Các nhà khoa học tại Viện Pasteur Pháp và Đại học Quốc gia Lào vừa phát hiện manh mối khác về nguồn gốc của virus gây bệnh Covid-19.
Virus mới được phát hiện có đặc điểm di truyền và cơ chế hoạt động tương tự nCoV.
Theo AFP, trong số các con dơi sống trong hang động ở Lào, nhóm chuyên gia phát hiện mầm bệnh tương tự SARS-CoV-2, có khả năng lây nhiễm trực tiếp sang người.
Ba con dơi mang chủng virus giống với nCoV
Theo Nature News, nhóm nghiên cứu đã đã bắt 645 con dơi từ các hang động đá vôi ở tỉnh Viêng Chăn (Lào) và sàng lọc để tìm virus liên quan nCoV. Trong số hàng trăm chủng virus mà nhóm tìm thấy, ba loại có trình tự gene gần giống nCoV. Chúng được đặt tên là BANAL-52, BANAL-103 và BANAL-236.
Đặc biệt, trong đó, BANAL-53 có đặc điểm di truyền giống đến 96,8% so với nCoV. Điều này làm cho BANAL-52 được xem là "anh em sinh đôi", có nhiều điểm tương đồng về mặt di truyền với virus gây đại dịch Covid-19 nhất đến thời điểm hiện tại.
Ba virus mới có cấu trúc gene tương đồng đến 96,8% với nCoV. Đặc biệt đây là virus đầu tiên có cơ chế lây nhiễm vào tế bào người giống chủng đã gây ra đại dịch Covid-19. Ảnh: Bangkok Post.
Điểm đáng chú ý là cả 3 loại virus này đều có chung cơ chế dùng protein gai bám vào tế bào người (miền liên kết thụ thể - RBD) tương tự SARS-CoV-2. Miền liên kết thụ thể là một phần của virus cho phép nó liên kết với tế bào vật chủ.
Ở nCoV, RBD liên kết với một thụ thể được gọi là ACE2 trên tế bào người. nCoV sử dụng nó để làm cổng vào tế bào. “Mua chuộc” được người gác cổng ACE2, virus dễ dàng xâm nhập, nhân lên và gây bệnh bên trong cơ thể người.
Nghiên cứu từ nhóm chuyên gia của Pháp, Lào cho thấy BANAL-52, BANAL-103 và BANAL-236 có thể liên kết với ACE2, sử dụng nó để xâm nhập vào tế bào người.
Bloomberg dẫn lời nhà sinh vật học Edward Holmes, Đại học Sydney, Australia, người không tham gia nghiên cứu: “Vùng liên kết thụ thể của SARS-CoV-2 trông khác thường khi nó được phát hiện lần đầu tiên. Bởi có quá ít virus để so sánh với nó. Song, giờ đây, chúng tôi đang có nhiều mẫu hơn từ tự nhiên và bắt đầu nhận thấy các liên kết của chuỗi gene".
Trước đó, họ hàng gần của SARS-CoV-2 là RaTG13, cũng được tìm thấy ở dơi móng ngựa vào năm 2013 và bộ gene giống tới 96,1%. Song, RaTG13 chưa thể xâm nhập cơ thể người qua liên kết miền thụ thể nói trên.
Khoảng 10 năm trước, một loại virus rất giống SARS-CoV-2 cũng được tìm thấy ở loài dơi móng ngựa này. Hai mẫu dơi móng ngựa được thu thập vào năm 2010 ở tỉnh Stung Treng gần Lào và được lưu giữ trong tủ đông lạnh tại Viện Pasteur tại Campuchia (IPC), nằm ở thủ đô Phnom Penh.
Năm ngoái, kết quả nghiên cứu hai mẫu vật này cho thấy nó có chứa loại virus với nhiều điểm giống SARS-CoV-2.
Như vậy, ba virus mới được phát hiện là loài có cấu trúc gene và cơ chế hoạt động tương đồng nhất với nCoV.
Củng cố thêm giả thuyết về nguồn gốc của nCoV
Các phát hiện được đăng tải trên Research Square ngày 17/9 và đã được gửi lên tạp chí Nature với lời cảnh báo phát hiện chủng virus mới có khả năng lây nhiễm sang người tương tự nCoV. Bài báo đang chờ phản biện.
Nhóm tác giả cho hay những người làm việc trong hang động, thu gom phân chim, khách du lịch thường xuyên lui tới khu vực này thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm đặc biệt cao.
Marc Eloit, Giám đốc Phòng thí nghiệm phát hiện mầm bệnh của Viện Pasteur, cho hay đây là công trình mang bước tiến quan trọng trong việc xác định nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Nó củng cố thêm giả thuyết nCoV có thể bắt nguồn từ những con dơi sống - nguồn gốc từ tự nhiên.
Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ thu được hình ảnh này vào ngày 1/8. Đây là hình ảnh dưới kính hiển vi của các hạt nCoV, được phân lập từ một bệnh nhân. Ảnh: AFP.
Hồi tháng 1, các chuyên gia do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được cử đến Trung Quốc đã kết luận rất có thể nCoV nhảy từ dơi sang người qua động vật trung gian. Song, đến nay, câu trả lời về nguồn gốc virus vẫn chưa ngã ngũ.
Mặc dù có nhiều điểm tương đồng với nCoV, ba virus mới được phát hiện đều có chung đặc điểm là thiếu trình tự phân tách trên protein đột biến. Đây là cơ chế hỗ trợ nCoV xâm nhập vào tế bào người nhanh hơn.
Điều này có nghĩa để hiểu về nguồn gốc của nCoV, họ cần nghiên cứu sâu hơn về cách thức, thời điểm xuất hiện trình tự nói trên.
Đánh giá về kết quả mới của nhóm chuyên gia tại Lào và Viện Pasteur Pháp, Giáo sư Martin Hibbert, Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, Anh (người không tham gia vào nghiên cứu), cho hay loại virus mới được phát hiện có nguy cơ rất cao lây nhiễm sang con người. Đây là điều rất đáng quan tâm.
Cơ chế lây nhiễm của nó hiện giống nCoV. Và chúng ta đã chứng kiến SARS-CoV-2 lan nhanh ra toàn cầu ra sao. Song, ông nhấn mạnh 3 virus mới phát hiện không phải tổ tiên của loài đã gây ra đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Chúng ta vẫn chưa thể trả lời câu hỏi về nguồn gốc của đại dịch trong suốt 2 năm qua.
Thiên Nhan
Nguồn: zingnews.vn