WHO: COVID-19 sắp như cúm mùa trong năm nay

Quan chức WHO tin rằng COVID-19 sẽ thành một bệnh như cúm mùa trong năm nay, nghĩa là nó vẫn lây nhiễm, vẫn giết người nhưng không còn là mối đe dọa và gây xáo trộn xã hội.

1 Who Covid 19 Sap Nhu Cum Mua Trong Nam Nay

Ông Michael Ryan, quan chức phụ trách các vấn đề y tế khẩn cấp của WHO - Ảnh: AFP

"Chúng ta đang sắp tới một giai đoạn có thể xem COVID-19 giống như cúm mùa", ông Michael Ryan - giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - trả lời trong một cuộc họp báo ngày 17-3.

Quan chức WHO giải thích COVID-19 vẫn sẽ là một mối đe dọa cho sức khỏe con người giống như cúm mùa, sẽ có người chết song nó sẽ không làm xáo trộn xã hội hay hệ thống y tế.

"Và tôi nghĩ điều đó sẽ đến trong năm nay, như Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã từng nói", Hãng thông tấn AFP trích lời ông Ryan.

WHO vẫn duy trì "Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu" (PHEIC) dù nhiều nước đã nới lỏng các biện pháp chống dịch.

Trong cuộc họp báo ngày 17-3, ông Ryan tiết lộ WHO có thể sớm dỡ bỏ tình trạng PHEIC với COVID-19 "vào một thời điểm nào đó trong năm 2023".

Tổng giám đốc WHO Tedros thì thận trọng khi cho rằng tình hình hiện nay đã khả quan hơn rất nhiều so với ba năm vừa qua. Số người chết vì COVID-19 hiện nay, nếu tính theo mỗi tuần, đã thấp hơn nhiều.

Tuy nhiên, theo ông Tedros, số người chết vì COVID-19 mỗi tuần vẫn là một con số đáng lo ngại nếu so sánh với các bệnh như cúm mùa.

Ngày 11-3 vừa qua đánh dấu tròn ba năm WHO chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.

Trong ba năm qua, thế giới đã hiểu rõ hơn về COVID-19 cũng như có "vũ khí" cần thiết và những chiến lược phòng ngừa hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tuy nhiên, WHO cảnh báo vi rút gây COVID-19 vẫn có thể tiến hóa và kêu gọi các nước tiếp tục cập nhật dữ liệu để đánh giá chính xác, từ đó có hướng ngăn chặn hợp lý.

Anh ngừng xét nghiệm COVID-19 người đến từ Trung Quốc

Ngày 17-3, Cơ quan an ninh y tế Anh thông báo sẽ bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành với người đến từ Trung Quốc đại lục. Lệnh dỡ bỏ sẽ có hiệu lực từ ngày 5-4 tới.

Cơ quan này giải thích quyết định dỡ bỏ là do Trung Quốc đã tăng cường chia sẻ thông tin về dịch trong mấy tháng vừa qua.

Kể từ khi áp dụng hồi tháng 1 rồi, đã có 3.374 người đến từ Trung Quốc đại lục bị xét nghiệm COVID-19 khi nhập cảnh Anh, trung bình 99 người/chuyến bay. Trong số này có 14 người dương tính nhưng không ai bị nhiễm các biến thể đáng lo ngại.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan