Dõi theo sự việc một bữa ăn của 11 em nhỏ ở trường Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) bị phản ánh chỉ có "hai gói mỳ tôm chan cơm" mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang yêu cầu làm rõ, tôi bất chợt nhớ đến câu chuyện "cơm có thịt" của nhà báo Trần Đăng Tuấn cách đây nhiều năm.
Hơn 11 năm trước, nhà báo Trần Đăng Tuấn trong một lần lên công tác ở tỉnh vùng cao phía Bắc, chứng kiến bữa ăn chỉ có cơm trắng và canh loãng của các cháu học sinh trong khu nội trú, ông và vài người bạn rủ nhau góp tiền gửi lên hàng tháng để mua thêm thức ăn, mong sao đến bữa ăn mỗi cháu có thêm một, hai miếng thịt.
Học trò múc mì chan cơm trong bữa ăn tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (Ảnh chụp từ clip VTV24).
Ông Tuấn cũng đã viết về chuyện đó trên các blog cá nhân của mình, không phải là kêu gọi ủng hộ mà chỉ là những dòng tâm sự. Nhưng rồi hàng trăm người đã qua mạng thúc giục lập ra một địa chỉ để cùng chung tay "gắp thịt" vào bát cơm cho các bé học sinh vùng cao.
Ông Tuấn đã đứng ra lập hồ sơ xin thành lập quỹ từ thiện "Cơm có thịt", nay là Quỹ trò nghèo vùng cao, thực hiện một số hoạt động thiện nguyện bao gồm hỗ trợ bổ sung dinh dưỡng cho bữa ăn tại lớp ở các trường vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Hành trình của "Cơm có thịt" có rất nhiều câu chuyện xúc động, một trong số đó từng được nhà báo Trần Đăng Tuấn kể lại trên truyền thông và tôi xin phép tóm tắt lại ở đây. Đó là những ngày đầu khi ông cùng bạn bè lên ủng hộ tiền mua đồ ăn cho các em học sinh ở một địa phương vùng cao, thì có người dân bán hàng tạp hóa ở gần điểm trường nói rằng "Các chú giúp các em ở đó lại làm khổ nhà cháu".
Ông Tuấn hỏi vì sao, người dân cho hay, trước đây các em học sinh thường đi ngủ rất sớm nhưng sau khi được "Cơm có thịt" giúp thì các em thường nô đùa đến gần nửa đêm, nhiều khi người dân sống bên cạnh phải sang nhắc nhở các cháu đi ngủ đúng giờ. Lý do rất đơn giản là bây giờ dinh dưỡng tốt hơn nên các cháu… có sức đùa nghịch nhiều hơn.
Theo tôi được biết "Cơm có thịt" chỉ là một trong rất nhiều chương trình thiện nguyện đang được thực hiện trên toàn quốc. Nhiều cơ quan báo chí, trong đó có báo Dân trí, cũng đã và đang triển khai những chương trình từ thiện, nhân ái, giúp đỡ học trò nghèo, học trò hoàn cảnh khó khăn… rất thiết thực, ý nghĩa.
Trở lại với bữa ăn hàng ngày của các em nhỏ, ai cũng biết rằng dinh dưỡng quan trọng như thế nào với các em đang "tuổi ăn, tuổi lớn". Chúng ta đã có nhiều chính sách, nhiều chương trình sử dụng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ các em học sinh, hỗ trợ các nhà trường phổ thông ở vùng đặc biệt khó khăn.
Đơn cử, liên quan đến sự việc ở Lào Cai, lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương cho hay theo quy định mới từ tháng 7, mức hỗ trợ tiền bán trú hàng tháng với học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn hiện bằng 40% lương cơ sở, tương đương 720.000 đồng. Ngoài tiền ăn, học sinh được hỗ trợ tiền sách vở, chăn màn 1,35 triệu đồng một năm và 15kg gạo một tháng…
Có một điều chắc chắn cả về quy định pháp luật lẫn đạo lý là người lớn chúng ta không được phép để cho các em nhỏ phải chịu đói, phải đi học trong cảnh cơm không có thịt.
Các em học sinh ở bất cứ đâu cũng cần nhận được sự quan tâm, bao bọc, hỗ trợ của toàn xã hội, mà trực tiếp là những thầy, cô đang nuôi dạy các em; với các em học trò vùng cao thì sự quan tâm càng phải lớn hơn. Không thể chấp nhận được việc cắt xén khẩu phần ăn của những đứa trẻ nếu có, dù vì bất cứ lý do gì.
Chính vì vậy, theo đúng tinh thần công văn khẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, địa phương cần sớm xác minh, làm rõ sự việc; tăng cường chỉ đạo, quản lý để cơ sở thực hiện đầy đủ các chính sách liên quan đến học sinh và nhà trường ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin nhắc đến bài hát "Nấu ăn cho em" của Rapper Đen Vâu - người vừa được trao giải Tình nguyện quốc gia, "Anh muốn những vị khách nhỏ, ăn hết sạch những đồ ngon thơm - Vì anh biết những đứa trẻ này, mai này sẽ xây dựng quê hương - Nấu cho các em ăn, em có sức nhặt từng con chữ".
Vâng, chúng ta cần chung tay "Nấu cho các em ăn, em có sức nhặt từng con chữ", chứ không phải là đang tâm làm điều ngược lại.
Tác giả: Anh Lê Xuân Lục là giảng viên đại học Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giảng dạy lĩnh vực pháp luật, quản trị nhà nước. Anh cũng là chuyên gia tư vấn cho một số tổ chức hành nghề luật sư.