Giun đất có nhiều tác dụng dược lý như giảm sốt, hỗ trợ điều trị xuất huyết, lợi tiểu, giải độc, nhưng cần chế biến, sao tẩm kỹ lưỡng, không ăn sống.
Giun thường sống ở những nơi có đất ẩm ướt, giàu mùn hữu cơ. Chúng dài khoảng 10-35 cm, rộng khoảng 5-15 mm, thân có nhiều đốt. Ở mặt bụng và hai bên thân có 4 đốt lông ngắn nhưng rất cứng, nhờ vậy, giun đất có thể di chuyển. Đặc biệt, con vật này không có mắt, tuy nhiên, nó vẫn có cảm giác với ánh sáng, bởi dưới da có các tế bào cảm giác ánh sáng.
Giun đất là động vật sợ ánh sáng, chỉ lúc có mưa lớn khiến bùn đất bị trũng xuống, không còn độ xốp thì giun đất sẽ bò lên để hô hấp. Chúng thải ra những viên bã và đất tròn xíu, còn được gọi là phân giun.
Ngày 8/8, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết vị thuốc từ giun đất còn gọi là địa long, tức là giun để nguyên hoặc bỏ đất ở ruột rồi phơi, sấy khô.
Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh giun đất có tác dụng dược lý như giảm sốt, giãn khí quản, chống histamin (một trong những chất có liên quan mật thiết tới tình trạng sốc phản vệ, phản ứng viêm, dị ứng, dẫn truyền thần kinh và sự bài tiết dịch vị), hạ huyết áp và ức chế sự co bóp của ruột non.
Theo tài liệu cổ, giun đất có vị mặn, tính hàn, thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc, dùng chữa bệnh nhiệt phát cuồng, ho suyễn, kinh phong mạn và cấp, tiểu tiện khó khăn, dùng ngoài đắp mụn nhọt.
Giun đất còn được dùng làm thuốc chữa sốt rét, chữa sốt, ho hen do tác dụng làm giãn phế quản, chữa bệnh cao huyết áp, nhức đầu. Ngày dùng 6-12 g dưới dạng thuốc sắc hoặc 2-4 g dưới dạng thuốc bột.
Các đơn thuốc có giun đất thường được dùng trong các trường hợp mồm miệng và mắt méo xệch, không nói được, bí đại tiện, đi tiểu nhiều lần. Đơn thuốc gồm: Hoàng kỳ 15 g, đương quy 8 g, xích thược 6 g, địa long, xuyên khung, đào nhân, hồng hoa mỗi vị 4 g, thêm 600 ml nước, sắc còn 200 ml, chia ba lần uống trong ngày.
Theo kinh nghiệm dân gian, giun đất còn làm thuốc chữa bệnh lý sốt xuất huyết như ngũ tạng lục phủ xuất huyết, não bộ xuất huyết, phù thận, phù toàn thân, phù tim, bụng báng trướng nước, khí hư bạch đới. Đơn thuốc gồm: Địa long 20-50 g khô (20-50 con tươi) tùy tuổi, đậu xanh, đậu đen mỗi thứ 100 g, bồ ngót 200 g. Giun đất nếu còn tươi rọc ra, rửa sạch, sao thơm giòn, giã nhỏ. Đậu và rau sao thơm, tất cả cho vào nồi hay siêu đất, cho 1,2 lít nước sắc uống.
Nhiều thông tin truyền miệng cho rằng ăn uống giun đất sống sẽ trị được bệnh, song quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Con vật này không thể ăn sống, cần sao tẩm, chế biến tùy theo mục đích sử dụng, với từng thể bệnh khác nhau.
Thúy Quỳnh
Nguồn: VNEXPRESS.NET