Tỷ lệ sinh thấp, tình trạng già hóa dân số khiến giới chức Nhật Bản đối mặt với không ít thách thức.
Gia đình Kentaro Yokobori (Ảnh: Twitter).
Khi Kentaro Yokobori ra đời cách đây gần 7 năm, cậu là đứa trẻ đầu tiên được sinh ra ở Sogio, làng Kawakami, Nhật Bản trong 25 năm. Với nhiều người dân làng, sự xuất hiện của cậu như một phép màu. Dân làng đến chúc mừng đều là những người đã cao tuổi.
Suốt 1/4 thế kỷ không có trẻ em nào chào đời, dân số của ngôi làng này đã giảm từ 6.000 người cách đây 40 năm, xuống còn 1.150 người. Người già qua đời, người trẻ rời đi, nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang.
Kawakami chỉ là một trong số nhiều thị trấn và ngôi làng ở vùng nông thôn bị bỏ quên khi thế hệ trẻ có xu hướng chuyển đến định cư ở các thành phố lớn. hơn 90% dân số Nhật Bản hiện sống ở các khu vực thành thị như Tokyo, Osaka, Kyoto.
Điều này khiến cho những vùng nông thôn hay những vùng canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp, trang trại đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng và tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Vấn đề của Nhật Bản là những người ở thành thị cũng không muốn sinh đẻ.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hồi đầu năm từng cảnh báo nước này đang "trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội".
Năm 2022, số trẻ em ra đời ở Nhật Bản gần 800.000 trẻ, thấp nhất kể từ khi thống kê số liệu năm 1982. Tỷ lệ sinh của Nhật Bản giảm xuống còn 1,3, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định. Số ca tử vong tại đất nước này đã vượt xa số ca sinh nở trong hơn một thập niên.
Tình trạng này khiến các nhà hoạch định chính sách của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới phải đối mặt với thách thức duy trì chế độ lương hưu và chăm sóc sức khỏe cho lượng dân số già ngày càng tăng trong khi lực lượng lao động bị thu hẹp.
Theo Kyodo
Nguồn: Báo điện tử Dân trí