Khi các nước đang cố đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc xin, đặc biệt là với trẻ em, để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường thì làn sóng tin giả trên mạng xã hội đang bủa vây phụ huynh khiến họ hoài nghi về độ an toàn của vắc xin COVID-19.
Học sinh được khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Trường tiểu học Thị Trấn Củ Chi - Ảnh: DUYÊN PHAN
Y tá Melody Butler, hiện đang sinh sống tại Mỹ, cho biết không khó để bắt gặp những thông tin hư cấu trên mạng xã hội, điển hình như việc một cô gái 16 tuổi khẳng định mình phải chịu tổn thương vĩnh viễn sau khi tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech, hay hình ảnh một thiếu niên 17 tuổi phải nhập viện do bị đông máu sau tiêm.
Những tuyên bố này là gần như không thể xác minh trừ phi bạn tiếp cận được với hồ sơ y tế cá nhân. Chính lỗ hổng này đã tạo điều kiện cho những đối tượng ác ý bịa đặt nội dung trên mạng xã hội và lan truyền mối nghi ngờ về độ an toàn của việc tiêm phòng.
Y tá Butler khẳng định những câu chuyện vô căn cứ này đã nhiều lần bị các tổ chức chống vắc xin sử dụng để lôi kéo dư luận với mục đích khiến người dân hoang mang và sợ hãi việc tiêm phòng.
Để thuyết phục các bậc cha mẹ, y tá Butler đã nỗ lực cung cấp thông tin mang tính khoa học qua nhóm Y tá tiêm phòng trên mạng xã hội.
Cô luôn nói rằng dù phản ứng phụ do tiêm phòng COVID-19 vẫn có thể xảy ra, nhưng các bằng chứng đều cho thấy nguy cơ bị tác dụng phụ nghiêm trọng là không cao. Chính Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng khẳng định phần lớn trẻ em chỉ bị đau tay hoặc sốt sau tiêm.
Gần đây, giới chức Mỹ đã phê chuẩn việc sử dụng vắc xin của Pfizer/BioNTech cho trẻ nhỏ. Đây là loại vắc xin COVID-19 duy nhất sử dụng cho mục đích này.
Kể cả khi phụ huynh nhận thức được rằng việc tiêm phòng có thể bảo vệ con em khỏi việc mắc COVID-19 nghiêm trọng, họ vẫn dễ dàng bị thông tin sai lệch về tác dụng phụ của vắc xin thuyết phục điều ngược lại.
Những câu chuyện cá nhân hư cấu thường có sức ảnh hưởng rất lớn do phụ huynh luôn lo lắng về những điều tồi tệ nhất có thể xảy đến với con em mình.
Cô Katie Vitale Pickett, cư dân sinh sống tại bang Texas (Mỹ), đang lo lắng về sức khỏe của con em mình, cũng như những tác dụng phụ của vắc xin vốn đang được lan truyền trên mạng.
Trên thực tế, các thông tin sai lệch và hư cấu lại đang được chia sẻ nhanh chóng như thông tin y tế chính thức, thậm chí có sức nặng không kém gì lời khuyên của các bác sĩ.
Trước tình hình này, Facebook tuyên bố thường xuyên lọc các thông tin sai lệch về COVID-19 và việc tiêm phòng, đánh dấu các bài đăng đã được kiểm chứng bởi các tổ chức độc lập.
Đáng tiếc là những hành động này là chưa đủ và những thông tin này chỉ tiếp cận được một nhóm người nhất định. Thuyết âm mưu xung quanh đại dịch đã khiến người dân quay lưng với các lời khuyên y tế.
Việc loại bỏ những giả thuyết này cũng rất khó bởi không chỉ có một thông tin duy nhất. Mặc dù phong trào chống vắc xin không phải bây giờ mới xuất hiện, nhưng hiện tại chỉ tập trung chĩa mũi dùi vào vắc xin COVID-19, từ đó làm suy yếu các nỗ lực chống đại dịch.
Một cuộc khảo sát do Tổ chức Kaiser Family Foundation thực hiện vào tháng 10 vừa qua cho thấy có tới 2/3 số phụ huynh được hỏi quan ngại rằng vắc xin có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai của con em họ, dù thông tin này đã nhiều lần bị bác bỏ.
Những thông tin vô căn cứ về hệ quả tiêu cực của việc tiêm phòng thường có sức ảnh hưởng hơn thành công của y học trong việc phòng ngừa bệnh.
Do đó, nhà nghiên cứu y tế công của Đại học John Hopkins Tara Kirk Sell kêu gọi giới chức y tế cần tìm ra cách thức mới để tiếp cận người dân. Theo bà, thay vì cung cấp các con số khô khan, vốn thường khó thuyết phục số đông, nên tập trung vào những câu chuyện có khả năng tác động đến dư luận.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online