Theo báo cáo toàn cầu của WHO, nhiều chiến lược tiếp thị sữa tại Việt Nam sai lệch như sữa công thức có thể cải thiện chiều cao, phát triển trí não của trẻ...
Đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ nhân sự kiện “Cùng hành động để hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc” tổ chức sáng 7-8 ở Hà Nội - Ảnh: D.LIỄU
Sự kiện "Cùng hành động để hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc" do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức sáng 7-8 ở Hà Nội. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ thế giới (từ 1 đến 7-8).
Sữa công thức đang tiếp thị gây hiểu nhầm
Phát biểu tại sự kiện, bà Rana Flowers - trưởng đại diện UNICEF Việt Nam - cho hay việc nuôi con bằng sữa mẹ bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các bệnh nhiễm khuẩn đe dọa đến tính mạng, hỗ trợ sự phát triển trí não khỏe mạnh ở trẻ, ngăn ngừa bệnh mãn tính ở trẻ nhỏ và mẹ. Tất cả những điều đó giúp làm giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.
Bà Angela Pratt - trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - cũng đặt ra một trong những vấn đề khiến việc nuôi con bằng sữa mẹ bị ảnh hưởng là việc tiếp thị sữa công thức gây hiểu lầm.
Báo cáo toàn cầu mới đây của WHO tiết lộ nhiều chiến lược tiếp thị sữa công thức sai lệch ở Việt Nam, trong đó thường bao gồm những tuyên bố không có đủ căn cứ khoa học như sữa công thức có thể cải thiện chiều cao, cân nặng hoặc sự phát triển trí não của trẻ.
Dẫn chứng, tiến sĩ Juliawati Untoro - trưởng nhóm dinh dưỡng WHO khu vực Tây Thái Bình Dương - cho hay có tới 82% bà mẹ biết về sữa công thức giai đoạn 2 và 96% trong đó cho rằng sữa công thức là cần thiết.
"Họ đưa ra những bằng chứng sai lệch khiến người mẹ không còn tự tin với sữa mẹ. Trong đó, kênh tiếp thị sữa và chiến lược tiếp thị phổ biến và tràn lan qua nhiều kênh như tivi, sản phẩm miễn phí, hội nghị, tọa đàm…
Các sản phẩm sử dụng hình ảnh tuyên bố sai lệch về khoa học, sữa công thức gắn bằng hoặc tốt hơn sữa mẹ, bao gồm dưỡng chất HMO và DHA. Đặc biệt, họ sử dụng cán bộ y tế để tạo uy tín.
Theo khảo sát, các cán bộ y tế ở Việt Nam, Morocco và Nigeria (khối y tế công và tư nhân) có sự liên hệ với các công ty sữa công thức. Họ nhận được các ưu đãi như hoa hồng, tài trợ cho nghiên cứu, hàng hóa, quà tặng...", tiến sĩ Juliawati Untoro nêu rõ.
Làm sao để quản lý việc tiếp thị sai lệch sữa công thức?
Nuôi con bằng sữa mẹ bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các bệnh nhiễm khuẩn, hỗ trợ sự phát triển trí não khỏe mạnh ở trẻ, ngăn ngừa bệnh mãn tính ở trẻ nhỏ và mẹ - Ảnh: UNICEF Việt Nam\Trương Việt Hùng
Theo các chuyên gia, thực tế Việt Nam đã có những quy định về việc cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Cụ thể, theo nghị định số 100 của Chính phủ Việt Nam về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ quy định cấm quảng cáo sữa công thức cho trẻ dưới 24 tháng và yêu cầu ghi nhãn, thông tin, giáo dục và quảng cáo phù hợp.
Theo tiến sĩ Juliawati Untoro, đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam mà của nhiều quốc gia trong khu vực. "Mặc dù đã có pháp luật đầy đủ, nhưng việc thực thi chính sách còn nhiều khó khăn, có thể về kinh tế, do chưa có đủ cơ chế xử phạt.
Vì vậy, điều quan trọng là từ chính các bà mẹ, những người tiêu dùng hiểu được lợi ích từ sữa mẹ.
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động cũng cần đồng hành, hỗ trợ việc lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ. Như có phòng vắt sữa, lưu trữ sữa để phụ nữ được thuận lợi duy trì và cho con bú sữa mẹ đến 2 tuổi", vị này cho hay.
Theo ông Đinh Anh Tuấn - vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), Việt Nam cũng đã có nhiều quan tâm đến vấn đề này.
"Đơn cử như thời gian nghỉ thai sản của phụ nữ sinh con đã được quan tâm, từ 1 tháng lên 3 tháng và hiện nay là 6 tháng. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 66,5% trẻ em được bú mẹ đến năm 1 tuổi. Con số này qua nhiều năm không tăng trưởng. Việc thực hành bú mẹ đúng theo độ tuổi còn thấp do còn nhiều khó khăn và do sự "tiện dụng" và "tác dụng" mà sữa công thức đang tiếp cận.
Chúng ta cần làm tốt hơn nữa, tạo môi trường thuận lợi cho việc nuôi con bằng sữa mẹ, để phụ nữ trong độ tuổi lao động được tạo điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ đến 2 tuổi", ông Tuấn nói.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online