể, tiếp theo là áo len, áo khoác, khi đi ra ngoài trẻ cần thêm mũ và găng tay. Khi đi ngủ, trẻ cần đắp thêm chăn hoặc dùng túi ngủ.
- Không ủ hay quấn trẻ quá mức: Việc quấn bé quá nhiều lớp có thể cản trở quá trình hô hấp của trẻ. Tránh sử dụng những chiếc khăn dài quanh cổ hoặc mặt của bé, thay vào đó, che chắn trẻ khỏi những cơn gió nhẹ với sự trợ giúp của xe đẩy hoặc đưa trẻ vào nơi kín gió.
- Những thứ cần tránh: chăn dày và nặng; nệm mềm và nhẹ; chăn điện hay đệm điện, máy sưởi… Đây là những đồ vật có thể khiến trẻ đối mặt nguy cơ nghẹt thở, bỏng hay mắc kẹt.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho biết thêm một số bộ phận cần phải giữ ấm là cổ và tai. Tuy nhiên, bộ phận quan trọng nhất đó chính là đường thở của trẻ, vì nó sẽ tiếp xúc trực tiếp với không khí, nhưng phụ huynh không thể bịt kín đường thở của trẻ. Chính vì thế, môi trường sạch sẽ, nhiệt độ và độ ẩm phù hợp là quan trọng nhất.
Ngoài ra, thời gian tắm cho trẻ nhỏ trong mùa lạnh không nên kéo dài quá 10 phút, không nhất thiết ngày nào cũng phải tắm. Một tuần có thể tắm 2-3 lần, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo trẻ được lau rửa và thay quần áo sạch sẽ hàng ngày.
Trẻ em chỉ cần lau người, rửa chân tay mặt mũi sạch bằng nước ấm trong phòng kín gió, có thiết bị sưởi và ủ ấm ngay để không bị nhiễm lạnh. Nếu tắm gội cần dùng nước ấm.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí