Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo lây nhiễm đậu mùa khỉ ở nhóm nguy cơ cao, như phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch và trẻ em.
Virus gây bệnh đậu mùa khỉ trên kính hiển vi điện tử - Ảnh: AP
Ngày 29-6, WHO cho biết đang điều tra báo cáo về ca mắc đậu mùa khỉ ở trẻ em tại châu Âu, bao gồm 2 trường hợp ở Anh. Hiện chưa có ca bệnh nặng ở trẻ em.
Hiện virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ở hơn 50 quốc gia mới ngoài các nước ở châu Phi - nơi căn bệnh được coi là bệnh lưu hành. Đáng chú ý, số ca bệnh cũng đang tăng ngay cả ở "lục địa đen".
Đã có hơn 3.400 trường hợp mắc bệnh và một trường hợp tử vong do đậu mùa khỉ, kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 5.
Có gần 1.500 trường hợp mắc đậu mùa khỉ và 70 ca tử vong ở riêng Trung Phi, trong khi ca bệnh tập trung chủ yếu ở Cộng hòa dân chủ Congo.
Theo WHO, dịch bệnh lây lan phần lớn ở châu Âu, chủ yếu ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới.
Hồi đầu tháng 6, WHO đã cảnh báo virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể tiếp tục lây lan và sẽ có thêm nhiều nước khác ghi nhận ca mắc.
Đáng chú ý, ở một số nước, nhiều ca mắc đậu mùa khỉ ghi nhận mới đây không có tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Điều này cho thấy virus gây bệnh có thể đã âm thầm lây lan.
Ở cấp độ lớn hơn, ngày 25-6, WHO nhận định đậu mùa khỉ chưa phải là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (PHEIC) - mức độ cảnh báo cao nhất mà WHO có thể ban bố.
Đến nay WHO mới 6 lần tuyên bố một bệnh là PHEIC kể từ năm 2009, lần gần nhất là với đại dịch COVID-19 vào năm 2020.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online