Tháng 7 là tháng nóng nhất trong lịch sử nhân loại

Tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất, đánh dấu bằng những đợt nắng nóng và cháy rừng khắp thế giới.

"Tháng 7 vừa qua nóng hơn 0,72 độ C so với mức trung bình của các tháng 7 trong giai đoạn 1991-2020 và cao hơn 0,33 độ so với nhiệt độ kỷ lục được ghi nhận tháng 7/2019, khi nhiệt độ trung bình là 16,63 độ C", Copernicus, đài quan sát khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), hôm nay cho hay.

Kể từ cuối những năm 1800, nhiệt độ toàn cầu đã nóng lên khoảng 1,2 độ C, khiến các đợt sóng nhiệt trở nên gay gắt, kéo dài và thường xuyên hơn, cũng như làm gia tăng các hình thái thời tiết cực đoan, như bão và lũ lụt.

"Sóng nhiệt đã xảy ra ở nhiều khu vực của Bắc bán cầu, trong đó có Nam Âu. Nhiệt độ cao hơn mức trung bình được ghi nhận một số quốc gia Nam Mỹ và xung quanh phần lớn Nam Cực", Copernicus nêu. "Thời gian còn lại của năm 2023 dự kiến tương đối ấm do hiện tượng El Nino".

Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng nhiệt độ tháng 7 của những năm tới có thể tăng lên mức kỷ lục mới.

1 Thang 7 La Thang Nong Nhat Trong Lich Su Nhan Loai

Người dân di chuyển trên đường phố trong đợt nắng nóng ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 10/7. Ảnh: AFP

Các đại dương trên thế giới cũng ghi nhận nhiệt độ kỷ lục mới, làm dấy lên lo ngại về tác động dây chuyền đối với khí hậu, sinh vật biển và các cộng đồng ven biển. Nhiệt độ trên bề mặt đại dương đã tăng lên 20,96 độ C vào ngày 30/7, theo dữ liệu của Copernicus. Mức cao nhất được ghi nhận trước đó là 20,95 độ C vào tháng 3/2016.

"Chúng ta vừa chứng kiến nhiệt độ không khí và bề mặt đại dương toàn cầu lập kỷ lục mới mọi thời đại trong tháng 7. Những kỷ lục này gây hậu quả nghiêm trọng, khiến nhân loại và hành tinh phải đối mặt các hiện tượng cực đoan thường xuyên và dữ dội hơn", Samantha Burgess, phó giám đốc Copernicus, cho hay.

Theo Burgess, năm 2023 tính tới tháng 8 là năm nóng thứ ba trong lịch sử, cao hơn 0,43 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020 và chỉ thấp hơn mức nhiệt năm 2016 và 2020. Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào tháng 7 cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Theo bà Burgess, mức nhiệt này chỉ là tạm thời, song cho thấy sự cấp bách của những nỗ lực nhằm giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu, vốn là nguyên nhân chính dẫn đến khí hậu nóng lên.

Cháy rừng đã tàn phá nhiều vùng của Hy Lạp và thiêu rụi 12 triệu ha rừng ở Canada, trong khi miền nam châu Âu, một phần Bắc Phi, miền nam nước Mỹ và các khu vực của Trung Quốc đang quay cuồng dưới đợt nắng nóng gay gắt. Những trận mưa trút xuống thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc những ngày gần đây được ghi nhận là lớn nhất trong 140 năm qua.

Carlo Buontempo, giám đốc Copernicus, trước đó đã nói rằng nhiệt độ giai đoạn này "đáng chú ý", có thể "chưa từng có trong lịch sử vài nghìn năm qua", thậm chí "100.000 năm".

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres gần đây kêu gọi các nước hành động khẩn cấp để ứng phó. "Biến đổi khí hậu đang xảy ra và nó mới chỉ bắt đầu", ông Guterres nói, đồng thời kêu gọi cắt giảm quyết liệt lượng khí thải làm nóng hành tinh. "Kỷ nguyên nóng lên toàn cầu đã kết thúc, thời đại sôi sục toàn cầu đã đến".

Huyền Lê (Theo AFP)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

Bài liên quan