Ở Châu Á, các quốc gia có cách đón lễ Thất Tịch khác nhau.
Thất Tịch, hay còn gọi là lễ Ngâu, là ngày lễ được bắt nguồn từ Trung Quốc. Trong cuốn Nghi lễ thờ cúng truyền thống của người Việt, tác giải Hồ Đức Thọ giải thích về truyền thuyết ngày 7.7 âm lịch:
"Chức Nữ là con gái của Ngọc Hoàng, vừa có nhan sắc vừa có tài dệt vải, thêu thùa may vá. Ngưu Lang tuy là người chăn trâu nhưng có tâm hồn thi sĩ, có tài làm thơ. Hai người yêu nhau tha thiết và được Ngọc Đế cho phép nên vợ nên chồng.
Ngưu Lang - Chức Nữ sống hạnh phúc bên nhau, lại quá đắm đuối bởi tình yêu, bỏ bê công việc cửi canh, thêu thùa cũng như văn bài hàng ngày.
Vì vậy, Ngọc Đế phạt đày hai người ở hai bờ sông Ngân và một năm cho quạ bắc cầu Ô Thước để Ngưu Lang - Chức Nữ hội ngộ một lần. Hai người gặp nhau khóc lóc thảm thiết.
Tháng 7 mưa nhiều, rả rích suốt ngày này sang ngày khác nên người ta gọi là mưa ngâu".
Trong khi đó, sách Tục Tề hai ký lại ghi: "Từ câu chuyện này nên con gái thuở xưa có lệ khất xảo (xin khéo). Lấy kim khâu thường dùng hướng về phía mặt trăng để xâu chỉ. Có khi dùng kim 9 lỗ chỉ ngũ sắc để xâu. Nếu xâu được là khép sẽ gặp nhiều may mắn.
Phải chăng đây cũng là việc tạo tính nhẫn nại, tránh sự biếng nhác để đến tình cảnh của Chức Nữ - Ngưu Lang".
Ngưu Lang - Chức Nữ trùng phùng vào ngày 7.7 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, trời thường đổ mưa như khóc thương cho cuộc tình ngang trái của họ. Ảnh: CGTN.
Ở mỗi quốc gia, người dân lại có cách đón lễ Thất Tịch khác nhau, tùy theo phong tục, văn hóa bản địa.
Trung Quốc
Ngày Thất Tịch ở Trung Quốc là dịp để các thiếu nữ cầu nguyện, mong chờ những điều tốt lành trong tình yêu và hôn nhân.
Người dân Trung Quốc quan niệm rằng, nếu các cặp đôi yêu nhau cùng ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ vào ngày lễ Thất Tịch thì sẽ ở bên nhau mãi mãi.
Ngoài ra, giới trẻ cũng tin rằng những người cô đơn khi ăn chè đậu đỏ trong ngày này sẽ sớm tìm được nửa kia, cũng là một cách cầu may mắn, suôn sẻ trong tình yêu.
Nhiều hoạt động thêu thùa, may vá, nữ công gia chánh được tổ chức vào ngày lễ Thất tịch ở Trung Quốc. Ảnh: CGTN.
Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, Lễ Thất Tịch được biết đến với cái tên Chilseok. Vào ngày này, người Hàn Quốc có truyền thống đi tắm để cầu có sức khỏe tốt. Người dân tổ chức diễu hành, những trò chơi đường phố để cảm tạ trời đất mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Ngoài ra, họ cũng thưởng thức những món ăn làm từ lúa mì như bánh mì bột mì, bánh mì nướng, bánh kếp lúa mì hoặc bánh dày phủ đậu đỏ.
Lễ hội được tổ chức vào ngàu 7.7 âm lịch ở Hàn Quốc. Ảnh: Koreatrack.
Nhật Bản
Ngày Thất tịch du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ 8, còn được gọi là lễ Tanabata. Theo phong tục, người dân sẽ xếp giấy thành hình để trang trí hoặc tặng nhau để chúc may mắn, tốt lành.
Họ cũng sẽ viết mong ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc Tanzaku rồi treo lên cành trúc trước cửa nhà để mong ước những điều may mắn, vụ mùa bội thu và cầu cho sự thịnh vượng, phát triển.
Trong ngày này, người trẻ ở Nhật cũng cầu nguyện để sớm tìm được một nửa như ý. Những đôi lứa đang yêu sẽ đến chùa, đền thờ với mong muốn có tình yêu bền chặt, hạnh phúc.
Đường phố, đền chùa ở Nhật Bản ngập tràn sắc màu vào ngày lễ hội Tanabata. Ảnh: ThoughCo.
Việt Nam
Tại Việt Nam, thời tiết tháng 7 âm lịch thường có mưa ngâu, tương truyền rằng đây là những giọt lệ của vợ chồng Ngâu, nên dân gian còn có tên gọi khác là ngày ông Ngâu bà Ngâu.
Vào ngày này, các cặp đôi yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên bền vững, son sắt, chuyện tình yêu sẽ được hạnh phúc viên mãn.
Với những người độc thân, việc đi chùa cầu may cũng để sớm tìm được ý trung nhân. Ngoài ra, đây cũng là dịp để mọi người cầu sức khỏe, tài lộc và bình an cho bản thân và gia đình.
Những năm gần đây, giới trẻ có phong trào ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất Tịch. Trên thực tế, hạt đậu của Việt Nam cũng có sự khác biệt so với hồng đậu - một loại đậu bản địa có hình trái tim, cứng như gỗ nghiến, màu đỏ tươi ở Trung Quốc.
Chè đậu đỏ là món ăn được nhiều người Việt lựa chọn trong ngày Thất Tịch. Ảnh: Ngọc Lê.