Vì sao khi quân Mông Cổ bỏ chạy lại là lúc họ đáng sợ nhất?

Ngay cả khi bị truy kích, kỵ binh Mông Cổ vẫn có thể bắn tên chính xác khiến kẻ thù khiếp đảm nhờ một vật giúp họ xoay chuyển linh hoạt trên lưng ngựa.

Trước khi cái tên Thành Cát Tư Hãn được cả thế giới biết tới, người Mông Cổ là một tộc người sống yên phận tại vùng thảo nguyên ở đông bắc Á.

Nhưng tới năm 1227, khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, quân Mông Cổ đã chinh phạt và đặt chân tới hầu hết các vùng đất ở Thái Bình Dương và khu vực biển Caspia. Năm 1241, họ tới "gõ cửa" Vienna thủ đô của Áo ngày nay và sau đó trở thành nỗi kinh hoàng của các quốc gia đông Âu trong suốt phần còn lại của thế kỷ 13.

1 Vi Sao Khi Quan Mong Co Bo Chay Lai La Luc Ho Dang So Nhat

Quân Mông Cổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn từng là nỗi khiếp sợ của nhiều quốc gia.

Người Mông Cổ từng tuyên bố là đế chế đất đai hợp nhất lớn nhất trong lịch sử. Nhiều sử gia tin rằng thành công vang dội đó của người Mông Cổ xuất phát từ một vật vô cùng đơn giản nhưng đầy hiệu quả: Bàn đạp ngựa.

Không ai biết bàn đạp ngựa lần đầu tiên được phát minh khi nào nhưng nó đem đến lợi ích vô cùng lớn cho bất kỳ đội quân nào sử dụng.

Một bàn đạp ngựa, dù là đơn giản nhất, chỉ gồm một vòng dây da, cũng giúp binh lính trụ vững trên lưng ngựa lâu hơn trong trận chiến. Một số người thậm chí còn tin rằng bàn đạp ngựa đã làm thay đổi vai trò quyền lực, từ bộ binh sang kỵ binh, ở châu Âu. Nhà sử học Roman Johann Jarymowycz đặt cho kỵ binh thời Trung cổ một biệt danh khá kêu "những cỗ xe tăng thép".

Người Mông Cổ không phải những người đầu tiên sử dụng bàn đạp ngựa nhưng họ biến nó trở thành thứ vô cùng lợi hại trong chiến trận. Các sử gia cho rằng quân Mông Cổ không chỉ có các bàn đạp ngựa bằng da mà còn chế được cả bằng kim loại.

Năm 2016, các nhà khảo cổ tại Trung tâm Di sản Văn hóa Mông Cổ đã khai quật được hài cốt một phụ nữ Mông Cổ sống ở thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên. Ngoài đôi giày da và vài bộ quần áo, các nhà khảo cổ còn phát hiện một số yên và bàn đạp ngựa bằng sắt tới nay vẫn có thể sử dụng, được chôn cùng.

2 Vi Sao Khi Quan Mong Co Bo Chay Lai La Luc Ho Dang So Nhat

Hình ảnh 2 chiếc bàn đạp ngựa được khai quật hài cốt một phụ nữ Mông Cổ sống ở thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên.

Bàn đạp ngựa là một miếng kim loại dày với phần đầu có lỗ nhỏ để treo vào dây đeo yên ngựa và một phần đế tròn, dẹt để người cưỡi ngựa để chân. Bàn đạp ngựa phải thoải mái và chắc chắn vì người Mông Cổ sử dụng nó để cưỡi ngựa theo cách chưa từng có.

Một vị tướng nhà Tống (giai đoạn 960-1279) mô tả người Mông Cổ vừa đứng vừa cưỡi ngựa, với "phần lớn trọng lượng cơ thể dồn vào bắp chân, một phần nhỏ lực dồn xuống bàn chân và mắt cá chân". Bàn đạp ngựa giúp họ có thể đứng vững và thẳng trên lưng ngựa ngay cả trong tình huống hỗn loạn nhất.

Các bàn đạp được treo vào yên ngựa làm từ gỗ, có hai phần nhô cao ở trước và sau. Cùng với việc luyện tập không ngừng nghỉ trên lưng ngựa, những bộ yên và bàn đạp ngựa này giúp người Mông Cổ vô cùng vững chãi trên lưng ngựa. Người cưỡi ngựa có thể giữ thăng bằng mà không cần dùng tay, dù cho ngựa di chuyển bốn phương tám hướng hoặc bản thân người cưỡi cũng xoay chuyển trên lưng ngựa. Nhờ đó, người cưỡi có thoải mái dùng tay bắn tên theo mọi hướng.

Thời điểm đó, hầu hết quân đội giành chiến thắng chỉ bằng cách xung phong tấn công. Nhưng người Mông Cổ có thể vừa tiến vừa rút lui mà không sợ các đợt truy kích của kẻ thù. Khi giáp mặt đối thủ, kỵ binh Mông Cổ là lớp đầu tiên xung phong, bắn tên liên tục và dàn trận tấn công phủ đầu quyết liệt. Nhưng khi khoảng cách tới đối thủ chỉ còn vài mét, kỵ binh Mông Cổ lại quay lưng rút nhanh.

Đòn rút lui hiểm

3 Vi Sao Khi Quan Mong Co Bo Chay Lai La Luc Ho Dang So Nhat

Bàn đạp ngựa giúp người Mông Cổ xoay trở linh hoạt trên lưng ngựa.

Theo sử gia Thomas Craughwell, với khả năng xoay trở linh hoạt trên yên ngựa, ngay cả khi rút lui, kỵ binh Mông Cổ vẫn có thể bắn tên nhắm vào kẻ thù một cách chính xác.

Do quân Mông Cổ vừa tấn công vừa rút lui liên tục nên thế trận quân địch dần hỗn loạn. Marco Polo, người chứng kiến và nghiên cứu sâu về kỹ thuật tấn công của người Mông Cổ, cho hay: "Quân Mông Cổ thường tránh đánh giáp lá cà. Thay vào đó, họ cưỡi ngựa di chuyển liên tục và bắn tên vào kẻ thù".

Nếu kỵ binh truyền thống được ví như xe tăng thì kỵ binh Mông Cổ là những chiến đấu cơ. Sự chủ động trong di chuyển giúp họ trở nên bất bại.

Khi đối diện nguy cơ bị đánh bại, binh sỹ Mông Cổ sẽ sử dụng đòn tâm lý. Các kỵ binh xoay ngựa và vờ rút lui. Đối thủ chủ quan thường sẽ đuổi theo. Kỵ binh Mông Cổ sau đó sẽ quay người lại, chờ quân địch đến gần. Tiếp đó, những cung thủ Mông Cổ chờ sẵn sẽ xông lên trút "mưa tên" vào kẻ thù. Đồng thời, các kỵ binh trang bị đầy đủ áo giáp, vũ khí xông lên tấn công. Lúc đó, thắng thua gần như đã rõ.

Sự nổi lên của đế chế Mông Cổ nhờ bàn đạp ngựa cho thấy cải tiến kỹ thuật đã tạo ra một chiến thuật mới có thể chinh phục mọi đội quân thời đó. Vô số yếu tố khác nhau giúp Thành Cát Tư Hãn và các hậu duệ của ông thu nạp phần lớn đất đai trong châu lục. Tuy nhiên, bàn đạp yên ngựa luôn đóng vai trò nhất định trong các chiến thắng của quân Mông Cổ.

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT

Bài liên quan