Ngoài Delta, các nhà khoa học đang theo dõi một số biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Các biến thể này có khả năng tiếp tục tạo ra những đợt bùng phát căng thẳng không kém.
Thế giới đang theo dõi kỹ các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. (Nguồn: PAHO)
Kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào cuối năm 2020, tới nay, biến thể Delta đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là dễ lây nhiễm nhất trong số các biến thể Covid-19 hiện nay.
Mùa Hè năm 2021, biến thể Delta gây bất ngờ cho thế giới khi trở thành biến thể chủ đạo trong làn sóng dịch mới, chiếm 60% số ca nhiễm trêm toàn cầu. Delta tấn công dữ dội và làm kiệt quệ nhiều quốc gia, trong đó có những nước từng là biểu tượng của công tác phòng chống dịch Covid-19.
Do vậy, nhằm chuẩn bị kỹ càng hơn, các nhà khoa học đã và đang theo dõi chặt chẽ các loại biến thể mới xuất hiện, có nguy cơ lây lan rộng rãi. Trong đó nổi bật ba loại biến thể Lambda, Mu và C.1.2, bởi chúng có một số điểm tương đồng chính với các biến thể đáng quan ngại khác.
Biến thể Mu lan rộng ở 45 quốc gia
WHO đã phân loại biến thể Mu (B.1.621) là “biến thể đáng quan tâm” vào tháng trước. Thuật ngữ này áp dụng cho các biến thể có thể tạo ra các đợt bùng phát dịch bệnh đáng kể trong cộng đồng, hoặc có những biến đổi di truyền có thể làm thay đổi cách thức hoạt động của virus SARS-CoV-2.
Các nhà khoa học của WHO lo ngại vì Mu lây lan nhanh chóng ở Nam Mỹ kể từ tháng Năm. Tuy nhiên, theo dữ liệu của GISAID, biến thể Mu chỉ chiếm 0,1% tổng số ca nhiễm Covid-19 mới trên thế giới. Xuất hiện lần đầu ở Colombia hồi tháng Giêng, hiện biến thể này được phát hiện ở 45 quốc gia.
Dù vẫn đang thống trị ở Colombia, nhưng từ tháng Bảy, số ca nhiễm mới biến thể Mu đã giảm đáng kể ở Nam Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng, Mu mang một số đột biến quan trọng trong mã di truyền của protein đột biến. Những đột biến này có thể làm cho Mu kháng lại các kháng thể do vaccine tạo ra, cũng như các kháng thể tự nhiên tạo ra khi cơ thể từng nhiễm Covid-19.
Tháng trước, bảy người cao tuổi tại một viện dưỡng lão ở Bỉ đã chết vì nhiễm biến thể Mu, dù đã được tiêm phòng đầy đủ.
Lo ngại kháng vaccine của biến thể Lambda
Theo WHO, biến thể Lambda được phát hiện đầu tiên ở Lima (Peru) vào tháng 8/2020. Biến thể còn được gọi là C37 hoặc “biến thể núi Andes”. Từ ngày 14/6, biến thể Lambda đã được WHO xếp vào danh mục “biến thể đáng quan tâm”.
Theo thống kê của WHO, khoảng 81% người nhiễm Covid-19 ở Peru kể từ tháng 4/2021 đến nay là nhiễm biến thể Lambda. Hiện biến thể Lambda đã có mặt ở ít nhất 41 quốc gia.
Đến nay, các nhà khoa học chưa thể xác định liệu biến thể Lambda có nguy hiểm hơn biến thể Delta hay không.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Kei Sato, nhà nghiên cứu cao cấp của Đại học Tokyo, biến thể Lambda có thể trở thành mối đe dọa tiềm tàng với xã hội loài người. Một số chuyên gia y tế các nước cảnh báo biến thể Lambda đang có nhiều biến đổi bất thường và có khả năng kháng vaccine.
Hiện vẫn còn quá sớm để xác định liệu biến thể Lambda có dẫn đến nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong cao hơn, hay có thể trở thành biến thể chủ đạo hay không. Thậm chí, một số nghiên cứu cho thấy, các loại vaccine công nghệ mRNA như Pfizer và Moderna vẫn bảo vệ tốt trước biến thể này.
Thách thức biến thể C.1.2
Trong những tuần qua, các nhà khoa học đã lưu ý đến sự lây lan của biến thể C.1.2, xuất hiện lần đầu ở Nam Phi hồi tháng Năm.
Dù chưa được đặt tên theo bảng chữ cái Hy Lạp như các biến thể trên, cũng như chưa được xếp vào danh mục “biến thể đáng quan tâm”, nhưng C.1.2 thu hút sự chú ý do có khả năng lây nhiễm nhanh gấp hai lần so với các biến thể đã được xác định trên toàn cầu.
Theo nghiên cứu của Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm của Nam Phi, số ca mắc biến thể C.1.2 hiện gia tăng liên tục hằng tháng, tương tự như những gì được quan sát trong những ngày đầu của các biến thể Beta và Delta. Tốc độ lây lan của biến thể này nhanh hơn khoảng 1,7 lần so với tốc độ toàn cầu hiện tại và nhanh hơn 1,8 lần so với ước tính ban đầu về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2.
Hiện biến thể này đã được phát hiện tại toàn bộ các tỉnh của Nam Phi và gần 10 quốc gia khác trải dài khắp châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Đại Dương, trong đó có Anh, Thụy Sỹ, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Mauritius, New Zealand…
Nếu không cẩn thận, C.1.2 có thể sẽ tạo ra một làn sóng lây nhiễm còn kinh hoàng hơn những đợt lây nhiễm trước.
Trước những thách thức của đại dịch Covid-19, các nhà khoa học tiếp tục khẳng định, vaccine là vũ khí hiệu quả nhất chống lại tất cả biến thể của SARS-CoV-2. Thực tế cho thấy các nước phát triển có tỷ lệ chủng ngừa cao đã giảm được số người mắc bệnh, giảm số ca bệnh nặng, số ca tử vong và bắt đầu tập trung phục hồi về kinh tế.
(theo Business Insider)
Nguồn: Duy Quang/ baoquocte.vn